20/01/2015 08:55 GMT+7

​Dùng thẻ cũ khám bệnh

LAN ANH ghi
LAN ANH ghi

TT - Còn trên 3 triệu người nghèo và người dân tộc thiểu số chưa được nhận thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mới dù năm mới đã sắp qua tháng đầu tiên.

Nhiều người thất vọng khi đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhận được thông báo từ ngày 1-1-2015 người bệnh  không được hưởng chế độ BHYT trái tuyến khi khám, chữa bệnh ngoại trú - Ảnh: V.Dũng

Đến tháng 10-2015 mới là hạn chót để địa phương hoàn tất danh sách người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Người bệnh gặp rắc rối với mẫu giấy giới thiệu chuyển tuyến cũ...

Đó là những vấn đề được báo giới quan tâm ở phiên họp báo thường kỳ quý 1-2015 của Bảo hiểm xã hội VN khi có nhiều vướng mắc sau 19 ngày thực hiện Luật BHYT sửa đổi.

Trả lời báo chí, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho biết đến nay đã có tỉnh Đắk Lắk thông báo nhầm lẫn cấp phát thẻ.

Cụ thể, trong số trên 57.000 thẻ BHYT bị sai sót (chủ yếu là học sinh tiểu học và THCS, ghi cùng ngày tháng sinh là 1-1), có trên 40.000 thẻ sai sót do trường không cung cấp ngày tháng năm sinh, trên 16.000 thẻ có ngày tháng năm sinh nhưng cán bộ bảo hiểm xã hội không đưa vào, phần mềm mới đã tự động in ngày tháng năm sinh của các cháu là 1-1.

Ông Thảo cho biết Bảo hiểm xã hội VN đã yêu cầu cán bộ bảo hiểm liên quan đến sai sót giải trình rõ trách nhiệm từng bộ phận và phải đền bù chi phí do làm hỏng trên 16.000 phôi thẻ. Trong tháng 2 phải hoàn thành cấp lại thẻ BHYT cho các cháu và trong thời gian chờ cấp thẻ, phải đảm bảo quyền lợi cho các cháu đi khám chữa bệnh.

* Tuổi Trẻ: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình đang rất vướng do địa phương chưa có danh sách, nên họ không được hưởng các quyền lợi như giảm chi phí mua thẻ từ người tham gia thứ hai trong gia đình. Bệnh nhân ung thư và các bệnh hiểm nghèo khác cũng đang gặp khó ở thời điểm giao thời khi giấy chuyển viện không phù hợp mẫu mới. Các vướng mắc này sẽ được giải quyết ra sao?

- Ông Phạm Lương Sơn (trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội VN): Chúng tôi đã tổ chức đoàn thanh tra và đã đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM để giải quyết ngay vướng mắc mà người bệnh gặp phải.

Ngày 15 và 19-1 chúng tôi cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các trung tâm thanh toán đa tuyến, giám định viên bảo hiểm và bệnh viện để lắng nghe các vướng mắc sau 19 ngày thực hiện Luật BHYT sửa đổi.

Tất cả bệnh nhân có giấy chuyển viện theo mẫu cũ sẽ được hưởng quyền lợi đúng như quyền lợi của người bệnh chuyển đúng tuyến.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ làm việc sau với bệnh viện mà người bệnh đó có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để giải quyết vấn đề chi phí, người bệnh không phải quay lại bệnh viện khám chữa bệnh ban đầu để lấy giấy chuyển viện mới. Nếu người bệnh nào có vướng mắc xung quanh vấn đề này cứ liên lạc với giám định viên bảo hiểm thường trực ở bệnh viện.

- Ông Vũ Mạnh Chữ (phó trưởng ban thu Bảo hiểm xã hội VN): Theo hướng dẫn thì chậm nhất 1-10-2015 mới là hạn chót địa phương lập xong danh sách hộ gia đình mua BHYT, nhưng ngay từ ngày 1-1, các gia đình có tờ khai nhân khẩu cần tham gia BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, có xác nhận của trưởng thôn hoặc UBND xã, phường thì Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết đúng theo chính sách là người thứ hai trong gia đình tham gia BHYT được giảm 30% phí, người thứ ba giảm 40% phí, người thứ tư giảm 50% phí và người thứ năm trong gia đình tham gia giảm 60% phí.

- Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết thêm: việc xác minh số nhân khẩu, người đã tham gia các loại hình bảo hiểm khác... là việc của cơ quan bảo hiểm.

* Người Lao Động: Đến nay vẫn còn rất nhiều người nghèo, người dân tộc thiểu số chưa nhận được thẻ BHYT mới. Khi họ đi khám bệnh trong giai đoạn này thì quyền lợi ra sao?

- Ông Nguyễn Minh Thảo: Trong số khoảng 12,5 triệu người nghèo, người dân tộc thiểu số có khoảng 9 triệu người đã được cấp thẻ BHYT mới. Số còn lại chưa được cấp thì tôi được biết có những nơi phải trong quý 1 này mới cấp xong. Nhưng những người nghèo, người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT có thể tiếp tục sử dụng thẻ cũ cho đến khi được cấp thẻ mới.

* Tuổi Trẻ: Quy định mới khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong chuyển tuyến theo nhu cầu. Có phương án gì tháo gỡ?

- Ông Phạm Lương Sơn: Thông tư 41 và 47 hướng dẫn về BHYT mới đã quy định rất rõ khi nào tình trạng bệnh lý vượt quá khả năng chuyên môn thì phải chuyển tuyến, chuyển lên tuyến trên, tuyến ngang, tuyến dọc như thế nào. Và có đến 47 bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến một lần để sử dụng cho cả năm.

Bệnh viện quá tải ký cam kết không nằm ghép

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết bộ vừa tổ chức lễ ký cam kết với các bệnh viện đang quá tải, nhằm giảm và tiến tới không còn bệnh nhân nằm ghép trong năm 2015. Theo đó, có ba mốc thời gian cho chương trình này là 27-2, tháng 6 và tháng 10-2015.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho biết sẽ khó giải quyết được vấn đề người bệnh nằm ghép trong năm nay do các chuyên khoa như ung bướu, tim mạch... còn rất thiếu giường bệnh. Còn giải pháp đưa người bệnh ra điều trị ngoại trú sẽ gây khó khăn và nâng chi phí điều trị cho người bệnh ở tỉnh tới khám chữa bệnh tại Hà Nội, TP.HCM hoặc các bệnh viện tuyến trên.

Nhiều ý kiến cũng cho biết việc chậm trễ trong cấp thẻ BHYT sẽ gây khó khăn cho người bệnh khám chữa bệnh trong giai đoạn giao thời. Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến huyện chưa đạt yêu cầu khiến người bệnh có mong muốn vượt tuyến để chất lượng khám chữa bệnh được tốt hơn.

Tuy nhiên, từ ngày 1-1-2015, BHYT không chi trả cho người bệnh khám vượt tuyến theo nhu cầu (trước đây chi trả 30% phí khám bệnh), trong khi có khoảng 30% người bệnh tới khám tại bệnh viện tuyến T.Ư thuộc nhóm này.

LAN ANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên