
Doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư lớn cho hệ thống logistics để tăng sức cạnh tranh - Ảnh: BÔNG MAI
Trong khi nhiều shop kinh doanh online phải điều chỉnh giá bán, các doanh nghiệp sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng hơn.
Trước đây hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế nhập khẩu, trong khi các sản phẩm tương tự do doanh nghiệp nội địa sản xuất vẫn phải chịu loại thuế này.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử (TMĐT) đã lợi dụng chính sách này nhập số lượng lớn hàng giá rẻ từ nước ngoài rồi chia nhỏ đơn để hưởng ưu đãi thuế, gây áp lực tới doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Từ ngày 18-2, chính sách này bị xóa bỏ theo quyết định số 01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Thay đổi tác động đến thị trường
Bán hàng online gần tám năm nay, chị Quỳnh Trần (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết phần lớn hàng hóa mà chị bán đều có giá trị rất nhỏ, xuất xứ từ Trung Quốc, chủ yếu nhập khẩu qua kênh TMĐT về Việt Nam.
Với chính sách thuế mới, trong thời gian tới giá của hàng nhập khẩu này sẽ tăng lên. Do vậy chị đang tính tới phương án khác là tìm thêm nguồn hàng trong nước.
Nhiều chủ shop trên sàn TMĐT bày tỏ lo ngại sẽ mất lợi thế bán đồ trên sàn khi dừng miễn thuế VAT hàng dưới 1 triệu đồng vì việc tăng giá bán sẽ làm giảm sức mua. Dù vậy theo ghi nhận, việc nhiều cửa hàng ế ẩm hoặc tạm ngưng hoạt động có nhiều lý do, trong đó khó cạnh tranh với hàng online nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Chị Mỹ Thanh (Đồng Nai), một người kinh doanh thời trang online, cho biết đã đầu tư hơn 200 triệu đồng vào lô quần áo nữ nhưng lượng khách rất ít do sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Trung Quốc giá rẻ.
Không chỉ ngành thời trang, các mặt hàng như đồ gia dụng, phụ kiện, văn phòng phẩm, mỹ phẩm cũng chịu tác động lớn từ chính sách mới. Ngay cả các thương hiệu thời trang của KOL cũng gặp khó khăn.
Vào đầu tháng này, chia sẻ trên kênh TikTok cá nhân có hơn 5,5 triệu tài khoản theo dõi, Linda Ngô cho biết chính thức "khép lại hành trình" của thương hiệu thời trang Lenoir Studios do cô gầy dựng. Vì đây là "đứa con tinh thần" nên đối với cô mỗi chiếc áo, mỗi bộ váy đều mang theo một câu chuyện mà Lenoir không thể nào quên.
Tuy nhiên với lý do không đủ thời gian, cô quyết định đóng cửa. Mặc dù khen quần áo cô bán đẹp và sang nhưng không ít khách hàng nói giá bán ra tương đối cao. Nhiều người cho rằng thông thường nếu không bán ế, chưa chắc người chủ đã ngưng làm với lý do không đủ thời gian dành cho hoạt động kinh doanh.
Theo Metric - nền tảng khai thác số liệu TMĐT, năm vừa qua có đến 165.000 cửa hàng online trên năm sàn lớn đã phải rời bỏ thị trường.
Trong khi đó, chỉ riêng sàn Shopee có 31.500 nhà bán hàng nước ngoài hiện diện, mang về doanh thu hơn 14.200 tỉ đồng, tương đương đã bán ra hơn 324 triệu sản phẩm. Chưa bao gồm các thương nhân nước ngoài đang bán trên TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo.
Cơ hội cho hàng sản xuất trong nước
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có cơ hội rà soát lại hoạt động sản xuất, tối ưu hóa chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên cấp cao Đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng việc áp thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ không chỉ giúp đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước mà còn góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế, nhất là khi hàng có giá trị nhỏ nhập tương đối nhiều.
Tuy nhiên để chính sách này phát huy hiệu quả cần có những biện pháp hỗ trợ đi kèm, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bởi Trung Quốc là "công xưởng thế giới" với quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại và chi phí tối ưu.
Trong khi đó doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.
Về lý thuyết, để tồn tại và phát triển doanh nghiệp Việt phải tập trung vào cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng và ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên rào cản lớn nhất là chi phí đầu tư. Nếu không có chính sách hỗ trợ và tạo môi trường kinh doanh công bằng, hàng hóa giá rẻ nhập khẩu sẽ tiếp tục tràn vào và gây sức ép lên doanh nghiệp trong nước.
Ông Bùi Đức Thiện - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Erosska - cho rằng việc ngừng miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 1 triệu đồng là một động thái cần thiết bởi chính sách miễn thuế trước đây đã tạo ra "lỗ hổng cạnh tranh không lành mạnh" khi các đơn vị kinh doanh TMĐT có thể nhập số lượng lớn hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, chia nhỏ đơn hàng để được miễn thuế.
"Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước đối mặt với khó khăn do không thể cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu giá rẻ thông qua con đường này. Quyết định mới sẽ giúp tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn, bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng, đồng thời giúp ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế thông qua hình thức chia nhỏ lô hàng", ông Thiện nói.
Nhiều nước dừng việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ
Ông Nguyễn Đình Tiệp - chủ tịch Công ty CP kinh doanh dịch vụ trực tuyến 2TS - cho biết từ vài năm trước, các nước châu Âu đã nhận thấy những bất cập về việc miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng bán xuyên biên giới (cross-border trading).
Để bảo vệ sự công bằng thương mại cũng như bảo vệ các công ty nội địa, châu Âu đã áp dụng chính sách áp thuế ngay cả đối với sản phẩm bán qua sàn TMĐT xuyên biên giới có giá trị nhỏ nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các nhãn hàng nội địa cũng như giảm nguy cơ thua ngay tại sân nhà với chính sách cũ. Do đó việc áp dụng chính sách mới là theo kịp xu thế của thế giới, khi mà các nước châu Âu, Singapore đều đã áp dụng.
Theo số liệu của Tổng công ty CP Bưu chính viễn thông, tại thời điểm tháng 3-2023 hằng ngày có khoảng 4 - 5 triệu đơn hàng nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam. Giá trị trung bình khoảng 45 - 65 triệu USD.
Theo ông Tiệp, việc bỏ qua các đơn hàng TMĐT có giá trị 1%, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội thu thuế nhập khẩu và thuế VAT trung bình khoảng 50 - 75 tỉ đồng/ngày.
Nếu nhân lũy tiến, con số thuế không được thu sẽ là khổng lồ, ước tính khoảng 821 - 1.180 triệu USD (150.000 - 300.000 tỉ đồng). Khi bị áp thuế, lợi thế từ miễn thuế nhập khẩu và VAT không còn, tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm từ nước ngoài bán trên các sàn TMĐT tại Việt Nam sẽ giảm rõ rệt.

Hàng Trung Quốc được vận chuyển với cước phí rẻ vào Việt Nam - Ảnh: BÔNG MAI
Nhà bán hàng có thể sẽ xây dựng kho chứa hàng tại Việt Nam
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc chiến lược hãng chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam - cho rằng quy định áp thuế đối với hàng TMĐT có giá trị dưới 1 triệu đồng ít nhiều sẽ gây tác động đến các nhà bán hàng, nhà sản xuất, các đơn vị phân phối vì phải cộng thêm thuế và có thể sẽ làm tăng giá thành sản phẩm.
Về lâu dài, chi phí vận chuyển có thể sẽ được giảm một chút do nhà bán hàng nước ngoài sẽ phải tính toán thay đổi cấu trúc đơn hàng, như đặt hàng số lượng lớn theo dạng container (thời gian chậm hơn nhưng giá rẻ hơn) hoặc tính đến việc mở nhà phân phối hoặc lưu hàng tại các kho trong nội địa Việt Nam từ trước.
Khi đó đơn hàng mà khách hàng đặt sẽ là đơn giao nội địa, chi phí sẽ thấp hơn đơn giao trực tiếp khi phát sinh từ quốc tế.
Việc áp thuế này có thể dẫn đến việc thay đổi trong hình thái TMĐT, xu hướng hiện nay là hàng sẽ trực tiếp được bán từ các nhà bán hàng ở nước ngoài (thông thường cũng là các xưởng sản xuất) và giao trực tiếp đến người mua (mô hình D2C) do các thủ tục thanh toán, quy trình vận chuyển đã được tối ưu rất nhiều, cộng với việc miễn thuế nên hàng hóa sẽ có giá cả rất trạnh canh do không phải qua trung gian phân phối.
Khi bị áp thuế, các nhà bán hàng nước ngoài có thể sẽ phải tính toán và xem xét lại việc tìm kiếm nhà phân phối hoặc xây dựng kho chứa hàng tại Việt Nam để tối ưu chi phí.
Xu hướng cạnh tranh mới trên sàn TMĐT sẽ diễn biến như thế nào, mô hình D2C sẽ tiếp tục phát triển hay sẽ quay về lại mô hình phân phối qua các nhà bán hàng trong nước sẽ tùy thuộc vào cách thức và mức thuế mà cơ quan chức năng sẽ áp dụng.
"Nhưng trước mắt chúng ta có thể thấy các thương hiệu trong nước sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh khi so với hàng nhập khẩu được miễn thuế trước đây. Nói chung là áp thuế không trực tiếp làm tăng chi phí vận chuyển của các đơn vị giao hàng cho quốc nội nhưng có thể sẽ ảnh hưởng chi phí người bán là nhiều", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận