08/08/2019 10:57 GMT+7

Đưa đón trẻ đi học: Mỗi nơi mỗi cách

TH.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - H.MI
TH.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - H.MI

TTO - Phải chăng ở Việt Nam đang không có chuẩn nào cho việc sử dụng phương tiện giao thông đưa trẻ đến trường?

Đưa đón trẻ đi học: Mỗi nơi mỗi cách - Ảnh 1.

Xe đưa đón học sinh của một trường quốc tế tại Đà Nẵng - Ảnh: Đ.CƯỜNG

Đà Nẵng: trường công không đưa đón học sinh, trường tư tự thỏa thuận

Ông Trần Thanh Sơn, đại diện hệ thống trường liên cấp Việt - Nhật (Đà Nẵng), cho biết tại hệ thống trường hiện có hợp đồng 5 xe loại 16 chỗ để đưa đón học sinh. 

Trên xe ngoài lái xe, bắt buộc phải có 1 bảo mẫu đi cùng. Khi đến gia đình để đón trẻ, bảo mẫu sẽ gọi điện trước cho phụ huynh đưa con ra. Nhiệm vụ của bảo mẫu là kiểm đếm số lượng, giám sát, giữ an toàn cho trẻ trong quá trình di chuyển. 

Xe tới trường, bảo mẫu giao học sinh cho bảo vệ. Bảo vệ nhận, kiểm tra số lượng và báo cho văn phòng hoặc giáo viên chủ nhiệm. Sau 15 phút, văn phòng báo cho giáo viên chủ nhiệm nếu có học sinh nghỉ. 

Trường hợp học sinh vắng, phụ huynh gọi báo cho văn phòng hoặc giáo viên chủ nhiệm. Nếu vắng không có lý do, giáo viên chủ nhiệm phải ngay lập tức gọi điện cho phụ huynh để xác minh.

Đồng Nai: có chấn chỉnh nhưng còn tồn tại

Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho hay trong năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2019, đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 420 xe đưa rước học sinh với số tiền trên 606 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 32 trường hợp... 

Các lỗi vi phạm như: không đóng cửa lên xuống khi xe chạy, không có phù hiệu, không có thiết bị chữa cháy, tháo bớt ghế, chở quá số người quy định. Thậm chí, thanh tra sở còn phát hiện xe quá niên hạn sử dụng dùng để đưa rước học sinh nên đã tịch thu.

Bà Huỳnh Lệ Giang - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Hiện nay việc đưa rước học sinh chưa an toàn còn tồn tại ở cấp tiểu học. Việc quản lý này do các phòng GD-ĐT ở từng địa phương thực hiện. Năm học tới sở sẽ có văn bản gửi đến chính quyền địa phương đề nghị chỉ đạo sát hơn nhằm đảm bảo an toàn trong việc tổ chức xe đưa rước học sinh".

TP.HCM: nhiều phụ huynh tự xoay

Cô Ngô Thanh Hương - giám đốc tuyển sinh Trường song ngữ EMASE - cho biết tiêu chí của trường là đưa đón ngắn nhất có thể và không quá 10 điểm dừng trên một chuyến xe. 

Trên mỗi chuyến có một tài xế, một cô giáo trợ lý xe. Tài xế trường tuyển có nguồn gốc, đạo đức lý lịch tư pháp được cập nhật trong vòng 6 tháng, cô giáo thì có nghiệp vụ sư phạm và đã qua khóa tập huấn những tình huống trên xe. 

Với xe hợp đồng bên ngoài, trường yêu cầu dòng xe, giấy tờ kiểm định, lý lịch tài xế và vẫn sử dụng giáo viên trợ lý của trường.

Hoặc ở một số trường công khác, phụ huynh tự nghĩ ra cách thức đưa đón. Một nhóm phụ huynh mẹ đơn thân, cư trú ở những phường trong bán kính từ Q.1, Q.3 nhưng có con đều học ở Q.1, các mẹ tổ chức với nhau hợp đồng với một bác hàng xóm về hưu có xe 4 chỗ, trả tiền theo tháng. 

Chị Nguyễn Thị Cúc - có con học Trường tiểu học Lương Thế Vinh - chia sẻ: "Chúng tôi kết nối phụ huynh với nhau thành nhóm. Phí đưa đón 4 cháu trong nhóm là 1 triệu đồng/cháu/tháng. Vừa an toàn, vừa tiện, vừa rẻ. Năm học đến chúng tôi vẫn duy trì".

Ông Trần Khắc Huy - trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình - cho biết ở quận có 8 trường có dịch vụ xe đưa đón, nhưng không phải xe đời mới. 

"Xe các trường thuê không phải xe máy lạnh mà là xe Daihatsu, có hai dãy ghế để các em ngồi đối diện mặt vào nhau. Trường thuê dịch vụ với những xe này đều có hợp đồng và cam kết an toàn. Giáo viên cùng đi trên xe để kiểm tra, giám sát. 

Phòng giáo dục hằng năm cũng chỉ đạo bằng văn bản về sự an toàn. Tuy vậy để tăng chuẩn an toàn, trong cuộc họp giao ban hiệu trưởng trước khi vào năm học, tôi sẽ nhấn mạnh công tác về dịch vụ xe đưa đón học sinh".

Bang Cali có luật an toàn cho xe buýt trường học

Tháng 1-2017, tòa tuyên ông Armando Ramirez - tài xế lái xe buýt đưa đón học sinh Trường Sierra Vista tại Whittier, bang California (Mỹ) - 2 năm tù vì đã tắc trách khi bỏ quên một học sinh trên xe buýt, dẫn đến cái chết thương tâm của cậu học sinh này.

Công ty dịch vụ xe buýt trường học Pupil Transportation Cooperative (PTC), chủ quản của tài xế Ramirez, theo phán quyết vào tháng 6-2017 của tòa án cũng đã bồi thường 23,5 triệu USD cho gia đình nạn nhân.

Sau cái chết của Lee, bang California đã thông qua Luật an toàn xe buýt trường học Paul Lee vào năm 2016 để tránh những trường hợp thương tâm xảy ra.

Đạo luật này cũng yêu cầu 25.000 xe buýt đưa đón học sinh trên toàn bang California phải trang bị hệ thống an ninh trước năm học 2018 - 2019.

Hệ thống cảnh báo này chỉ có thể được tắt bằng tay ở phía sau xe, buộc tài xế phải đi qua hết các dãy ghế ngồi và có thể phát hiện nếu học sinh ngủ quên hay bị kẹt lại trên xe.

ANH THƯ

Tổng rà soát xe đưa đón sau vụ bé lớp 1 Trường Gateway tử vong Tổng rà soát xe đưa đón sau vụ bé lớp 1 Trường Gateway tử vong

TTO - Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các bộ ngành, đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát các trường học sử dụng xe ôtô hợp đồng đưa đón học sinh, sau vụ việc 1 học sinh Trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.

TH.THƯƠNG - Đ.CƯỜNG - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên