11/02/2014 04:10 GMT+7

Đừng đổ hết lỗi cho người dân

THÍCH TÂM HẢI
THÍCH TÂM HẢI

TT - Hiện tượng rải, cọ, nhét tiền ở các nơi cầu nguyện (đình, đền, miếu, chùa...) vẫn tiếp diễn trong mùa lễ hội đầu xuân năm nay. Chuyện tưởng như đơn giản, chỉ cần ra một văn bản cấm của một cơ quan nhà nước là hạn chế được. Thực tế thì không như vậy.

MiG2PAvQ.jpgPhóng to
Nhiều người cố đặt tiền lẻ lên bàn thờ tại Văn Miếu Hà Nội - Ảnh: Hà Hương

Ở trong bối cảnh nào cũng vậy, con người luôn cảm nhận mọi thứ trong cuộc đời của chính mình là không bảo đảm như điều mình muốn. Chính vì thế mới có nhu cầu về tôn giáo, cần sự bảo trợ từ một thế lực siêu nhiên. Nhu cầu này nếu không được hướng dẫn, mà thả cửa tự phát chắc chắn nảy sinh nhiều hiện tượng lệch lạc và lan truyền theo quy luật hành vi của đám đông.

Và để có sự hướng dẫn đúng cần có nhận thức đúng. Kinh nghiệm này đã có với Việt Nam chúng ta ở thời chấn hưng Phật giáo quyết liệt và kiên trì ở nửa đầu thế kỷ 20. Kết quả của phong trào đó đã để lại một không khí khá trong trẻo mà hiện nay chúng ta có thể thấy, cảm nhận được chút gì ở chùa chiền, nếp tín ngưỡng của người dân tại Thừa Thiên - Huế.

Việc điều chỉnh đó, thực hiện tốt nhất không ai khác là chính những người có trách nhiệm quản lý, có trách nhiệm ở các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, chứ không phải chỉ ở các văn bản, nghị định mang tính thủ tục, hành chính.

Với người dân đi lễ các đình, đền, miếu, chùa có hành vi rải tiền, cọ tiền vào chuông, tượng, nhét tiền ở chốn thiêng liêng..., chúng ta không nên có thái độ miệt thị khi gọi là “tâm lý tiền lẻ”. Việc làm đó, có thể nói, đối với hầu hết người trong cuộc, trong lòng đều nghĩ đó là việc làm thiêng liêng. Chỉ có điều họ đã không hiểu đúng thế nào là sự thiêng liêng, thế nào là sự cầu nguyện đúng. Họ chỉ làm theo thói quen, sự “mách nước” của ai đó, và cũng chỉ chủ quan lấy bụng mình để suy ra bụng thánh thần mà thôi (“Đừng lấy bụng ta suy ra... bụng thánh hiền”, Tuổi Trẻ ngày 16-3-2009).

Cũng cần nói thêm sự tiếp diễn của những hành vi chưa đúng gây phản cảm đó ít nhiều có sự dung dưỡng của các cơ sở tín ngưỡng, trực tiếp là những người, nhóm người quản lý, nhận được lợi ích tiền bạc từ hành vi “rải tiền lẻ” của người dân đi lễ.

Việc phản ánh của báo chí liên tiếp mấy năm qua, sự hứa hẹn điều chỉnh của người tổ chức lễ hội, văn bản mang tính pháp quy có cả rồi nhưng sự việc vẫn tiếp diễn. Tại sao lại như vậy? Có thể trả lời ngay: những cố gắng trên chỉ là phần ngọn, rất phụ mà chưa đụng đến cành, huống nữa là gốc rễ của hiện tượng này. Từ những “tiền lẻ” của người dân đi lễ, thử tính thôi chắc chắn số “tiền chẵn” được gom lại là không hề nhỏ.

Mong đừng ai nhân danh các giá trị thiêng liêng chỉ vì những lợi ích vật chất thường tình. Với niềm tin xuất phát từ lòng thành, nếu được hướng dẫn, nhắc nhở, giải thích một cách đầy đủ, đúng với các giá trị tôn giáo, tín ngưỡng thật sự, người đi lễ chắc chắn sẽ thay đổi được hành vi chưa đúng này. Điều đó lệ thuộc phần quan trọng vào nhận thức và hành động của người, nhóm người quản lý, nhận nguồn lợi trực tiếp ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhiều xe công trẩy hội Yên TửChen nhau cọ tiền lẻ vào chùa ĐồngMùng 9 tháng Giêng khai hội Yên TửĐừng để lễ hội thành nỗi sợKhai hội Yên Tử: tiền lẻ "mài bóng" chuông đồng

THÍCH TÂM HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên