13/12/2011 01:27 GMT+7

Đừng biến nông nghiệp thành ngành gia công

NGÔ VĂN GIÁO (chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN)TRẦN MẠNH ghi
NGÔ VĂN GIÁO (chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN)TRẦN MẠNH ghi

TT - Giống là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng cây trồng. Muốn sản xuất đủ khối lượng hạt giống để cung ứng cho sản xuất đại trà phải sản xuất hạt giống theo phương pháp công nghiệp, từ ngoài đồng ruộng đến sau thu hoạch.

Đáng tiếc là trong mấy chục năm qua, khâu sản xuất giống của VN vẫn không có nhiều tiến bộ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, trình độ ứng dụng công nghệ sinh học, lai tạo và sản xuất giống của VN bị tụt hậu rất xa.

Do vậy, là một nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới nhưng VN phải nhập khẩu 80% lúa giống, chủ yếu là từ Trung Quốc. Là vựa trái cây nhưng ĐBSCL nổi tiếng nhiều hơn với mít Thái Lan, sầu riêng Thái Lan, chôm chôm Thái Lan... Và dù xuất khẩu rau củ được 400 triệu USD mỗi năm nhưng phân nửa số đó dùng để nhập khẩu hạt giống, trong đó có cả những hạt giống mà VN hoàn toàn có thể sản xuất được như cà chua, dưa leo, đậu bắp... Nhập khẩu hạt giống, cùng với đó là nhập khẩu hàng triệu tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật với kim ngạch trên 2 tỉ USD mỗi năm, nông nghiệp VN giống như một ngành sản xuất gia công rất ít giá trị gia tăng.

Bất cứ nước nào có nền sản xuất hạt giống tiên tiến đều phải có sự phát triển mạnh của ngành nghiên cứu cơ bản (do cơ quan nhà nước đảm nhận) và nghiên cứu ứng dụng (do các công ty tư nhân tham gia). Trong mối tương tác đó, viện nghiên cứu của chính phủ nhận tiền tài trợ từ ngân sách có trách nhiệm nghiên cứu và chọn tạo ra các giống gốc (các nguồn gen ưu tú). Từ đó, các công ty giống mới tiếp nhận các dòng ưu tú để lai tạo ra các tổ hợp lai mới để sản xuất hạt giống và cung ứng ra thị trường. Trong khi đó ở VN, ngay từ khâu chọn lựa nguồn gen, tạo những dòng ưu tú đã không có thì các công ty lấy gì để lai tạo ra các loại giống chất lượng cao?

Hiện các cơ chế của Nhà nước hầu như chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khi mà để được công nhận một giống cây trồng mới phải mất ít nhất 3-5 năm với cây ngắn ngày và 7-8 năm với cây lâu năm, chưa kể thời gian khảo nghiệm trước đó của tác giả. Với một thời gian dài như thế này, không nhiều doanh nghiệp có thời gian và tâm huyết để đầu tư, trong khi hành lang pháp lý để bảo vệ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề mà các doanh nghiệp lo ngại. Do đó, ở VN hiện nay số công ty có hoạt động nghiên cứu chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Rõ ràng ngành nông nghiệp VN cần một chính sách đồng bộ và đột phá về giống cây trồng với những ưu tiên cao, coi đây là mũi nhọn cần đột phá trong thời gian tới thì mới có thể đưa ngành sản xuất này đáp ứng được nhu cầu. Chính sách này phải đồng bộ các khâu từ nghiên cứu, bảo tồn gen, khảo nghiệm, kiểm nghiệm và công nhận giống, kiểm soát chất lượng, bảo hộ giống, tín dụng, khuyến khích đầu tư xã hội hóa, sản xuất, quản lý, xuất nhập khẩu, đào tạo nguồn nhân lực giống cây trồng...

NGÔ VĂN GIÁO (chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng VN)TRẦN MẠNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên