16/05/2015 11:26 GMT+7

Đừng để đại học tràn lan

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Quyết tâm lập thêm một ĐH công lập thuộc tỉnh của Khánh Hòa lại diễn ra vào năm 2015, khi hậu quả việc lập ĐH tràn lan đã quá rõ với hàng trăm nghìn SV vừa tốt nghiệp đã... thất nghiệp.

Dù Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng đề nghị tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu kỹ mô hình trường ĐH tỉnh hoặc phân hiệu của một trường ĐH có uy tín cho phù hợp dù trên địa bàn đã có sẵn Trường ĐH Nha Trang (trực thuộc Bộ GD-ĐT), nhưng quyết tâm có một trường ĐH “của mình” vẫn không hề lay chuyển trong lãnh đạo tỉnh này. 

Nếu đây là chuyện xảy ra vào thời điểm 10 năm trước khi có lúc gần như mỗi tháng có hai trường ĐH chào đời, khi chỉ trong hai năm (2006-2007) có đến... 40 trường ĐH mới (thành lập mới hoặc nâng cấp) thì còn dễ hiểu.

Đằng này, quyết tâm lập thêm một ĐH công lập thuộc tỉnh của Khánh Hòa lại diễn ra vào năm 2015, khi hậu quả việc lập ĐH tràn lan đã quá rõ với hàng trăm nghìn sinh viên vừa cầm tấm bằng tốt nghiệp đã... thất nghiệp, khi Thủ tướng Chính phủ đã ra thông điệp điều chỉnh lại quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ và quy định tạm dừng cấp phép dự án thành lập trường mới...

Rõ ràng thành lập một trường ĐH của tỉnh không dễ dàng khi ngân sách sẽ phải gánh chi phí cho hoạt động của nhà trường trong nhiều năm đầu.

Song nỗi lo lớn hơn là trường ĐH ra đời rồi có “sống” được không, khi những người trong cuộc cũng quá hiểu nếu không được mở các ngành đào tạo trùng với các trường khác thì trường ĐH mới chỉ còn lại những ngành đào tạo kém hấp dẫn và không thu hút được người học.

Nhiều người đặt câu hỏi lý do gì khiến Khánh Hòa quyết lập trường ĐH riêng? Nếu nhìn theo mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội thì có lẽ không phải quá bận tâm trường ĐH đó của ai, của Bộ GD-ĐT hay của tỉnh.

Nhưng nếu xét về mặt hành chính, có thêm một trường ĐH địa phương sẽ không ít người khấp khởi nghĩ là có thêm biên chế, đồng nghĩa với tỉnh sẽ có thêm nhiều quyền, nhiều lợi ích. Chưa kể khâu “oai” vì sẽ có điều kiện đào tạo theo ý mình, lâu dài sẽ có thêm nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “nội địa hóa” từ địa phương...

Không khó hiểu nếu ở địa phương này, địa phương khác còn cách tư duy cục bộ, luôn tính hướng đến “quyền lợi” của địa phương. Song quan trọng Bộ GD-ĐT là người “gác cửa” lẽ nào không làm hết trách nhiệm của mình?

Nếu cứ quen vết xe đổ nể nang, một trường ĐH mới ra đời bất cần chất lượng đến đâu, đáp ứng nhu cầu thế nào thì người phải gánh chịu hậu quả không chỉ là những sinh viên kém chất lượng, khó xin việc.

Chính những địa phương đang khấp khởi “xin” bằng được “có một trường ĐH cho tỉnh nhà” cũng sẽ phải gồng mình co kéo để đắp đổi chi phí cho quyết tâm sở hữu một ĐH công lập “cây nhà lá vườn”.

Dư luận đang nhìn vào chủ trương “hạn chế số lượng để nâng cao chất lượng” mà ngành giáo dục luôn hô hào trong lộ trình đổi mới Nếu tiếp tục để phát sinh những “ngoại lệ”, tiếp tục để cho ra đời bằng được những ĐH công lập mới thì đoàn tàu “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” sẽ buộc phải vận hành ì ạch trên những đường ray rất cũ và rất duy ý chí…

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên