20/02/2020 20:17 GMT+7

Du lịch Việt Nam đảm bảo an toàn nhưng cũng cần thân thiện

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Truyền thông, kích cầu du lịch, xúc tiến du lịch quảng bá tăng cường là các biện pháp mà du lịch Việt Nam tập trung thực hiện trong thời gian tới nhằm thu hút khách quay lại trong và sau dịch COVID-19.

Du lịch Việt Nam đảm bảo an toàn nhưng cũng cần thân thiện - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài trên đường phố TP.HCM trong mùa dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 20-2, tại buổi thảo luận về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của ngành du lịch do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Tổng Cục Du lịch Việt Nam tổ chức, bà Bùi Viết Thủy Tiên, giám đốc Công ty du lịch Asian Trails cho biết truyền thông về điểm đến an toàn cho du lịch Việt Nam hiện nay rất quan trọng. Thông điệp này không chỉ đưa đến với du khách quốc tế mà người dân trong nước cũng cần thấu hiểu. 

Bà Tiên cho biết đến nay khách Âu không hề hủy tour đến Việt Nam, họ không lo ngại đến dịch cúm và đang tận hưởng các cung đường đẹp của Việt Nam trong mùa du lịch không đông đúc. Thế nhưng khi đưa đoàn khách đến một nhà dân ở Phan Thiết, đoàn khách bị từ chối vì chủ nhà sợ lây dịch bệnh. 

"Đích thân doanh nghiệp phải xuống thuyết phục từng nhà rằng khách Âu không đi qua vùng dịch nhưng người dân vẫn từ chối, họ lấy thêm lý do là e ngại hàng xóm, láng giềng", bà Tiên chia sẻ. 

Theo ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc tổng công ty Saigontourist Group, từ khi dịch bùng phát và ảnh hưởng đến du lịch Việt Nam, chính phủ cũng như các ngành đều có biện pháp triển khai khác nhau, tác động ít nhiều đến ngành du lịch. Tuy vậy, các phản ứng của từng đối tượng, từng địa phương đang truyền tải thông điệp thiếu thống nhất về những nỗ lực điểm đến an toàn của du lịch Việt Nam.

"Du lịch Việt Nam bên cạnh khẳng định là điểm đến an toàn thì cũng cần thêm yếu tố thân thiện. Chúng ta đang nỗ lực đảm bảo an toàn cho du khách nhưng vẫn phải thân thiện, không để khách bị ảnh hưởng tâm lý. Người ta đến tới nhà rồi mình lại đóng cửa là không ổn", ông Tài nói.

Do đó, ông Tài ý kiến rằng trong chương trình kích cầu, Tổng Cục du lịch, với chức năng là cơ quan điều phối, cần đảm bảo các biện pháp kích cầu, thời gian thực hiện phải thống nhất, chương trình kích cầu chỉ tạo hiệu ứng mạnh mẽ khi có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực cũng như với các địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phó tổng Giám đốc Vietjet Air cũng đồng tình việc tính toán và thống nhất thời điểm tung khuyến mãi rất quan trọng. Bởi với kế hoạch học tập của học sinh đang bị xáo trộn, có thể thời gian nghỉ hè sẽ bị rút ngắn, đồng nghĩa mùa kinh doanh du lịch hè không còn dài như các năm.

Theo tính toán của Sở Du lịch TP.HCM, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong tháng 3-2020 thì du lịch nội đia có thể hồi phục ngay khi vào mùa cao điểm là từ cuối tháng 5. Thời điểm này, du lịch trong nước chuẩn bị vào mùa nên ngành du lịch cần kích cầu thúc đẩy người dân đi du lịch, đồng thời xúc tiến đẩy mạnh đi du lịch nước ngoài để bù đắp những tổn thất kể từ đầu năm.

Tại buổi làm việc, Sở Du lịch TPHCM cũng đã đề xuất một số chính sách về thuế, tín dụng, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất... để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khó khăn do dịch COVID-19.  

Sở đề nghị cho doanh nghiệp được chậm nộp các loại thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng... đến quý 3 hoặc quý 4-2020. 

Về chính sách tài chính, tín dụng, giảm thuế, hỗ trợ miễn thuế cho các doanh nghiệp, giảm thuế nhập cá nhân cho người làm việc trong lĩnh vực du lịch. Giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp, thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi.

Cơ quan này cũng đề nghị xem xét giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động trong các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, giảm 50% tiền thuê đất cho khách sạn trong 2 năm 2020-2021... 

"Sở cũng đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Canada, Áo, Hà Lan... và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới, có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao", bà Nguyễn thị Ánh Hoa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nói. 

Sớm nối lại đường bay Trung Quốc

Theo ba kịch bản mà Vietnam Airlines mới xây dựng, các đường bay tới Trung Quốc sớm nhất có thể hoạt động vào tháng 4, muộn nhất là vào tháng 8 hoặc tháng 9.

Ông Nguyễn Đăng Cường, trưởng phòng Phát triển bán và Tiếp thị, Ban Tiếp thị và Sản phẩm của Vietnam Airlines, cho biết hiện cơ hội nối lại đường bay với Trung Quốc rất lớn và hãng đã chuẩn bị kịch bản để khai thác trở lại.

Trước đó, đầu tháng 2-2020, khi nguy cơ bùng phát dịch COVID-19, Việt Nam đã ngừng các chuyến bay đến Trung Quốc và ngược lại. Cùng với chính sách cấm công dân đi du lịch của chính quyền Trung Quốc, việc ngưng đường bay giữa hai nước khiến các công ty du lịch Việt Nam gần như mất trắng thị trường này.

Du lịch Việt Nam cần mở chiến dịch "Tôi an toàn" Du lịch Việt Nam cần mở chiến dịch 'Tôi an toàn'

TTO - Ngành du lịch đang cần được 'cấp cứu' bằng các giải pháp không chỉ dừng ở hỗ trợ thuế, phí, đã đến lúc Chính phủ, cơ quan quản lý phải chủ động nhập cuộc, xây dựng phương án 'I am safe' - 'Tôi an toàn' nhằm giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên