12/03/2014 06:25 GMT+7

Đưa trẻ đi tiêm "vét" văcxin sởi

LÊ THANH HÀ thực hiện
LÊ THANH HÀ thực hiện

TT - Trong tháng 3 và 4-2014, TP.HCM sẽ tập trung triển khai chiến dịch tiêm vét văcxin sởi cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - khẳng định nếu không thực hiện chiến dịch tiêm bù văcxin, bệnh sởi có khả năng phát triển, lan rộng và kéo dài.

TP.HCM: bắt đầu chích vét văcxin sởiCần Thơ: chích vét văcxin sởi cho hơn 2.000 trẻ

ydztsube.jpg
Bệnh nhi bị sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: M.Mẫn

Khi được hỏi nguyên nhân vì sao tỉ lệ trẻ được tiêm ngừa sởi mũi hai tại TP.HCM thấp, chỉ đạt 50% số trẻ, tính cả tiêm dịch vụ mới đạt 72%, bác sĩ Dũng cho biết:

- Tỉ lệ tiêm sởi mũi một lúc trẻ 9 tháng tuổi tại TP.HCM luôn đạt trên 95% (95% trẻ trong độ tuổi tiêm sởi được tiêm ngừa bệnh - PV). Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm sởi mũi hai (tiêm lúc trẻ 18 tháng tuổi) còn thấp. Nguyên nhân là do bà mẹ quên lịch tiêm nên không đưa trẻ ra tiêm tại trạm y tế; biến động dân cư, nhất là đối với các đối tượng nhập cư; truyền thông chưa đủ mạnh để người dân biết thông tin và một số phụ huynh e ngại, không đưa trẻ đi tiêm văcxin.

Số ca nhập viện vì bệnh sởi chưa có dấu hiệu dừng lại

Trong tháng 1 và 2-2014, bệnh sởi có chiều hướng gia tăng ở các quận huyện tại TP.HCM, đã có 582 trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị, cao gấp đôi hai tháng 11 và 12-2013. Hiện số ca nhập viện vì bệnh sởi chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, bệnh sởi đã xuất hiện ở 132/322 phường xã của 24 quận huyện TP và có chiều hướng lan rộng.

Số ca bệnh phát ban nghi sởi được chẩn đoán khi nhập viện năm 2014 đến ngày 9-3 tập trung ở các quận huyện như 8, 12, 6, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Bình Chánh rồi lan dần đến Q.1, Thủ Đức và Bình Thạnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

* Bác sĩ có thể cho biết đợt tiêm vét sởi tại TP.HCM có bao nhiêu trẻ chưa tiêm đủ hai mũi sẽ được tiêm lần này?

- Ước tính 80.000-100.000 trẻ ở độ tuổi từ 9 tháng đến 3 tuổi đang sinh sống tại TP.HCM chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi văcxin sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng của quốc gia. Chỉ tiêu của đợt tiêm vét sởi lần này là 95% trẻ trong độ tuổi cần được tiêm.

Thời gian thực hiện tiêm vét sởi từ ngày 7-3 đến hết tháng 4-2014, ngày tiêm được sắp xếp vào thứ sáu và thứ bảy hằng tuần. Riêng các quận, huyện có dân số cao, có thể tổ chức thêm các buổi tiêm khác trong tuần để đảm bảo chỉ tiêu, đồng thời thông báo cho người dân biết cùng tham gia.

* Thưa bác sĩ, có bà mẹ dù con được tiêm đủ hai mũi văcxin sởi nhưng vẫn giấu nhân viên y tế là trẻ chưa tiêm đủ để con mình được tiêm thêm mũi thứ ba. Việc tiêm dư mũi sởi như vậy có nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ không?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiệu quả bảo vệ trẻ không mắc bệnh sởi sau khi tiêm văcxin sởi mũi thứ nhất là 85%, mũi thứ hai nhắc lại là 95%. Nếu đã tiêm đủ hai mũi văcxin sởi thì trẻ được phòng bệnh sởi.

Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chưa có lịch tiêm mũi sởi thứ ba. Do đó các bà mẹ không nên giấu tiền sử tiêm sởi của trẻ. Bà mẹ cần phải mang đầy đủ giấy tờ tiêm chủng hoặc sổ sức khỏe của trẻ để được nhân viên y tế tư vấn trước khi tiêm chủng. Trường hợp phụ huynh không nhớ tiền sử tiêm văcxin sởi của trẻ thì vẫn có thể đưa trẻ đến trạm y tế tiêm và phải tuân thủ nguyên tắc: khoảng cách giữa hai mũi tiêm văcxin sởi tối thiểu là một tháng. Tại trạm y tế, phụ huynh sẽ được tư vấn đầy đủ trước khi tiêm để việc tiêm văcxin được an toàn và hiệu quả.

* Bác sĩ có thể cho biết Trung tâm Y tế dự phòng TP có biện pháp gì đảm bảo không để sót trẻ em trong độ tuổi tiêm ngừa được tiêm văcxin phòng bệnh sởi đúng theo quy định?

- Tổ dân phố và nhân viên y tế phường, xã có vai trò rất quan trọng trong việc điều tra trẻ ở từng nhà của tổ dân phố, đảm bảo không bỏ sót trẻ trong độ tuổi cần tiêm bù. Các bước này thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Cụ thể, phối hợp điều tra bổ sung từ các trường mẫu giáo, mầm non hoặc nhóm trẻ gia đình; tăng cường truyền thông về chiến dịch tiêm bù sởi (lợi ích, lứa tuổi, thời gian, địa điểm...); vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm bù để phòng bệnh sởi cho trẻ và cộng đồng thông qua các hoạt động tại địa phương, các phương tiện truyền thông đại chúng của ngành y tế và cơ quan thông tấn báo chí.

* Bác sĩ có lời khuyên gì với phụ huynh có con nhỏ trong tình hình bệnh sởi hiện nay?

- Tiêm ngừa văcxin sởi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh sởi. Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa văcxin sởi đúng lịch. Đối với chiến dịch tiêm bù sởi TP đang triển khai, phụ huynh nên đưa trẻ trong độ tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sởi đến trạm y tế để được tiêm bù theo hướng dẫn. Khi đến trạm y tế nên mang theo đầy đủ các sổ sức khỏe, giấy tờ hoặc phiếu có ghi nhận tình trạng tiêm chủng của trẻ. Khi trẻ mắc bệnh phải được cách ly tại nhà, không đưa trẻ đến trường. Đồng thời đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được chữa trị và hướng dẫn theo dõi chăm sóc và cho trẻ nhập viện khi có những dấu hiệu trở nặng.

Nghiên cứu các bất thường của dịch sởi 2014

Ngày 11-3, ông Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay cơ quan này đã đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các viện chuyên môn nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân sởi ở Hà Nội nhằm xác định các bất thường của mùa dịch năm nay. Ông Phu cho rằng từ các bằng chứng ban đầu do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thu thập thì chưa phát hiện bất thường, nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết có những bất thường về hình thái gây bệnh, một số bệnh nhân virút tấn công thẳng vào phổi gây tình trạng bệnh nặng và tử vong rất nhanh.

Theo thống kê của Tuổi Trẻ, mùa dịch sởi năm nay tính riêng khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận đã có khoảng 20 trẻ tử vong do các biến chứng sau sởi, một số trong đó là trẻ đã có bệnh nền như tim bẩm sinh, nhưng một số trẻ khác lại hoàn toàn khỏe mạnh trước khi mắc bệnh sởi.

Ông Phu cũng cho biết Hà Nội bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vét văcxin sởi từ đầu tháng 3-1014. “Các địa phương có dịch đều triển khai tiêm ngừa hoặc có kế hoạch tiêm vét văcxin sởi. Yêu cầu của Bộ Y tế là tại các vùng có dịch sởi, tiêm vét cho toàn bộ trẻ dưới 3 tuổi chưa tiêm văcxin sởi hoặc chưa tiêm đủ mũi, các vùng còn lại tiêm ngừa cho trẻ dưới 2 tuổi. Quan trọng nhất là phải đảm bảo không bỏ sót trẻ trong độ tuổi và chưa được tiêm ngừa, dự trù số lượng văcxin sẽ sử dụng. Đến thời điểm này chúng tôi khẳng định đủ văcxin phục vụ chiến dịch” - ông Phu cho biết.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc bệnh nhân sởi vẫn tiếp tục rải rác nhập viện, việc tiêm ngừa liệu có hiệu quả phòng bệnh và diễn biến dịch sởi trong thời gian từ nay đến cuối năm, ông Phu cho rằng số lượng bệnh nhân vào viện trong tháng 3 không dồn dập như tháng 1 và 2. Những trường hợp chưa mắc sởi, chưa tiêm ngừa sẽ đảm bảo 90-95% được miễn dịch sởi sau khi tiêm ngừa đủ hai mũi. Về diễn biến dịch sởi từ nay đến cuối năm, ông Phu đánh giá số lượng bệnh nhân sẽ giảm nhiều. “Thông thường chu kỳ dịch sởi là 3-4 năm/vụ dịch nhưng nếu thực hiện tiêm chủng ngừa sởi tốt, 3-4 năm tới sẽ không nóng bỏng như hiện nay” - ông Phu nhận định.

LAN ANH

LÊ THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên