10/10/2016 11:19 GMT+7

Đừng để phải nói lời “giá như”

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chuyện cậu bé ở Yên Bái chọn cái chết để kết thúc sự sợ hãi, xấu hổ, căng thẳng sau biến cố bị đánh rồi bị ép quỳ lạy trên đường đã khiến nhiều người lặng đi, đau đớn và lo lắng.

Nhiều người nghĩ giá như mẹ cậu bé không ra ngoài vào đúng lúc cậu bấn loạn nhất.

Giá như sau đợt điều trị ở bệnh viện về, cậu bé không xem lại clip mình bị đánh, bị bêu xấu trên mạng.

Giá như ai đó khi thấy cậu ngồi khóc một mình đã làm gì đó để cậu vượt qua khoảnh khắc mù quáng.

Có biết bao điều “giá như và giá như” nhưng đó đều là giả thuyết, còn kết cục đau buồn đã xảy ra.

Không riêng vụ việc ở Yên Bái, liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường khác với nhiều hình ảnh nữ sinh ở Huế, Nghệ An bị đánh giữa đường cũng được tung lên các trang mạng, những hình ảnh mà chính phụ huynh của các em cũng bị sốc nặng.

Tình trạng bạo hành học đường không chỉ tăng về số lượng trong những năm gần đây mà điều đáng lo ngại hơn là mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của nó.

Thời nào cũng có chuyện học sinh đánh nhau, nhưng bây giờ học sinh đánh nhau thường kèm theo quay clip tung lên mạng.

Sự xâm phạm thân thể đi kèm với các hành vi nhục mạ, xúc phạm nhân phẩm như lột quần áo ở nơi công cộng, bắt quỳ lạy... lập tức được lan truyền.

Và khi đó, sự bạo hành không chỉ gây đau đớn về thể xác mà là những sang chấn về tinh thần, những tổn thương tâm lý khiến người bị hại nhiều khi phải tìm đến giải pháp tiêu cực.

Trong khi ấy, nhà trường và cha mẹ của học sinh, những nơi có thể bảo vệ các em tránh khỏi tổn thương bị hằn sâu hơn, những nơi có thể cùng đồng hành để giúp các em vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần lại chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa đánh giá hết những nguy cơ tác động đến các em.

Đã có trường hợp một học sinh lớp 5 ở Đồng Tháp bị bạn nghi ngờ ăn trộm. Lập tức cô giáo chủ nhiệm đưa em đến đồn công an để tra vấn.

Một trường hợp khác ở TP.HCM bị bạn bắt nạt, ép làm việc sai trái nhưng nhà trường chưa điều tra kỹ lưỡng đã ra quyết định đuổi học.

Cả hai trường hợp này, những đứa trẻ đều rơi vào tình trạng khủng hoảng phải nhập viện điều trị. Đầu năm 2016, một nữ sinh ở Phú Yên đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vì quá sợ hãi khi bị một nhóm thanh niên chòng ghẹo và khi em cầu cứu muốn được chuyển trường thì người lớn lại không can thiệp kịp thời...

TS tâm lý Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên VN), người từng thí điểm đưa hệ thống phòng tham vấn tâm lý vào một số trường học tại Hà Nội, cho biết ông không ngờ nhu cầu chia sẻ, cần giúp đỡ của học sinh lại lớn như thế.

Những bất an nảy sinh khi các em bước ra khỏi nhà để đến trường quá nhiều, trong khi nhà trường chỉ lo dạy chữ, còn cha mẹ lại mải lo kiếm sống.

Không chỉ không được giúp đỡ khi có chuyện xấu xảy ra mà hầu hết trẻ vị thành niên hiện nay không được chuẩn bị tốt những kỹ năng để tự vệ và tự vượt qua khủng hoảng tâm lý.

Mỗi ngày dành vài phút để nghĩ cách đồng hành với trẻ vượt qua những khó khăn về tinh thần. Điều này không khó, nếu như ai cũng hiểu từ một khúc mắc nhỏ của con trẻ có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên