04/04/2019 12:30 GMT+7

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Suốt 4 năm qua, người dân thành phố Đà Nẵng đã quen với việc đăng cai một giải đấu thu hút hàng ngàn VĐV nước ngoài tham dự. Đó là Ironman 70.3 Đà Nẵng.

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman - Ảnh 1.

Người dân Đà Nẵng ngày càng quen thuộc với hình ảnh sôi động, vui nhộn của Ironman - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều gì khiến một du khách nước ngoài sẵn sàng chi ra hàng ngàn USD để đến VN du lịch trong một tuần lễ? Có thể nơi họ đến là Hạ Long, Hội An hay Sơn Đoòng... Nhưng với một số người, lý do họ đến VN là vì thể thao. So với Singapore hay Thái Lan, khái niệm du lịch thể thao ra đời khá muộn ở VN nhưng lĩnh vực này tạo ra nguồn thu đầy bất ngờ...

Tháng 5 này, Ironman Đà Nẵng sẽ đánh dấu năm thứ 5 được tổ chức. Và ban tổ chức đặt ra mục tiêu sẽ có 2.000 VĐV dự giải, trong đó hơn 1.500 người là khách nước ngoài.

Tổ chức thể thao cũng như làm du lịch

Con số đó là hoàn toàn trong tầm tay bởi thống kê cho thấy Ironman 70.3 Đà Nẵng 2018 đã thu hút đến hơn 1.600 VĐV, với khoảng 1.000 VĐV là người nước ngoài.

Lý do Ironman thu hút đông đảo người nước ngoài tham dự rất dễ hiểu - giải đấu 3 môn phối hợp (bao gồm bơi, đạp xe và chạy bộ) này cực kỳ khắc nghiệt, trước đây gần như chỉ có người phương Tây mới có thể hoàn thành. 

Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, Ironman bắt đầu đổ bộ đến các nước châu Á, đặc biệt là cuộc thi Ironman 70.3 (tiêu chuẩn chỉ bằng một nửa của cuộc thi Ironman gốc, theo đó phiên bản Ironman 70.3 bao gồm bơi 1,2 dặm, đạp xe 56 dặm và chạy 13,1 dặm).

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman - Ảnh 2.

Người dân Đà Nẵng ngày càng quen thuộc với hình ảnh sôi động, vui nhộn của Ironman - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đảo Cebu của Philippines và Langkawi của Malaysia là những nơi tiên phong của khu vực Đông Nam Á trong việc đăng cai Ironman. 

Và rất nhanh chóng, giải đấu thể thao phong trào này trở thành một nét văn hóa, du lịch của các quốc gia này. Nếu bạn tìm kiếm trên Google về 10 lý do nên đến đảo Cebu du lịch, một trong số những kết quả mang tên Ironman.

"Thành công của Philippines là một trong những lý do khiến chúng tôi tha thiết mang Ironman về VN" - ông Đỗ Huỳnh Khánh Duy, giám đốc công ty tổ chức sự kiện thể thao sở hữu bản quyền giải đấu 3 môn phối hợp này, cho biết. 

"Ngay từ năm tổ chức đầu tiên, chúng tôi đã đặt trọng tâm của Ironman sẽ là những du khách nước ngoài. Vì vậy, Ironman là một sự kiện mang tính du lịch, chúng tôi cần phải tổ chức giải đấu thể thao này trong tâm thế của những người làm du lịch. Ngoài yếu tố chuyên môn, chúng tôi phải tạo ra các dịch vụ ăn ở, vui chơi, mang lại tiện nghi thoải mái cho những người nước ngoài trong khoảng thời gian họ đến Đà Nẵng" - ông Duy nói.

Và từ chỗ một công ty tổ chức sự kiện thể thao, đơn vị của ông Duy phải tìm cách tạo ra những dịch vụ du lịch cho các VĐV dự giải, bao gồm gói khách sạn, các tour tham quan thành phố Đà Nẵng, du lịch ẩm thực... Cả khâu hải quan cũng phải chuẩn bị vì đa số các VĐV nước ngoài đều mang theo những chiếc xe đạp cồng kềnh qua máy bay. 

Để tìm hiểu thị trường, ông Duy và các nhân viên phải thực hiện rất nhiều khảo sát theo dõi khách hàng để đánh giá đúng nhu cầu của những người nước ngoài khi đến Đà Năng tham dự Ironman.

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman - Ảnh 3.

Lợi thế của Đà Nẵng

"Có hai yếu tố quan trọng khi tổ chức Ironman. Đầu tiên, chúng tôi phải tìm hiểu được nhu cầu lớn nhất của các vị khách nước ngoài và sau đó là tìm cách đáp ứng cho họ. Điều thứ hai nằm ở chính người dân Đà Nẵng. 

Khi tôi tham dự các giải Ironman ở Philippines hay Malaysia, bạn chỉ cần nói mình là khách tham dự Ironman, người dân bản địa sẽ nhiệt tình hướng dẫn bạn mọi thứ. Ở nhiều giải thể thao lớn trên thế giới cũng vậy, chẳng hạn người dân thành phố Boston của Mỹ tự hào vì có giải marathon Boston lừng danh" - ông Duy nói.

Người VN thực sự vẫn chưa quen với việc đăng cai thể thao, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Nhiều người vẫn thường tỏ ra khó chịu khi nhiều tuyến đường bị ngăn lại để phục vụ các cuộc đua xe đạp, chạy bộ... Ironman cũng gặp nỗi khó xử tương tự. 

"Mỗi lần tổ chức giải, chúng tôi đều thông qua nhà mạng di động gửi tin nhắn đến toàn thể người dân Đà Nẵng để xin lỗi vì một số phiền toái mà giải đấu mang lại. Chúng tôi muốn người dân Đà Nẵng đón nhận Ironman với cái nhìn thiện cảm và rồi sự niềm nở của họ sẽ là một yếu tố giúp thu hút du khách nước ngoài đến nhiều hơn. Dần dà, cứ đến sau tết là nhiều ông chủ khách sạn ở Đà Nẵng lại nhắn tin cho tôi hỏi: năm nay khi nào thì tổ chức Ironman?" - ông Duy kể.

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman - Ảnh 4.

Người dân Đà Nẵng ngày càng quen thuộc với hình ảnh sôi động, vui nhộn của Ironman - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế giới có cả trăm giải Ironman, rải rác ở nhiều quốc gia khác nhau, và làm thế nào để những vị khách nước ngoài đến với Ironman Đà Nẵng? Đó là cả một vấn đề xây dựng thương hiệu.

"Hầu hết các giải Ironman trên thế giới đều diễn ra ở những hòn đảo như Cebu, điều đó giúp giải đấu có không gian thoáng đãng, rộng rãi, hòa mình vào thiên nhiên. Nhưng trở ngại của việc tổ chức trên đảo là hàng quán thưa thớt, muốn đi ăn một món gì đó phải bắt taxi cả chục kilômet. Đà Nẵng thì khác.

Thoạt nhìn có thể nghĩ Đà Nẵng chật hẹp, đông đúc, cả đường đua, địa hình cũng không quá khó. Nhưng nếu đặt dưới góc nhìn du lịch, có thể khai thác điều đó thành thương hiệu của mình. Đà Nẵng nằm gần hai điểm du lịch nổi tiếng là Hội An và Huế. Khắp châu Á không có thành phố đăng cai Ironman nào có được lợi thế này cả.

Vì vậy, chúng tôi tập trung khai thác các tiện nghi cho du khách, gồm ẩm thực hay những tour du lịch ngắn ngày. Cũng với tiêu chí này, chúng tôi không tập trung vào việc giữ chân du khách sau từng mùa giải. Điều này có nghĩa, một du khách tham dự Ironman Đà Nẵng vào năm nay có thể sẽ không trở lại đây vào năm sau nhưng họ sẽ kể về các ấn tượng tốt với Đà Nẵng cho bạn bè" - ông Duy nói.

Và cứ như vậy, Ironman đang góp một phần lớn trong việc xây dựng thương hiệu du lịch cho Đà Nẵng!

Du lịch + thể thao: nguồn thu triệu USD - Kỳ 1: Nói đến Đà Nẵng là nói đến Ironman - Ảnh 5.

Ironman 2018 và những con số ấn tượng Đồ họa: T.ĐẠT

Ironman - sân chơi triệu đô

Sau 5 năm, những con số khảo sát chỉ ra Ironman có tác động tích cực đến du lịch Đà Nẵng như thế nào. Cứ mỗi VĐV dự giải sẽ kéo thêm 1,5 người đi kèm.

Khoảng thời gian trung bình các du khách này ngụ tại Đà Nẵng là hơn 4 ngày (trong khi con số của khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng nói chung là 1,5 ngày) và mỗi người chi ra khoảng 3.500 USD trong những ngày ở đây.

Do đó, chẳng quá lời khi nói Ironman là một sân chơi "triệu USD".

Du lịch thể thao ở Việt Nam: Những cơ hội bị bỏ qua Du lịch thể thao ở Việt Nam: Những cơ hội bị bỏ qua

TT - Báo cáo về du lịch thể thao (sports tourism) của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố ở Hội nghị quốc tế về du lịch thể thao (DLTT) tổ chức năm ngoái tại Đà Nẵng, dẫn nguồn từ Eurosport, ước tính doanh thu toàn cầu từ DLTT vào khoảng 800 tỉ USD, chiếm khoảng 10% doanh thu của du lịch quốc tế.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên