Đại tá Đào Giang Hải - chính ủy lữ đoàn 146, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức những chuyến tàu đưa thân nhân ra Trường Sa thăm lính đảo - Ảnh: MY LĂNG
Tám năm trước. Đầu tháng 7-2010, lần đầu tiên Quân chủng hải quân tổ chức chuyến tàu chở thân nhân là những ông bố, bà mẹ, người vợ ra quần đảo Trường Sa thăm cán bộ, chiến sĩ là con, chồng đang làm nhiệm vụ tại đây.
Chuyến tàu đầu tiên
"Quân chủng hải quân xác định đây là việc thể hiện tăng cường mối đoàn kết quân dân, chăm sóc hậu phương gia đình thân nhân của cán bộ chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc để người lính yên tâm công tác" - đại tá Đào Giang Hải, chính ủy lữ đoàn 146 (Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân), cho biết.
Tháng 7-2010, hai con tàu đầu tiên chở đoàn thân nhân đi thăm Trường Sa xuất phát, một đi các tuyến đảo phía Bắc, một đi các tuyến đảo phía Nam. Từ đó, cứ hai năm một lần, Quân chủng hải quân lại tổ chức một đợt đưa thân nhân ra đảo.
Mỗi lần đi có hai tàu với khoảng 300 thân nhân. Các chuyến tàu chở thân nhân thường được tổ chức giữa tháng 6, đầu tháng 7.
"Khi đó thời tiết yên, biển chưa động - đại tá Hải giải thích - Hơn nữa, đó cũng là thời điểm tốt nhất để thân nhân sắp xếp công việc để đi. Thời gian đó bà con nông dân thì mùa màng thu hoạch xong, giáo viên cũng đã nghỉ hè.
Tất nhiên thời gian đó không thể đáp ứng 100% thân nhân được nhưng phải chọn thời gian phù hợp nhất với số đông. Hành trình cả đi và về kéo dài 20-22 ngày".
Theo đại tá Hải, để tổ chức được một chuyến đi rất kỳ công. Từ cuối năm trước, lữ đoàn 146 đã cho cán bộ, chiến sĩ đăng ký nguyện vọng cho thân nhân ra thăm rồi tổng hợp danh sách và tuyển chọn.
Bắt đầu từ khi thông báo đăng ký, tuyển lựa sức khỏe, tổ chức chuyến đi, tổ chức đón tiếp ở đảo, đặc biệt là bố trí nơi ăn nghỉ cho người thân trên đảo là một hành trình rất kỳ công, đến bước cuối cùng là đưa thân nhân lên tàu xe về quê và khi họ đến địa phương thì chúng tôi mới kết thúc nhiệm vụ. Với chuyến đi đặc biệt này, hải quân đài thọ toàn bộ chi phí cho thân nhân từ đi lại, ăn uống, vé về đến tận địa phương.
Đại tá Đào Giang Hải, chính ủy lữ đoàn 146
Đoàn thân nhân chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ chiến sĩ đảo Song Tử Tây tại cột mốc chủ quyền trong chuyến đi tháng 7-2010 - Ảnh: MY LĂNG chụp lại
Mỗi ngày trên đảo là một ngày hội
"Tháng 5-2017, tôi trực tiếp dẫn đoàn đi. Một tàu đi phía Nam do đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó chính uỷ Vùng 4 Hải quân, làm trưởng đoàn. Còn tàu đi phía Bắc do tôi làm trưởng đoàn. Đây là chuyến đi đặc biệt. Thân nhân có đầy đủ các thành phần: bố mẹ ruột, bố mẹ vợ, vợ...
Khó khăn trong chuyến đi thì nhiều. Bà con chưa quen đi biển, chưa quen những hoạt động quân sự, việc tổ chức phải rất chặt chẽ, điều hành phải hết sức khoa học mới đảm bảo an toàn vì sóng to, gió lớn. Chuyến đó mỗi thân nhân đều có năm ngày ở trên đảo" - đại tá Đào Giang Hải kể lại.
Anh cho biết thêm: "Trước khi đi, chỉ huy lữ đoàn đã chỉ đạo các đảo tổ chức các hoạt động giao lưu, thăm hỏi động viên toàn bộ anh em trên đảo vì một đảo chỉ có 5-7 thân nhân được ra thăm nên phải xử lý hài hòa, tránh để cán bộ, chiến sĩ không có thân nhân ra đảo tủi thân, chạnh lòng".
Được biết, vài tháng trước chuyến đi, các đảo đã chuẩn bị sẵn lương thực, thực phẩm chăn nuôi để tiếp đón đoàn thân nhân ra thăm. So với đất liền không thể phong phú, đầy đủ, chu đáo, nhưng đó là sự cố gắng cao nhất của lính đảo để tiếp đón đoàn thân nhân, coi người thân của đồng đội như người thân của mình.
Thường thì theo kế hoạch, tối hôm đầu tiên thân nhân lên đảo, nghỉ ngơi. Sáng hôm sau dành một ngày đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, dâng hương chùa, thăm các hộ dân trên đảo... Tối tổ chức chương trình giao lưu cán bộ, chiến sĩ đảo với thân nhân, rồi giao lưu giữa thân nhân với các đơn vị lẻ trên đảo.
Hải quân đã làm mọi cách để biến mỗi ngày lính đảo được gặp gỡ thân nhân như một ngày hội vì họ xứng đáng được hưởng cái cảm giác ấy sau thời gian dài nghìn trùng xa cách...
"Những chuyến tàu chở thân nhân đúng nghĩa là chuyến tàu chở tình thương từ đất liền ra đảo. Ông bố, bà mẹ, người vợ nào cũng cố mang theo những món quà mang tình quê hương ra đảo cho con, cho chồng mình.
Có bà mẹ ở TP.HCM mang ra cho con giỏ xoài cát. Có bà mẹ mang khoai lang, chanh... Có bà mẹ giết gà nhà nuôi ướp đông mang ra đảo cho con. Người từ đất liền ra gặp người ngoài đảo thì nói chuyện hàng tháng trời không hết chuyện.
Anh em ngoài đảo thích nghe chuyện đất liền lắm, dù bây giờ đã có các phương tiện thông tin liên lạc nhưng được nghe người từ đất liền ra nói chuyện có khác" - chính ủy lữ đoàn 146 chia sẻ.
Khoảnh khắc đoàn tụ của một cặp vợ chồng lính đảo ở Trường Sa - Ảnh: DUNG PHẠM
Tình huống ngoài dự kiến
Năm 2017, một chuyến tàu đưa thân nhân đến đảo Song Tử Tây nhưng thời tiết bất ngờ biến động, sóng to cấp 5, cấp 6 không thể vào đảo neo tàu. Đảo Song Tử Tây có đặc thù là thềm san hô ngắn, dòng chảy phức tạp, cửa luồng có nhưng khi sóng nổi lên thì hầu như không vào được.
Lúc đó tàu phải chạy dạt sang đảo Đá Nam, cách đó khoảng hai hải lý để neo tàu. Do vậy, người thân trên tàu và cả người thân trong đảo rất bồn chồn. Những người cha, người mẹ, người vợ đứng trên boong tàu mà ánh mắt cứ hướng về Song Tử Tây buồn rười rượi.
Hiểu được tình cảm đó của thân nhân và cả lính đảo, hơn một ngày sau Bộ tư lệnh Vùng 4 chỉ đạo khi sóng bắt đầu hạ một cấp thì quyết tâm đưa bằng được họ vào Song Tử Tây với điều kiện phải đảm bảo an toàn tối đa.
Kỳ tới: Phút giây trùng phùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận