Các học sinh đọc sách, truyện tranh tại “thư viện lưu động” của Trường tiểu học số 2 Bình Châu- Ảnh: Trần Mai |
Cách làm mới lạ này của nhà trường đã kéo các học sinh miền biển lại gần hơn với sách và thêm yêu thư viện.
“Truy tìm” thư viện
Giờ ra chơi, Nguyễn Thị Hồng Thương, lớp 4C, cùng với nhóm bạn đứng trước cửa lớp hỏi nhau: “Bữa nay thư viện chỗ nào hê?”, rồi cả nhóm tíu tít kéo nhau đi tìm. Đã bốn năm gắn bó với trường, vậy mà với Thương việc tìm ra đúng vị trí thư viện không phải là điều dễ dàng.
Thương tâm sự: “Bữa thì thầy cô mang thư viện đến chỗ này, mai lại đưa đến chỗ khác. Tụi em phải đi tìm, vui lắm”.
Không chỉ có Hồng Thương mà rất nhiều học sinh khác cũng tranh thủ giờ ra chơi đi tìm thư viện. Nhiều học sinh đã tìm ra vị trí thư viện ngay dưới gốc cây bên góc sân trường. Thế là lập tức các em í ới gọi nhau kéo đến... xí chỗ.
Mỗi học sinh chọn cho mình một cuốn sách yêu thích. Em đứng đọc, em khác ngồi, một số em mang sách đến các ghế đá trong sân trường ngồi đọc. Hiếm có nơi nào học sinh lại tìm đến thư viện trong giờ ra chơi đông như ở đây.
“Thư viện lưu động” mà các học sinh truy tìm là một dãy bàn ghế cũ, để ngay ngắn những chồng sách theo nhiều thể loại, từ truyện tranh, sách lịch sử, truyện tiếu lâm... Cậu học trò Nguyễn Minh Nguyên tâm sự: “Em thích đọc sách ngoài này hơn là trong phòng. Vừa vui lại không nóng”. Nói rồi Minh chọn cho mình cuốn sách có những câu chuyện hài hước, ra ghế đá ngồi đọc cho bạn bè cùng nghe.
Sáng tạo, làm mới thư viện
Nhận thấy mô hình thư viện theo cách truyền thống không thu hút học sinh, thầy cô Trường tiểu học số 2 Bình Châu đã có sáng kiến mở ra mô hình "thư viện lưu động", tạo cho học sinh hứng thú hơn trong việc đọc sách, báo...
Thay vì chen nhau trong căn phòng thư viện cũ nhỏ bé, ẩm thấp để tìm sách, báo đọc như trước, nay học sinh có thể thoải mái ngoài sân trường, hành lang hay dưới tán cây tìm cuốn sách, bài báo mình thích để đọc.
Theo thầy Phan Văn Cừ - hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bình Châu, nhờ có “thư viện lưu động”, học sinh đã chủ động tiếp cận thư viện, sách báo hơn trước rất nhiều.
“Trong các đợt tập huấn, chúng tôi nghe được thông tin về nhiều thư viện mới mở ở một số trường, nhưng khi hoạt động lại lộ ra nhiều điểm bất cập. Như thư viện treo ở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (huyện Nghĩa Hành) dù thu hút học sinh nhưng lại gặp bất tiện khi trời mưa.
Vì vậy, nhà trường chọn những chiếc bàn di động chứa sách, báo bố trí ở hành lang hoặc dưới bóng cây; mỗi khi có mưa chúng tôi cũng chỉ mất vài phút để di chuyển thư viện”, thầy Cừ cho biết.
Dù mô hình “thư viện lưu động” có sức hút lớn với học sinh trong trường nhưng kinh phí hoạt động lại rất “tượng trưng”. Chỉ là tận dụng bàn ghế cũ, cải tạo đôi chút để có chỗ chứa sách báo, chỗ cho học sinh ngồi đọc thoải mái...
Sắp tới đây, Trường tiểu học số 2 Bình Châu sẽ bố trí một khu vực tổ chức một số trò chơi dân gian để các em học sinh giải trí giờ ra chơi.
“Thư viện lưu động đã tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục hoàn thiện một môi trường học đường thân thiện. Hi vọng các trò chơi dân gian sẽ thu hút học sinh như thư viện lưu động, tạo cho các em một không gian vận động thú vị sau những giờ học căng thẳng” - thầy Cừ nói.
Những bài báo về Hoàng Sa, Trường Sa hay những hình ảnh ngư dân đánh bắt cũng có ở thư viện này. Theo lý giải của thầy cô, ngoài những cuốn sách phải có thêm hình ảnh về hoạt động của ngư dân, bởi phần lớn gia đình các em học sinh ở vùng biển này đánh bắt hải sản, đi Hoàng Sa, Trường Sa cả tháng trời mới trở về. Thầy Phan Văn Cừ, hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bình Châu, nói: “Đây là vùng đất của những ngư dân kiên cường. Bất kể thời điểm nào cũng có ngư dân bám Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt. Những bài báo, hình ảnh về Hoàng Sa, Trường Sa giúp học sinh hiểu được công việc của cha anh mình, về lòng tự hào biển đảo quê hương...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận