17/01/2019 09:59 GMT+7

Đưa thân nhân lính đảo ra Trường Sa - Kỳ cuối: Vượt trùng dương thăm mộ con trai

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - "Trong danh sách đoàn thân nhân đi Trường Sa, bà ấy đặc biệt nhất vì cũng ra thăm con nhưng là thăm mộ con. Bà ấy vững vàng lắm, không khóc trước mặt đông người, chắc sợ làm mọi người không vui."

Đưa thân nhân lính đảo ra Trường Sa  - Kỳ cuối: Vượt trùng dương thăm mộ con trai - Ảnh 1.

Bà Tuyết kể chuyện thăm con trai ở Trường Sa - Ảnh: MY LĂNG

Tôi muốn đưa con về nhưng các anh lính đảo giải thích: Phải để từ 8-10 năm

Bà Hoàng Thị Tuyết

"Khi lên đảo tôi đã cho người chú ý theo dõi, có bác sĩ để bà ấy có ngất đi trước mộ con trai là tiêm thuốc ngay" - đại tá Nguyễn Viết Thuân (phó tư lệnh Vùng 4 Hải quân) kể về một người mẹ ra đảo thăm mộ con trong chuyến chở thân nhân mà anh làm trưởng đoàn hồi tháng 6-2012.

Người mẹ và đứa con liệt sĩ

Người mẹ ấy là bà Hoàng Thị Tuyết, người Hưng Yên.

Con trai bà là liệt sĩ, thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Cường, hi sinh ở quần đảo Trường Sa ngày 2-2-2012. Năm đó Cường mới 22 tuổi.

Tháng 6-2012. Người mẹ ấy đã vượt hàng ngàn kilômet từ Bắc vào Nam để đến nơi tập kết và từ đây bà phải vượt thêm gần 300 hải lý (gần 500km) từ đất liền ra đảo chỉ để thắp nén nhang cho con trai mình và thăm nơi con trai đang yên nghỉ.

"Tôi chỉ có hai đứa con. Cường là con lớn. Học xong lớp 12, Cường xin đi bộ đội. Con đi phục vụ Tổ quốc, bố mẹ không ngăn cấm. Cháu đi lính hải quân cùng với thằng anh họ. Ngày 9-9-2008, nghỉ hè xong là nó nhập ngũ. Năm 2010, nó ăn tết ở đảo Trường Sa Lớn rồi vào bờ. 

Khi vào bờ, thằng anh ở lại ôn thi vào Học viện Hậu cần, còn nó cứ đòi đi đảo một lần nữa. Nó bảo muốn đi thêm một năm ngoài đảo cho biết đảo chìm đảo nổi. Nó đã ở đảo nổi rồi, giờ thích đi đảo chìm. Nó hứa đi lần này vào bờ sẽ thi đại học. Thấy cháu nài nỉ quá, đành cho đi. 

Ngày 28-1-2012, em nó điện về khoe: con chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mấy ngày sau thì nghe tin sét đánh. Em nó hi sinh ở đảo Đá Lớn A, chôn ở đảo Nam Yết..." - bà Tuyết kể, nước mắt chảy tràn.

Cường hẹn hè về xây nhà cho bố mẹ rồi cưới vợ. Vậy mà...

Một tháng sau ngày Cường hi sinh, lữ đoàn 146 điện về hỏi gia đình có muốn ra đảo thăm Cường không. Bà Tuyết nhất quyết đòi đi thay chồng. Cả nhà không ai đồng ý. Bố bà bảo bà có 40kg, người gió thổi bay, không đi biển được. 

"Khi người của Phòng chính sách quân chủng gọi điện về hỏi gia đình có thay đổi gì không, tôi khóc van xin chuyển tên chồng sang tên mình để được làm những việc sau cùng của cuộc đời tôi với con. Tôi thức trắng đêm khi biết tên đã được chuyển. Sau đó, tôi tích cực bồi dưỡng ăn uống, truyền đạm, truyền nước để có sức khỏe đi thăm con" - bà Tuyết kể.

Đến tháng 6-2012. Người mẹ tội nghiệp ấy đã được lên chuyến tàu mơ ước ra thăm người con đã mất. Khi tàu đến đảo Đá Lớn A, nơi con trai công tác và hi sinh, vì chuyến xuồng vào đảo đã đủ người, bà Tuyết nhờ mọi người lên đảo nói lính đảo ra chỗ con trai mình hi sinh lấy giúp chai nước biển mang về thờ, coi như có xương cốt linh hồn của con.

Tàu dừng ở một số đảo khác rồi mới đến Nam Yết. "Người ta mẹ con gặp nhau mừng rỡ, ôm nhau khóc, cười cười nói nói, mình thì không có con ra đón - bà Tuyết kể - Cảm giác lúc đó đau xót lắm. Lúc đi tôi mang bó hoa to nhưng ra tới nơi héo mất, chỉ còn ít trái cây. 

Một chú bộ đội người cùng xã dẫn tôi ra thẳng mộ Cường. Khi thấy mộ con, tôi cảm thấy con quanh quẩn bên mình, gần ũi, ấm áp, yên tâm. Tôi cũng có cảm giác như mình truyền cho con hơi ấm của một người mẹ, cho con không thấy tủi thân nữa. 

Tôi mang bưởi, cam, táo, bánh kẹo, sữa, đường, tiền vàng..., mỗi thứ một thùng đủ để thắp hương mấy ngày cho con. Ngày nào cũng thay. Thay tất cả các mộ luôn. Đồng đội ngoài đó rất chu đáo. Đảo có một đại đội ngày nào cũng thay nước, lau bàn thờ, thắp nhang, quét dọn nghĩa trang rất sạch sẽ".

Đưa thân nhân lính đảo ra Trường Sa  - Kỳ cuối: Vượt trùng dương thăm mộ con trai - Ảnh 3.

Bà Tuyết khấn nguyện trước mộ con trai trong khu nghĩa trang liệt sĩ trên đảo Nam Yết - Ảnh: NVCC

Mâm cơm cúng muộn

Bốn ngày ở trên đảo, người mẹ ấy cố gắng nén lòng, hoạt động gì của tập thể cũng tham gia nhưng chỉ đến có mặt một lát là xin phép ra mộ con trai. Suốt bốn ngày, sáng, chiều, tối đến khi nghe kẻng 21h là phải vào. Chỉ trừ bữa ăn là bà không ra với con. Mọi thời gian còn lại trong những ngày tại đảo ngồi ở mộ nói chuyện với con rồi khóc. "Đêm ngủ tôi cũng rất muốn gặp con, muốn mơ thấy con mà nó không cho gặp" - bà Tuyết kể.

Đến ngày thứ ba trên đảo, người mẹ xin ban chỉ huy đảo cho làm mâm cơm để bà cúng cho con. 

"Tôi đã có ý định làm cho Cường một mâm cơm những món con thích. Ban chỉ huy đảo tạo điều kiện lắm, cho con gà, con vịt, mớ rau. Các bà, các chị đi cùng giúp tôi mỗi người một tay. Mâm cơm đầy đủ các món, có gà luộc, thịt bò xào, xôi nếp, nem rán... Toàn đảo ra thắp hương cho cháu. Tôi khấn: Bố mẹ bây giờ mới ra đến nơi, mới biết chỗ nằm của con, mới làm được mâm cơm mời con, mời đồng đội, vong linh các anh hùng liệt sĩ về đây cùng hưởng..." - bà Tuyết kể giọng đầy nước mắt.

Xót xa nhất là giờ khắc bà Tuyết phải rời đảo. Hôm đó buổi chiều, thủy triều gần xuống. Người mẹ tội nghiệp cứ lần chần bên mộ con, thắp nén nhang cho con lần cuối, lấy mấy chân nhang và bốc một nắm cát trên mộ con mang về. Bà bảo chỉ muốn ở lại với con. 

"Tôi muốn đưa con về nhưng các anh lính đảo giải thích: Phải để từ 8-10 năm vì ngoài đảo nước biển hãm nên xương cốt không tiêu tan nhanh như trong đất liền...".

Lời cảm ơn lính đảo

Ngày cuối cùng, trong buổi chia tay đoàn thân nhân, bà Tuyết giơ tay xin phát biểu. Bà nói: "Tôi rất cảm ơn các anh vì đã dành phần quan tâm đặc biệt cho tôi. Chúng tôi làm bố, làm mẹ nhưng không làm tròn bổn phận bố mẹ, phải nhờ đến tất cả cán bộ chiến sĩ ở đảo lo lắng xây cất mồ yên mả đẹp cho con tôi, tôi an tâm và thấy được an ủi phần nào.

Thời gian quá ngắn, tôi chỉ chăm sóc con được bốn ngày phải chia tay. Từ nay nhờ các cán bộ, chiến sĩ tiếp tục chăm sóc con tôi giúp gia đình cho đến khi tôi mang được cháu về quê hương.

Tôi cũng chúc mừng các cô, các chị ra đây được gặp chồng, gặp con chào đón với giọt nước mắt hạnh phúc, còn tôi cũng ra thăm con nhưng chỉ biết ôm con vào lòng trong tưởng tượng, lúc tỉnh ra chỉ thấy một nấm mộ trắng mà thôi...".

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên