Đơn giản là vì việc đình chỉ vụ án như vậy không có cơ sở, trái pháp luật và sẽ dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.
Mới đây, Viện KSND quận 1 (TP.HCM) đã kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Đinh Quang Duy (nguyên nhân viên một ngân hàng).
Trước đó, TAND quận 1 xử sơ thẩm ngày 13-11 đã chỉ tuyên phạt bị cáo Duy 18 tháng tù treo dù Duy lái xe sau khi uống rượu gây tai nạn làm chết anh Ngô Quang Thọ (công nhân vệ sinh). Đã vậy, Duy còn bỏ chạy và chỉ dừng lại khi bị người dân chặn đường. “Tình tiết giảm nhẹ” trong vụ án này là bị cáo đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 500 triệu đồng.
Tháng 4 năm nay, chánh án TAND TP Vũng Tàu cũng ra quyết định đình chỉ vụ án bị can Nguyễn Thị Anh bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” và “làm nhục người khác” khi xăm hình con rết lên mặt một cô gái. Lý do tương tự: bị hại có đơn bãi nại và bị cáo đã bồi thường 400 triệu đồng. Sau đó TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, phục hồi xét xử vụ án.
Có thể thấy những năm gần đây, có nhiều vụ án hình sự được giải quyết khác lạ, bất thường theo hướng miễn trách nhiệm hình sự hay tuyên án nương nhẹ, tạo nên mối hoài nghi lớn về tư cách, trách nhiệm và trình độ của cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng.
Sự hoài nghi đó có căn cứ. Vì ngược lại, có những vụ án tính chất đơn giản, hậu quả không đáng kể thì đương sự bị truy tố hay xử rất nặng. Như ở TP.HCM gần đây, vụ lấy trộm một lon sữa bị kết án tới 2 năm tù với lý do “tái phạm”, hay ở Quảng Ngãi có vụ bảy người nhận 380.000 đồng tổ chức bữa nhậu bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản.
Qua đó cho thấy có quan điểm hay thiên hướng giải quyết án hình sự theo kiểu tài sản, đồng tiền (dù trị giá rất nhỏ) đã được đặt cao hơn cả tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người.
Trong khi đó, Bộ luật hình sự đã quy định rất rõ vụ án hình sự phải được giải quyết trên nguyên tắc bảo đảm mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật. Trước pháp luật mọi người đều bình đẳng, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội.
Từ xưa ông bà có câu “đa kim ngân phá luật lệ” để chỉ ra rằng sức mạnh của đồng tiền có thể chạy được án, hủy hoại được công lý. Trong những trường hợp ở trên, tuy không có bằng chứng của hành vi tiêu cực, chạy án nhưng đều có chỉ dấu liên quan đến việc tha bổng hay nương nhẹ cho những người có hành vi phạm tội đã rõ ràng nhưng có tiền, có địa vị trong xã hội.
Nếu không sớm có sửa đổi, không tạo ra và bảo đảm sự giám sát, tham gia của các thành phần khác (như luật sư), không công khai và thông thoáng quá trình giải quyết các vụ án hình sự, không xử lý nghiêm những người vi phạm, những vụ việc như vậy sẽ vẫn còn xảy ra.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Không có cơ sở để miễn truy cứu trách nhiệm hình sựPhó giám đốc sở lái xe gây tai nạn chết ngườiVụ phó giám đốc sở lái ôtô gây chết người: kỷ luật 1 “bạn nhậu”Khởi tố phó giám đốc sở đụng xe chết ngườiĐình chỉ vụ án phó giám đốc lái xe tông chết người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận