28/06/2013 07:36 GMT+7

Đừng để mạnh ai nấy chạy

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Câu chuyện một sinh viên đã gần hết hạn đào tạo trình độ cao đẳng mà vẫn chưa thể tốt nghiệp, không hoàn thành được môn báo cáo thực tập vì trường không có lớp, cũng không có thầy hướng dẫn. Nỗi chua xót có thể tay trắng sau nhiều năm học của sinh viên này có cách nào bù đắp được?

Đáng buồn hơn khi đây không phải là câu chuyện cá biệt. Sự bất ổn nội tại của trường ngoài công lập, những mâu thuẫn âm ỉ và bùng nổ ở nhiều trường đã đẩy sinh viên vào thế phải gánh chịu hậu quả.

Tại Hà Nội, một trường đại học ngoài công lập thành lập được ba năm và thực tế mới chính thức tuyển sinh được một năm, sinh viên lứa đầu tiên chưa hoàn thành năm thứ nhất mà trường đã thay đến... bốn đời hiệu trưởng.

Những định hướng phát triển, chiến lược phát triển của nhà trường sẽ được hoạch định thế nào khi ông hiệu trưởng vừa bỡ ngỡ bước lên đánh trống khai trường cho năm học mới được một tuần đã lại có ngay quyết định thay người đứng đầu khác từ hội đồng quản trị?

Giải pháp để đối phó với những bất ổn nội bộ từ những người bỏ tiền ra xây trường cũng thiên hình vạn trạng. Cách phổ biến được vận dụng khiến nhiều người vẫn than trời bị “đánh úp” là kể cả những phiên họp đại hội cổ đông thường niên cũng được khéo léo gài cắm tổ chức bất ngờ, tranh thủ lúc “đối thủ” đi xa để không thể trở tay kịp.

Những cán bộ lâu năm trong ngành giáo dục hiểu hơn ai hết sự chuẩn mực của sản phẩm giáo dục. Nhưng tại sao có những nhà giáo uy tín, từng một thời lấp lánh hào quang ở những trường tên tuổi, khi về trường ngoài công lập lại trở nên táo bạo, thậm chí liều lĩnh, sẵn sàng làm sai các quy định tuyển sinh, đào tạo, để đến khi bị xử lý thì coi như “chuyện đã rồi”?

Môi trường giáo dục thấm đẫm sự toan tính lợi nhuận sẽ đẩy những sản phẩm đào tạo nửa vời này đến đâu? Dù rất nhiều trường giương cao chiêu bài phi lợi nhuận, nhưng cứ qua cách hành xử của hội đồng quản trị, qua những cuộc đấu đá, tranh giành gay gắt với đủ mọi chiêu trò, người ngây thơ nhất cũng hiểu lợi nhuận mới là ưu tiên cao nhất của không ít nhà kinh doanh giáo dục kiểu này.

Câu hỏi muôn thuở là vì đâu nên nỗi? Trách người học ngây thơ gửi niềm tin nhầm chỗ? Trách người thầy vì chút lợi ích vật chất mà bị đẩy vào vòng xoáy “đâm lao phải theo lao”? Trách người bỏ tiền đầu tư chỉ biết “bóc ngắn cắn dài”, không lo xây cái nền chất lượng thật vững chắc mà chỉ nhăm nhăm bán lúa non, “lướt sóng” kiếm lời trên sự nghiệp trồng người? Những trách cứ ấy đều đúng nếu xét trên từng góc độ cụ thể. Nhưng cái đáng trách nhất chính là ngành giáo dục đã không kịp tuýt còi, đã làm chữ “nghiêm” bị lung lay, kỷ cương lỏng lẻo đến mức mạnh ai nấy chạy.

Câu chuyện kỷ cương không có gì mới, chữ “nghiêm” trong giáo dục và quản lý giáo dục là lẽ đương nhiên. Không nhớ kỹ những nguyên tắc sơ đẳng đó, nhiều trường đại học sẽ còn bất ổn và chệch hướng.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên