Hai bạn Xuân Khoa và Phúc Anh (sinh viên Trường CĐ Y dược Pasteur) đã làm tình nguyện viên tại Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM được gần 6 tháng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Không chỉ là "gánh vác", "chia lửa", nếu mô hình này thành công có thể là giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm vấn nạn quá tải trong hệ thống điều trị, thậm chí tạo thói quen chữa trị bệnh từ phường xã, thay vì chỉ nghĩ đến bệnh viện.
Đại dịch COVID-19 cho thấy vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng. Với sự chi viện của các lực lượng, các bác sĩ quân y đã giúp TP.HCM triển khai mô hình trạm y tế lưu động. Mô hình này kết hợp với tổ phản ứng nhanh, tổ chăm sóc COVID-19 dựa vào cộng đồng, các tổ chức tình nguyện và thiện nguyện đã giúp cho các trạm y tế cơ bản chăm sóc cho số lượng F0 tăng khổng lồ. Từ kinh nghiệm này đặt ra yêu cầu làm sao để trạm y tế trở thành nơi tin cậy, chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân với chi phí thấp nhất.
Như vậy, việc TP.HCM đưa bác sĩ trẻ mới ra trường về cơ sở thực hành chính là đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn chống dịch. Thay vì dành trọn 18 tháng thực hành tại bệnh viện, các bác sĩ mới ra trường sẽ thực hành 12 tháng tại các trạm y tế, nếu muốn được cấp chứng chỉ hành nghề (điều dưỡng, hộ sinh thực hành tối đa 9 tháng).
Tất nhiên xung quanh chủ trương này vẫn còn nhiều băn khoăn như chất lượng đào tạo y khoa ở các trường ĐH có sự chênh lệch; trang thiết bị máy móc, thuốc men cho thực hành còn thiếu thốn hoặc ngay như việc các bác sĩ mới ra trường còn non kinh nghiệm cần phải được thực hành tại bệnh viện một thời gian trước khi cho về cơ sở...
Nhưng cũng không thể phủ nhận sức trẻ và trình độ chuyên môn từ lực lượng này khi về phường xã, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Trước tiên là gánh vác gánh nặng công việc cho các nhân viên y tế tại trạm y tế, vừa chống dịch và thực hiện gần 20 chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó cũng khắc phục điểm yếu về chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu và cũng là cơ hội giúp chính các bác sĩ trẻ có thêm nhiều cọ xát với thực tế, thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp với cộng đồng. Nhưng lợi ích sâu xa hơn từ mô hình này, đó là hướng đến sự thay đổi về nhận thức, cũng như trong cách tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu từ người bệnh. Vì vậy, chủ trương đưa các bác sĩ trẻ mới ra trường về trạm y tế được đánh giá như "một mũi tên trúng nhiều đích".
Khi đưa bác sĩ về phường, xã không thể không có trăn trở. Hiện ngành y tế đang khẩn trương hoàn thiện tờ trình nghị quyết mang tính chất đặc thù về chính sách hỗ trợ (từ 30 - 60 triệu đồng cho bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh thực hành tại trạm y tế); đề xuất tăng thu nhập tối đa 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ với viên chức làm việc tại trạm y tế hoặc được luân phiên, biệt phái... Như thế vẫn chưa đủ, để y tế cơ sở hấp dẫn, đủ sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cần có thêm nhiều cơ chế đáp ứng nhu cầu chính đáng về thu nhập, cơ hội được học tập phát triển nghề nghiệp của các bác sĩ. Đưa bác sĩ về phường xã, trước là lợi cho dân, sau là giúp giảm tải hệ thống điều trị, chuyện không mới nhưng là bước đột phá cần phải kiên trì thực hiện để cho trái ngọt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận