Điều này được chứng minh khi số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP giảm dần theo từng năm.
Quản lý trật tự đô thị: từng có thầy cò, thầy độiThanh tra xây dựng hết thời “lấn sân”Đề xuất lập lại các đội trật tự đô thị
Tuy nhiên, trong lực lượng này cũng xảy ra không ít tiêu cực và tai tiếng. Cụ thể như vụ ba nhân viên TTXD xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) bắt chủ nhà dẫn đi nhậu, TTXD ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) nhận tiền bị người dân tố cáo. Trước đó, tổ trưởng TTXD phường 14, quận 5 bị phạt 2 năm tù cho hành vi buộc người vi phạm xây dựng phải đưa tiền lót tay để hủy biên bản vi phạm... Đó chỉ là con số ít ỏi các vụ tiêu cực của TTXD quận, huyện, phường, xã bị phát hiện và đưa ra xử lý. Còn những thông tin về tiêu cực của TTXD do người dân báo cho lãnh đạo các đơn vị có thẩm quyền, tố cáo đến các cơ quan báo chí... thì gấp nhiều lần những vụ tiêu cực được đưa ra ánh sáng.
Theo quyết định 89 của Thủ tướng về thí điểm thành lập TTXD cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn thì lực lượng này có hai nhiệm vụ chính. Cụ thể là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hoạt động xây dựng và thanh tra, kiểm tra những công trình xây dựng để từ đó xử lý hoặc đề xuất xử lý khi phát hiện vi phạm... |
Khi có một vụ vi phạm xây dựng được công khai, người dân luôn đặt câu hỏi và nghi ngờ: TTXD có tiêu cực hay không? Làm sao người dân không nghi ngờ cho được khi họ chỉ cần đổ nửa xe cát, vài viên gạch trước nhà đã thấy bóng của nhân viên TTXD đến hỏi thăm: xây gì, sửa gì, đã có giấy phép chưa, trong khi có nhiều công trình không phép mọc lên mà chính quyền không biết? Làm sao người dân tin được khi chính quyền trả lời TTXD không phát hiện hàng loạt công trình xây vượt từ 3-7 tầng trong khi nhà dân chỉ đổ đà dài hơn ba tấc đã bị TTXD phát hiện, buộc phải đập ngay phần sai. Thậm chí, công nhân xây dựng làm cái chòi tạm bằng ván cốppha cũ để ngủ qua đêm trong thời gian thi công một căn nhà gần đó cũng bị TTXD yêu cầu phải xin giấy phép. Phải chăng nếu có “lót tay” cho TTXD thì hành vi vi phạm xây dựng lớn như không giấy phép, vượt tầng được bỏ qua, còn không có khoản trên thì sơ sẩy một chút cũng bị bắt bẻ?
Nhiều người dân đang xây dựng, sửa chữa nhà đã coi TTXD là “ông kẹ”, nghe TTXD đến kiểm tra ai cũng sợ bị lập biên bản, bị xử phạt, bị buộc ngưng thi công, buộc phải đập chỗ này, bóp chỗ kia... Nhiều người bị nhũng nhiễu, bực tức nhưng không dám tố cáo vì sợ bị làm khó về sau bởi căn nhà của họ chỉ có thể đặt ở một chỗ, chỉ có một tổ TTXD ở phường, một cơ quan TTXD cấp quận quản lý.
Từ đó cho thấy sự mất cân đối trong việc thực hiện các nhiệm vụ của TTXD: nặng về kiểm tra xử lý nhưng nhẹ về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xây dựng. Nếu như người dân được lực lượng này tuyên truyền, giải thích quy định của pháp luật về xây dựng thường xuyên thì họ đã chào mừng, vui vẻ đón tiếp vì TTXD đến là để giúp họ xây dựng không sai phép, không mắc lỗi, đúng quy định để sau đó dễ dàng làm hoàn công, làm giấy chứng nhận sở hữu công trình. Có một quận, TTXD đã đồng hành rất tốt với người dân. Ngay sau khi dân được cấp giấy phép xây dựng, TTXD đã đến tận nhà đưa cho dân những quy định pháp luật về xây dựng, chỉ cho dân được làm cái gì, không được làm điều gì.
Trong báo cáo tổng kết công tác năm 2012, lần đầu tiên thanh tra Sở Xây dựng TP thừa nhận: TTXD nhũng nhiễu do quản lý lỏng lẻo. Hi vọng sau khi sắp xếp lại lực lượng TTXD theo nghị định 26, lực lượng này hoạt động cân bằng hơn hai nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiểm tra xử lý vi phạm. TTXD quy về một đầu mối thì sự quản lý lỏng lẻo này được khắc phục, từ đó cải thiện hình ảnh TTXD trong mắt người dân. Làm sao để người dân xem các nhân viên TTXD là người đồng hành, giúp họ thực hiện đúng quy định về xây dựng chứ không phải là những “ông kẹ” mà họ phải né tránh, sợ sệt mỗi khi nhắc đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận