01/05/2013 07:21 GMT+7

Đừng để vô cảm thành bệnh

KTS LÊ CÔNG SĨ
KTS LÊ CÔNG SĨ

TT - Những ngày gần đây báo chí phản ánh một câu chuyện đau lòng: chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (ấp 5, xã An Nguyên, TP Cà Mau) đã tìm đến cái chết vì hoàn cảnh quá nghèo và vì bệnh tật sau khi đã làm hết mọi cách trong khả năng của chị.

Đau đớn thư tuyệt mệnh của người mẹ tự vẫnNgười mẹ tự vẫn vì chồng con: "Chính quyền địa phương có lỗi"

45EnQNYX.jpgPhóng to
Ba người con của chị Nhân thắp nhang cho mẹ - Ảnh: Tấn Thái

Xung quanh cái chết của chị, chính quyền địa phương có trách nhiệm đến đâu vẫn đang được làm rõ. Tuy nhiên, trong câu chuyện lay động nhân tâm này nói riêng và nhiều câu chuyện khác nói chung, vấn đề không dừng lại ở việc đúng - sai về mặt pháp luật.

Tôi còn nhớ câu chuyện “bà lão nhặt phân bò” đăng trên một tờ báo ở TP.HCM ngày 1-11-2007. Một bà lão nghèo xơ xác quanh năm sống bằng nghề nhặt phân bò “bỗng dưng” trở thành con nợ của người hàng xóm với chứng cứ “không thể chối cãi” là giấy nợ với bút tích rõ ràng giữa hai bên. Nếu thuần túy xét xử theo quan điểm “án tại hồ sơ” thì không thể khác, bà lão nhặt phân bò phải trả món nợ mà cả đời bà không thể hình dung ra. Tòa sơ thẩm đã xử đúng như vậy và rõ ràng họ không sai (!).

Kế đến, về phần mình, tòa phúc thẩm cũng hoàn toàn “có quyền” phán quyết như cách tòa sơ thẩm đã làm, song họ không làm thế. Không chỉ máy móc căn cứ vào chứng cứ trực tiếp là giấy nợ, tòa phúc thẩm đã nhiều lần xuống địa phương tiếp xúc trực tiếp với nhiều người dân và đại diện chính quyền địa phương nhằm tìm được tận cùng của sự thật.

Kết quả, bà lão nhặt phân bò do chịu ơn nguyên đơn, tức “chủ nợ”, bởi người này từng nhiều lần bán thiếu gạo cho bà nên bà sẵn sàng giúp người này khi đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất bằng cách chấp thuận lời năn nỉ viết giấy nợ giả để người này cầm đi khất nợ. Bà lão đã không ngờ lòng tốt của mình bị lợi dụng và tờ giấy tưởng như vô thưởng vô phạt kia bỗng chốc trở thành chứng cứ khiến bà phải nhiều lần “đáo tụng đình”.

Để có được một phán quyết thấu lý đạt tình (tuyên bà lão không mắc nợ nguyên đơn) nhận được sự đồng thuận cao của xã hội, tòa phúc thẩm đã dựa vào niềm tin nội tâm. Và theo tôi, để có được niềm tin nội tâm là cơ sở để đi đến phán quyết ấy, những người có trách nhiệm bảo vệ pháp luật ở phiên tòa phúc thẩm này đã không vô cảm trước một phận người, dù rằng họ hoàn toàn “có quyền” làm thế và trên hết nếu làm thế họ cũng không sai (!).

Trở lại câu chuyện xung quanh cái chết của chị Mỹ Nhân, như đã nói, những người có trách nhiệm có thể không sai song hoàn toàn có thể khẳng định họ chưa làm hết trách nhiệm một công bộc của dân. Tuy có thể “khoát tay” trước nhu cầu có được sổ hộ nghèo của chị Nhân (bởi theo luật thì gia đình chị chưa “đủ chuẩn” nghèo), nhưng nếu không vô cảm trước một phận người, và có thể nói là trước những tiếng kêu từ mảnh đời bất hạnh, những công bộc của dân ở địa phương chị Nhân chắc chắn có không dưới một giải pháp để cứu tính mạng của chị, cũng là giúp đỡ gia đình chị. Một trong nhiều giải pháp ấy là vận động người dân như cách chính quyền địa phương thường làm nhằm thực hiện các chính sách của mình. Nhưng tiếc rằng nhiều người đã không làm thế, ngoài việc duy nhất là “xua tay” từ chối. Sự vô cảm vì vậy mặc nhiên lên ngôi.

Nhìn rộng ra xã hội, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc rúng động và đau lòng xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó sự vô cảm là một nguyên nhân quan trọng. Tai nạn giao thông xảy ra, trong khi lẽ ra phải giúp người bị nạn thì nhiều người lại lao vào “hôi của”. Nạn nhân bị đánh hội đồng ngoài đường, trong khi lẽ ra cần xắn tay can thiệp thì nhiều người lạnh lùng đứng nhìn và thản nhiên mang điện thoại ra quay và đưa lên mạng.

Bạo hành xảy ra, trong khi nạn nhân nhiều lần cầu cứu thì những người có trách nhiệm tuy có thể không sai song đã vô cảm khi “mặc kệ” nạn nhân và hậu quả chết người đã xảy ra, mà câu chuyện một kẻ cuồng yêu đã giết chết người yêu của mình rồi lên mạng “giãi bày” làm rúng động dư luận mới đây là ví dụ.

Người dân vô cảm là nguyên do dẫn đến tình trạng bất an xã hội. Những người có trách nhiệm vô cảm càng khiến xã hội bất an là nguyên do khiến người dân suy giảm niềm tin vào bộ máy công quyền, đồng thời cũng là nguyên do của tình trạng người dân “tự xử” vốn không thể chấp nhận trong xã hội thượng tôn pháp luật.

Vô cảm là căn bệnh nguy hiểm cần phải chữa trị. Và đối tượng chữa trị trước tiên phải là những người được trao giữ nhiệm vụ quản trị xã hội - những công bộc của dân.

Cán bộ cần sát dân hơn

Bài viết “Người mẹ tự vẫn vì chồng con...” đăng trên Tuổi Trẻ Online ngày 27-4 đã nhận được 212 ý kiến phản hồi của bạn đọc. Nhiều người đã thốt lên câu chuyện này quá đau lòng, họ đã không cầm được nước mắt khi đọc...

Bên cạnh lời chia buồn gửi đến gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, nhiều bạn đọc cho rằng sẽ còn nhiều bi kịch đau lòng như thế này tiếp diễn nếu không có bàn tay tương trợ kịp thời từ cộng đồng, nhất là những người có trách nhiệm ở chính quyền địa phương. Như lời của bạn đọc Nguyễn Tiến: “Những người dân nghèo khổ thật bất hạnh. Họ không biết dựa vào đâu để qua cơn nghèo khó. Sự việc này là một bài học để các cán bộ cần quan tâm đi sâu, đi sát vào thực tế của người dân hơn nữa”.

N.N.

KTS LÊ CÔNG SĨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên