Giám đốc thể thao Topas Group chúc mừng VĐV Trần Duy Quang - nhà vô địch cự ly 100km tại VMM 2017 - Ảnh: NAM KHÁNH
Đây là chia sẻ của ông David Lloyd - giám đốc thể thao Topas Group (Đan Mạch) - với Tuổi Trẻ xung quanh chuyện tổ chức giải thể thao để phát triển du lịch.
Trong 6 năm qua, Topas Group đã đi tiên phong trong việc tổ chức các giải thể thao mạo hiểm tại VN. Trong đó có ba giải marathon: VMM tại Sa Pa - Lào Cai, VJM (Vietnam Jungle Marathon) tại Pù Luông - Thanh Hóa, VTM (Vietnam Trail Marathon) tại Mộc Châu - Sơn La.
Trong số này, VMM được coi là giải marathon được chờ đợi nhất trong năm của VN khi được tổ chức trên núi cao Sa Pa với địa hình, khí hậu tuyệt vời. VMM 2018 đã thu hút 3.500 VĐV đến từ 54 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Làm những điều chưa ai làm
* Năm 2013, tại cuộc họp báo về VMM đầu tiên do Ðại sứ quán Ðan Mạch tổ chức tại Hà Nội, số VÐV đăng ký dự giải chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là người nước ngoài. 6 năm sau, VMM 2018 có 3.500 VÐV tham dự. Điều gì đã dẫn đến con số này, thưa ông?
- Chìa khóa của sự kiên trì là tình yêu chúng tôi dành cho những ngọn núi ở Sa Pa. Chúng tôi tin rằng nếu bạn hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, nhìn ngắm những ngọn núi thì bạn sẽ yêu thích chúng. Giờ đây có thể thấy niềm tin đó đã được đặt đúng chỗ.
Các thành viên ban tổ chức VMM đến từ Anh, Đan Mạch khi nhìn địa hình tại Sa Pa thấy rằng phong cảnh nơi này giống như sự hùng vĩ của dãy Alps - nơi những cuộc chạy đường mòn rất lớn đã được tổ chức. Ngoài ra, sự đặc sắc trong văn hóa của các dân tộc ở Sa Pa đã làm nên sức hút cho VMM.
* Ngoài VMM ở Sa Pa, Topas còn tổ chức VJM ở Pù Luông (Thanh Hóa), VTM ở Mộc Châu (Sơn La). Topas đã nhìn thấy tương lai phát triển lĩnh vực này ngay ở thời điểm mà phong trào chạy bộ VN còn chưa phát triển?
- Đúng vậy. Chúng tôi có niềm tin ngay từ đầu rằng việc chạy trên những ngọn núi sẽ "cất cánh" nếu cho mọi người cơ hội trải nghiệm nó. Khi chạy ở VMM, bạn sẽ có cảm giác tuyệt vời khi được hòa mình vào thiên nhiên. Sau khi trải nghiệm, bạn sẽ muốn chia sẻ nó với những người khác và chính điều đó đã giúp phát triển thành phong trào chạy bộ tại VN.
* Khó khăn nhất với một doanh nghiệp nước ngoài khi tổ chức giải thể thao quy mô với hàng ngàn VÐV tham dự, kéo dài trên đoạn đường hàng trăm kilômet với nhiều nguy hiểm là gì?
- Chúng tôi may mắn có được một đội ngũ làm việc xuất sắc. Chính quyền địa phương nơi chúng tôi làm việc cùng cũng nhìn thấy được những lợi ích mà các sự kiện của chúng tôi mang lại cho địa phương của họ.
Các VĐV tham dự cuộc thi VMM tại Sa Pa 2018 - Ảnh: N.KHÁNH
Đến Sa Pa du lịch vì xem hình ảnh từ VMM
* Lệ phí tham dự các giải marathon do Topas tổ chức rất cao nhưng lượng VĐV đăng ký tham dự rất đông. Topas đã làm cách nào để quảng bá giải đấu và "bán" được hàng?
- Các sự kiện của Topas được vận hành bởi một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, bao gồm nhiều người là hướng dẫn viên du lịch đang làm việc cho mảng du lịch của công ty chúng tôi. Về mặt quảng bá sự kiện, chúng tôi tự làm marketing. Chúng tôi tạo ra những trải nghiệm khác biệt mà mọi người sẽ nhớ suốt đời nên thật khó để đặt giá cho điều đó.
* VMM là giải marathon được đánh giá là đáng mong chờ nhất tại VN hiện nay. Tổ chức giải marathon tại đây thúc đẩy gì cho du lịch Sa Pa?
- Ước tính 5.500 người đã đến Sa Pa để tham dự VMM 2018 và có thể còn nhiều hơn thế vì có nhiều VĐV đi theo người thân, bạn bè.
Qua VMM, chúng tôi chia sẻ rất nhiều hình ảnh và video tuyệt đẹp về cuộc đua và những bài chia sẻ này có lượng người tiếp cận rất lớn. Bên cạnh đó, 5.500 người đến Sa Pa dịp này cũng đều chia sẻ những bức ảnh, trải nhiệm tuyệt vời của họ tại đây trên khắp thế giới.
Điều này có nghĩa là hàng trăm ngàn người khác dù không đến Sa Pa nhưng sẽ nhìn thấy cảnh quan kỳ vĩ của vùng đất này thông qua VMM. Nhiều người trong số họ sau đó sẽ đến du lịch Sa Pa vào một thời điểm khác trong năm.
Khu nghỉ dưỡng của chúng tôi thường xuyên đón chào những vị khách mà họ cho biết đến Sa Pa vì thấy hình ảnh trên VMM.
* Pù Luông, Mộc Châu có cảnh đẹp nhưng đường sá, khách sạn chưa tốt và thiếu, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Khi tổ chức các giải marathon với quy mô vài ngàn người tham dự, các ông phải xử lý việc này thế nào?
- Pù Luông không phải là lựa chọn đầu tiên về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ thấy vẻ đẹp đáng kinh ngạc của vùng đất này mà còn thấy được cả những tiềm năng của nó.
Để đối phó với việc thiếu chỗ nghỉ trong mùa giải đầu tiên, chúng tôi đã làm việc với ngôi làng nhỏ tại Pù Luông (nơi đặt cổng về đích của cuộc đua) và giúp 30 gia đình nơi đây mở cửa đón khách (homestay) cho cuộc đua VJM.
Tại mùa VJM thứ hai, có 400 người từ khắp nơi trên thế giới nghỉ lại ngôi làng này. Ba năm trước mọi người ở Hà Nội ngây người khi nghe tôi nhắc đến Pù Luông.
Nhưng điều đó đã thay đổi, giờ đây nhiều nhà trọ và khu nghỉ dưỡng nhỏ đã được xây dựng tại Pù Luông. Ngày càng có nhiều người đến với Pù Luông để nghỉ ngơi chứ không chỉ để tham gia VJM.
* Muốn phát triển du lịch tại VN thông qua việc tổ chức các giải thể thao, nhất là chạy đường dài, VN cần phải cải thiện điều gì?
- Tôi nghĩ VN cần tiếp tục cải thiện chính sách thị thực (visa) vì đây là yếu tố có tác động đáng kể để phát triển du lịch. Nếu VN miễn visa cho nhiều quốc gia hơn nữa thì đó là điều tuyệt vời cho du lịch VN. Tôi cảm thấy thất vọng khi khách du lịch đến VN đổ xô qua các địa danh nổi tiếng rồi không trở lại nữa.
Điều chúng tôi đang hướng đến là đưa khách nước ngoài đến trải nghiệm du lịch ở vùng núi phía Bắc, cảm nhận sự tuyệt vời nơi đây và sau đó sẽ trở lại nhiều lần thay vì thực hiện một chuyến đi ngắn ngày đến nhiều địa danh khác nhau và không bao giờ quay trở lại.
Hàng ngàn VĐV tham dự cuộc thi Đà Nẵng marathon hằng năm tại TP Đà Nẵng - Ảnh: N.K.
Các VĐV chạy giữa đường mòn mà hai bên là đồi chè xanh ngát tại Mộc Châu, Sơn La ở giải VTM 2019 - Ảnh: N.K.
Chạy để yêu Việt Nam hơn
Chưa bao giờ các giải chạy đường dài lại phát triển mạnh mẽ tại VN như thời gian gần đây. Tính trong năm 2019 cũng có hàng trăm giải marathon, bán marathon được tổ chức từ núi cao đến đồng bằng, từ cao nguyên đến biển cả.
Ba năm qua, Hà Giang là một trong những địa điểm tổ chức marathon được nhiều VĐV yêu thích. Lộ trình của giải marathon Hà Giang là cung đường Hạnh Phúc nối từ thị trấn Đồng Văn đến thị trấn Mèo Vạc đi qua con đèo Mã Pí Lèng huyền thoại.
Trên cung đường này, VĐV như được chạy trên lưng trời với một bên là núi đá, dưới chân là dòng sông Nho Quế xanh ngắt. Hàng trăm VĐV trong nước cho đến nước ngoài, nhiều người cả đời chưa từng đặt chân đến Hà Giang nhưng nhờ có giải chạy mà họ được đến mảnh đất của hoa tam giác mạch này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận