Bản Sin Suối Hồ (người Mông, Phong Thổ, Lai Châu), miền núi, cách biên giới Trung Quốc 3km, dân bản chỉ 736 người, đã đón hơn 10.000 khách đến tham quan.
500 chỗ ngủ homestay trong bản đêm nào cũng kín khách. Tết này, bản làm hẳn sân khấu lộ thiên giữa quảng trường nhỏ như sân vận động, nơi diễn ra các hoạt động lễ hội Lồng Tồng.
Bản Thái Hải (người Tày, thành phố Thái Nguyên), ngoài việc đón khách bình thường còn đưa hơn 60 nghệ nhân về Hà Nội phục dựng và tổ chức Tết Tày "Buon Chieng Pi Mau" ở Hoàng thành Thăng Long (trước Tết) và Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở khu du lịch Đồng Mô (thị xã Sơn Tây) để quảng bá văn hóa Tày - Việt và PR cho bản làng.
Khu di tích chùa Hương (Can Lộc, Hà Tĩnh) từng dịch vụ được nâng cấp và chấn chỉnh, khách du xuân hài lòng hơn. Cùng với khu di tích danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (Nghi Xuân), các điểm đến mới ở Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên… và các huyện đều đông khách hơn năm ngoái.
Du lịch cộng đồng nông nghiệp Tây Bắc khởi sắc, các homestay và gardenstay được hoàn thiện, làm phòng riêng, mở thêm cookingclasses và các dịch vụ để khách trải nghiệm như Minh Thơ (Mai Hịch), A Páo (Pà Cò), Y Múa (Hang Kia) cùng ở Mai Châu, Hòa Bình; A Chu (Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La); Hợp Thành (thành phố Lào Cai)… Chỗ nào cũng đẹp và hấp dẫn hơn.
Du khách đến Vườn quốc gia Cát Tiên thì thích thú vì phòng ở được làm mới, có thêm khu trưng bày hình ảnh mới nhất về vườn của bẫy ảnh quốc tế. Lãnh đạo UBND và Sở VHTT-DL Bình Thuận cùng nhau gặp gỡ, chúc mừng và cảm ơn khách du xuân về Bình Thuận.
Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ thì rực rỡ sắc mai, hoa trái bản địa, có cả lúa. Tôi cực kỳ ấn tượng với mô hình "Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp", còn gọi là "Cà phê chủ tịch" miễn phí trong khuôn viên UBND tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình này được Đồng Tháp nhân rộng, từ xã phường đến huyện, thị, thành phố; rất nhiều trụ sở có tiểu cảnh xuân, mở cửa mời dân vào chụp ảnh và gặp gỡ chính quyền. Nhiều nơi phục dựng chợ quê, tạo hiệu quả bất ngờ từ nhà tổ chức đến người dân.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh) Phan Thị Ái Xuân hướng dẫn khách viếng chùa Bửu Lâm chuyên nghiệp hơn cả hướng dẫn viên có thẻ. Chị kể về những niềm vui bất ngờ của người dân khi tham gia chợ quê, vừa có nơi vui chơi vừa bán được nông sản có giá.
Về Tam Nông, mùa nước ròng, gặp hàng ngàn chim trời, hồn nhiên và dạn dĩ từ sớm tinh mơ. Đón bình minh, ngắm đàn chim, xem bông súng nở, thưởng thức cháo nếp thơm xanh mùi dứa với dưa kiệu, khô lóc nướng, hột vịt muối là đặc sản dân dã của vùng đất sen hồng. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa tiếp nhóm khách chúng tôi (đến từ TP.HCM) suốt hai giờ, thân thiện và chân tình.
Qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre… chỗ nào cũng sắc xuân tươi rói. Đồng lúa từ mượt mà, mơn mởn xanh dậy thì đến vàng ươm chờ thu hoạch. Dọc hai bên đường, cây sầu riêng thanh tân áp đảo, làng quê vui hơn khi giá thu mua sầu riêng tại vườn tăng cao.
Về U Minh Hạ (Cà Mau), vào rừng tràm, trải nghiệm gác kèo ong, phân biệt các loại tổ ong, đi thăm và gỡ lọp, lờ, ống trúm..., cùng nhau chế biến các chiến lợi phẩm với rau vườn. Đã nhất là các món nhộng ong, ong sữa bánh xèo, gỏi, chiên bột, xào, chiên trứng, cháo, ăn sống với mật, phấn ong… Có thể làm buffet ong với hàng chục món bổ dưỡng, không đụng hàng, ngon bá cháy…
Còn một ít băn khoăn
Tôi không hiểu bằng cách nào mà các địa phương có thể tổng hợp ngay lập tức tổng lượng khách, tổng doanh thu cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dịch vụ trong ngày - điều mà trên thế giới chưa nước nào làm được?
Vì thế, cần cấp bách làm cuộc cách mạng về thông tin minh bạch và số liệu chính xác, thống nhất như các nước để tách bạch lượng khách tham quan và khách lưu trú (quan trọng nhất). Đặc biệt là doanh thu trên đầu khách và đánh giá tóm tắt nguyên nhân tăng giảm.
Đi du lịch lại gặp đủ loại rác, khách đông rác cũng tăng. Đường cao tốc ngày càng mở rộng, dịch vụ xe đò giường nằm ngày càng phát triển nhưng "những đôi dép khuyết tật" vẫn còn. Vì sợ mất, dù dép cũ và bẩn, nhiều nhà xe vẫn để khách mang những đôi dép bị xén mũi mỗi lần xuống trạm dừng chân...
Rất nhiều trạm dừng hoành tráng, hiện đại nhưng không có nổi vài ổ cắm điện cho du khách sạc điện thoại. Nhà vệ sinh tiếc chi vài cái móc để treo túi xách, áo khoác khi vào đây...
Nhiều khách sạn mới, hoành tráng ở ĐBSCL nhưng chất lượng ăn sáng cứ kiểu "1 tô và 1 ly". Có nơi thực đơn tô cơm trắng, 3 hột vịt chiên giá 120.000 đồng, nửa ký cá lóc nướng trui giá 250.000 đồng… dù toàn là cây nhà lá vườn, cá mương.
Trong khi đó, các điểm du lịch cộng đồng chuẩn ở phía Bắc, lưu trú chỉ trên dưới 150.000 đồng/người nhưng ăn sáng 20 người là có buffet chất lượng (giá 70.000 - 80.000 đồng/người).
Năm 2024, để du lịch Việt tăng tốc mạnh mẽ hơn thì phải tuyên chiến dứt điểm với rác, tiếng ồn karaoke, còi xe và chuẩn hóa dịch vụ ăn uống, từ vệ sinh an toàn thực phẩm đến giá cả. Đây là ba điều cản trở du lịch Việt từ nhiều năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận