Hà Nội: Nháo nhác tìm chỗ gửi xeDễ cho thành phố, khó cho dânVỉa hè, lòng đường Hà Nội vẫn bị “bức tử”
Phóng to |
Xe máy đỗ la liệt trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến người đi bộ qua lại khó khăn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Có điều TP lại không kịp thời phê duyệt đề xuất cấp phép cho hơn 200 tuyến phố khác đủ điều kiện trông giữ xe theo đề nghị của cơ quan chức năng để thay thế các điểm bị xóa. Thành ra, một quyết định lẽ ra nhận được sự đồng tình của người dân lại trở thành quyết định làm khó dân.
Thu hồi giấy phép các điểm trông giữ xe tại 262 tuyến phố đồng nghĩa với việc một số lượng lớn phương tiện giao thông sẽ phải rất vất vả tìm chỗ gửi xe mới. Ai cũng biết nhu cầu gửi xe hằng ngày của người dân thủ đô rất cao, trong khi bãi trông giữ xe thiếu trầm trọng, đặc biệt là các điểm trông giữ ôtô. Không biết UBND TP Hà Nội có tính đến điều này khi đưa ra một quyết định thiếu sự chuẩn bị đồng bộ, kỹ lưỡng?
Trả lời trên báo về khả năng cung vượt quá cầu có thể dẫn tới tình trạng các bãi giữ xe từ chối nhận trông giữ vì hết chỗ hoặc thu phí quá mức quy định, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điềm nhiên cho rằng người dân phải chấp nhận để thấy đi xe cá nhân là rất phức tạp. Thật ngạc nhiên khi lãnh đạo một cơ quan tham mưu về giao thông vận tải lại có ý nghĩ như vậy. Phải chăng một số người đi xe công, được xe công đưa đón mỗi ngày, không phải vất vả với việc gửi xe mới không cần quan tâm đến phiền toái của người dân?
Nếu Hà Nội có một hệ thống giao thông công cộng đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân như ở nhiều nước thì chắc chắn phần lớn người dân thủ đô sẽ chẳng dại gì sử dụng phương tiện cá nhân như hiện nay. Còn hiện tại, đặc thù sinh hoạt, đặc thù công việc, khả năng phục vụ hạn chế của giao thông công cộng buộc hàng triệu người dân phải sử dụng phương tiện cá nhân mỗi ngày trên những con phố, tuyến đường ùn tắc và ô nhiễm khói bụi nghiêm trọng.
Hà Nội gần đây rất tích cực trong việc thực hiện các giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông. Hiệu quả của những giải pháp đó chưa thấy đâu mà lại phát sinh nhiều bất cập cho người dân.
Mới nhất, phương án đổi giờ ngay khi đưa ra đã nảy sinh hàng loạt bất cập. Giảm ùn tắc chỗ này thì phát sinh điểm ùn tắc mới, giảm ùn tắc thời điểm này lại tăng ùn tắc ở thời điểm khác. Chưa được bao lâu, phương án đổi giờ đã phải điều chỉnh. Đến nay, hiệu quả cũng chưa thấy rõ.
Trước đó, phương án phân làn cũng bị coi như đã “chết yểu” dù TP tốn cả tỉ đồng để triển khai. Ngay từ khi ý tưởng được đưa ra, những người kém chuyên môn về giao thông cũng có thể nhận thấy những tuyến phố nhỏ, có nhiều đoạn giao cắt thì sử dụng dải phân cách để tách làn ôtô ra khỏi làn xe máy, phương tiện thô sơ là không hiệu quả. Ấy vậy mà Hà Nội vẫn làm, thậm chí còn dành đến hơn 1 tỉ đồng để bồi dưỡng cho một lực lượng chỉ có mỗi nhiệm vụ đứng hướng dẫn các phương tiện đi đúng làn.
Thế nên không ít người hoài nghi rằng có những giải pháp được vẽ ra chủ yếu để tiêu tiền!
Những ai đã một lần tham gia giao thông ở thủ đô đều mong muốn tình trạng ùn tắc sớm được xóa bỏ, đòi hỏi các cơ quan chức năng của TP đưa ra được những giải pháp hiệu quả để giảm ùn tắc là chính đáng và cấp thiết. Nhưng giải pháp đưa ra phải đồng bộ, hợp lý, không thể giảm ùn tắc bằng những giải pháp chỉ liên quan tới việc “cấm”, “thu phí” và “tăng phí” làm khó người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận