Canada tuyên bố chủ quyền Bắc Cực Mỹ kêu gọi không gây xung đột ở Bắc Cực Tổng thống Nga: Tăng cường quân sự ở Bắc Cực
Phóng to |
Thành viên Tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) tham gia cuộc biểu tình tại Zurich (Thụy Sĩ) để chống lại việc Nga khai thác dầu ở Bắc Cực Ảnh: Reuters |
Chỉ bốn ngày sau khi đệ trình Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồ sơ khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực, hôm 10-12 Canada tiếp tục tuyên bố sẽ bảo vệ ông già Noel - được lập luận là công dân Canada và đang sống ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Canada - và vùng đất này bằng mọi cách. “Chúng tôi tăng cường bảo vệ phía bắc bằng tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng sẽ bảo vệ cả ông già Noel và vùng Bắc Cực đến cùng” - AFP dẫn lời ông Paul Calandra, thư ký quốc hội của thủ tướng Canada.
Trò chơi chính trị
"Quân đội Nga phải hoàn thành việc triển khai các binh đoàn ở khu vực Bắc Cực. Các binh đoàn này phải luôn trong tình trạng báo động quân sự. Nga phải sở hữu mọi đòn bẩy cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh và quốc gia ở Bắc Cực" |
Santa Claus hay ông già Noel là một trong những nhân vật thần thoại mang tính toàn cầu mà Canada đang muốn sử dụng để đan xen vào vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Bắc Cực. Lãnh đạo đảng Dân chủ Canada Justin Trudeau cho biết mỗi năm dịch vụ bưu chính đã chuyển hàng chục ngàn lá thư của trẻ em trên khắp thế giới đến địa chỉ của Santa Claus ở Bắc Cực. “Ai cũng biết ông già Noel là người Canada, mã số bưu chính của ông ấy là H0H 0H0, Bắc Cực của Canada” - báo Canadian dẫn lời ông Justin Trudeau.
Hôm 6-12, Canada đã chính thức đệ đơn lên LHQ tuyên bố mở rộng chủ quyền đối với Bắc Cực. AFP dẫn lời ông Carl Vallee - người phát ngôn của Thủ tướng Stephen Harper - cho biết Canada đã khảo sát vùng cực bắc suốt 10 năm qua và đã thu thập đủ chứng cứ cho chủ quyền của mình ở Bắc Cực.
Lập tức, hôm 10-12, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh quân đội Nga tăng cường sự hiện diện ở Bắc Cực cũng như phải hoàn tất các kế hoạch nâng cấp căn cứ quân sự ở khu vực này đến năm 2014. Trao đổi với Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu, Tổng thống Putin cho biết ông thật sự quan ngại tuyên bố chủ quyền của Canada ở Bắc Cực.
Cuối tháng 9-2013, Nga đã triển khai 10 tàu chiến thuộc Hạm đội biển Bắc đến quần đảo New Siberian ở Bắc Băng Dương nhằm khẳng định quyền hiện diện ở khu vực này. Tham vọng của Nga là khai thác tuyến đường hàng hải nối từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương và biến nó thành một kênh vận chuyển dầu và khí đốt sang các thị trường châu Á.
Nga từng đệ trình hồ sơ tuyên bố chủ quyền tương tự Canada vào năm 2002 nhưng bị LHQ bác bỏ do thiếu chứng cứ. Để khẳng định chủ quyền, tàu ngầm Nga từng cắm cờ dưới đáy Bắc Băng Dương năm 2007. Nga, Canada và Đan Mạch đều tuyên bố dãy núi đá ngầm Lomonosov, trải dài 1.800km dưới đáy biển Bắc Cực, là một phần lãnh thổ của họ. Chính phủ Đan Mạch dự kiến sẽ trình LHQ hồ sơ tuyên bố chủ quyền vào cuối năm 2013.
Mỹ và Na Uy cũng đang rất bức xúc về tuyên bố mở rộng chủ quyền của Canada ở vùng đất mà họ có thể chia sẻ nguồn dầu và khí đốt (được cho là lưu giữ 1/3 trữ lượng dầu khí chưa khai thác của thế giới). Tháng 11-2013, Washington từng tuyên bố sẽ thực hiện chủ quyền ở Bắc Cực, song không muốn các nước gây xung đột tại đây. Reuters dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố quân đội Mỹ đang xem xét các kế hoạch dài hạn nhằm thích ứng với khí hậu ngày càng ấm dần lên ở Bắc Cực. Ông Hagel cho rằng băng Bắc Cực đang tan dần sẽ mở ra các tuyến hàng hải mới và cho phép các nước tiếp cận những nguồn tài nguyên dưới biển.
Chính sách Bắc Cực của quân đội Mỹ bao gồm thực hiện chủ quyền và đảm bảo tự do hàng hải. Ông Hagel cho biết Mỹ sẽ tăng cường hợp tác quân sự với các nước quanh Bắc Cực, kể cả Nga. Hiện Mỹ có khoảng 22.000 binh sĩ đóng tại Alaska gần Bắc Cực, cùng 5.000 vệ binh quốc gia, tàu ngầm hạt nhân. Giới chuyên gia nhận định kế hoạch của quân đội Mỹ có thể sẽ dẫn tới nguy cơ chạy đua vũ trang.
Nhân tố Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng thế mạnh kinh tế để có được vị trí ở Bắc Cực. Bắc Kinh đã đầu tư một khoản lớn vào Canada, hợp tác với Greenland và Iceland - hai quốc gia cửa ngõ quan trọng của Bắc Cực - cũng như nỗ lực phát triển mối quan hệ với Nga.
Bằng chứng là vào đầu năm 2013, Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí tại Bắc Cực. Bắc Kinh cũng sử dụng nhiều cảng thuê của CHDCND Triều Tiên để tăng cường vận chuyển hàng hóa qua tuyến biển Bắc của Nga.
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh còn tận dụng lợi thế là quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Nga và Mỹ để củng cố vị trí của mình. “Trung Quốc đang tích cực hoạt động để chắc chắn rằng các quốc gia quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực có nhiều quyền quyết định ảnh hưởng tới tương lai Bắc Cực” - trang Politico dẫn lời giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, bà Linda Jakobson.
Trước đó, Tân Hoa xã đưa tin hồi tháng 8-2012 Trung Quốc đã đưa một tàu phá băng thám hiểm Bắc Cực và thu được nhiều dữ liệu về điều kiện các tuyến vận tải qua khu vực này. Bắc Kinh còn đặt Hãng Aker Arctic của Phần Lan đóng một tàu phá băng mới, dự kiến năm 2016 sẽ đưa vào hoạt động, dù khu vực địa lý của Trung Quốc chẳng liên quan gì đến Bắc cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận