Tại hội thảo, chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều khuyến nghị đối với dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam cũng như bày tỏ băn khoăn đối với biện pháp xử lý chuyển hướng đưa vào trường giáo dưỡng.
Quốc tế nhiều lần đề nghị Việt Nam xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên
Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hòa Bình - chánh án Tòa án nhân dân tối cao - cho biết Việt Nam tham gia công ước Liên Hiệp Quốc về bảo vệ trẻ em từ rất sớm nhưng trong khối ASEAN thì chỉ còn Việt Nam và một quốc gia khác là chưa có Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo ông Bình, từ cách đây 2 năm, chúng ta đã nhận được thư của Liên Hiệp Quốc đề nghị Việt Nam cần phải xây dựng bộ Luật Tư pháp người chưa thành niên.
"Hiện nay, chúng ta đã có bản thảo dự luật và nếu thuận lợi thì tháng 10 tới đây sẽ được thông qua. Trước khi "nộp bài" cho Quốc hội thì chúng tôi mong muốn tham khảo tối đa ý kiến đóng góp trên tinh thần trách nhiệm, khoa học, cầu thị" - ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo chánh án Tòa án nhân dân tối cao, bản dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên cơ bản đủ nghiêm khắc để bảo vệ an ninh trật tự xã hội nhưng cũng rất nhân văn, "mở đường" cho các cháu vi phạm có thể sửa chữa hành vi.
Bà Lesley Miller - phó trưởng đại diện UNICEF Việt Nam - đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam mong muốn áp dụng kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Bà Lesley Miller khuyến nghị luật phải có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và nhấn mạnh việc đưa vào trường giáo dưỡng không phải biện pháp thích hợp. "Tước đoạt tự do cần phải xem như là biện pháp cuối cùng, việc giam giữ là không tốt cho trẻ vị thành niên và điều này thường dễ khiến trẻ tái phạm hơn" - bà Lesley Miller bày tỏ.
Băn khoăn với biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng
Trình bày kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên, bà Shelley Casey - chuyên gia độc lập của UNICEF - đánh giá dự thảo luật của Việt Nam đã đưa ra nhiều điểm cải thiện, hỗ trợ tái hòa nhập cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, một số biện pháp chuyển hướng áp dụng đang cao hơn so với khuyến nghị của quốc tế và thiếu tính khả thi.
Theo bà Shelley Casey, có bằng chứng nghiên cứu khoa học cho thấy người dưới 20 tuổi thì não bộ chưa phát triển toàn diện nên thường có những hành vi bột phát, bốc đồng. Tuy nhiên, người chưa thành niên nếu bị kỳ thị, dán nhãn vi phạm thì sau này càng dễ trở thành tội phạm chuyên nghiệp, đó là lý do vì sao chúng ta phải có cách tiếp cận chuyên biệt dành cho trẻ vị thành niên, để đảm bảo các em được xử lý một cách chuyển hướng với mục tiêu cao nhất là sửa được lỗi lầm, không tái phạm.
"Việc xử lý chuyển hướng ở Việt Nam là điều rất mới nhưng chúng ta cần giảm thiểu việc tiếp xúc của trẻ vị thành niên với các cơ quan tiến hành tố tụng. Dự thảo luật hiện nay của Việt Nam có quy định nhưng lại chưa rõ áp dụng biện pháp chuyển hướng như thế nào, chúng tôi khuyến cáo các biện pháp đều cần phải có được sự đồng ý của người chưa thành niên" - bà Shelley Casey cho hay.
Cũng theo bà Shelley Casey, việc đưa vào trường giáo dưỡng không phải là biện pháp chuyển hướng và chuyện một trẻ vị thành niên vi phạm bị quản chế 6 tháng đến 2 năm là quá dài so với quốc tế, điều này tiêu tốn nguồn lực mà không hiệu quả.
"Đối với quốc tế, việc cảnh cáo thường chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, đưa ra những cảnh cáo và không có thêm hành động nào hơn nữa. Tôi thấy biện pháp quản thúc tại gia đình trong dự thảo kéo dài tận 2 năm là quá nặng, các em chỉ được ra ngoài khi cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng làm thế nào để kiểm soát được vấn đề này và việc này tôi nghĩ cũng khó khả thi khi triển khai" - bà Shelley Casey bày tỏ.
Bà Shelley Casey khuyến nghị sửa dự thảo cho phù hợp yêu cầu quốc tế về xử lý chuyển hướng, có thể bỏ biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng và thay vào đó là đưa ra kế hoạch chuyển hướng trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện đồng ý của người chưa thành niên và nguyên tắc can thiệp tối thiểu.
Phương án 2 là bỏ chương về "xử lý chuyển hướng" và chuyển "biện pháp xử lý chuyển hướng" thành "biện pháp tư pháp" do tòa án quyết định sau một phiên xét xử công bằng, thân thiện với người chưa thành niên.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của chuyên gia UNICEF, ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng những nội dung góp ý thể hiện sự chuyên sâu và mang lại nhiều gợi ý trong việc xây dựng luật.
Ông Bình cho biết khuyến cáo của UNICEF về việc không nên đưa biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì đây là một gợi ý cần nghiên cứu một cách thật chặt chẽ.
Tại sao cơ quan soạn thảo đề xuất đưa vào trường giáo dưỡng bởi theo luật hình thành thì chúng ta có 14 tội danh không được xử lý chuyển hướng, tuy nhiên chúng ta chỉ tập trung 5 tội danh liên quan xâm hại đến thân thể, tự do thì không được xử lý chuyển hướng, còn 9 tội danh được xử lý chuyển hướng bằng việc đưa vào trường giáo dưỡng.
"Việc nên coi là biện pháp tư pháp hay là biện pháp chuyển hướng cũng là bài toán để chúng ta cân nhắc. Dự thảo luật của chúng ta không hoàn toàn như quốc tế nhưng cũng tương đối nhân văn" - ông Bình bày tỏ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận