Gia đình tác giả bài viết này tham dự giải chạy quốc tế tại Hạ Long. Ảnh: NVCC |
Ở một số nước, DLTT chiếm tới 25% doanh thu du lịch, một số địa phương của Úc, New Zealand, DLTT chiếm tới 55% doanh thu của du lịch. Những loại hình thể thao có đóng góp lớn nhất cho DLTT thường là golf, bóng đá và điền kinh. Các sự kiện thể thao quần chúng lớn, như các giải chạy đường dài, được coi là những điểm nhấn quan trọng của DLTT.
Dù thể thao với du lịch từ lâu đã được ghép về ngồi chung dưới một mái nhà, nhưng những hoạt động DLTT ở VN cho đến nay hầu như đều xuất phát từ những sáng kiến của khu vực tư nhân. Ví dụ như giải chạy đường dài leo núi Mountain marathon ở Sa Pa tổ chức vào mùa thu hằng năm không chỉ thu hút hàng trăm người Việt tham gia, mà chỉ tính riêng nhóm khách Thái Lan, năm vừa rồi có gần 500 người tham dự. Các giải chạy đường dài và ironman, triathlon ở Đà Nẵng, Nha Trang cũng thu hút cả nghìn người tham dự, năm sau luôn đông hơn năm trước.
VN, nhất là các tỉnh và thành phố ở phía Bắc và ven biển, có những ưu thế và cơ hội rất lớn để phát triển DLTT. Tại hội nghị về DLTT của UNWTO ở Đà Nẵng năm ngoái, các vị đại diện của ngành du lịch - thể thao VN cũng đã nhìn nhận như vậy với sự đồng ý của các học giả và đại diện các cơ quan du lịch quốc tế.
Một ví dụ đơn giản, mùa đông và mùa xuân là những thời gian mà hầu hết các quốc gia châu Âu, Mỹ và Đông Á chìm trong tuyết và lạnh, hạn chế hầu như mọi hoạt động thể thao ngoài trời, trong khi thời tiết ở VN lại rất tuyệt cho những hoạt động như vậy.
Một giải chạy như Vietnam Mountain marathon sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay ở Sa Pa, với phí tham dự là 129 USD cho cự ly 21km, 139 USD cho cự ly 42km và 189 USD cho cự ly 100km, đến thời điểm này đã có 1.099 người trả tiền để đăng ký tham dự, trong đó phân nửa là khách quốc tế. Tất nhiên người chạy cũng sẽ đến Sa Pa và đến VN để còn tiêu tiền, họ còn trả tiền phòng khách sạn, tiền du lịch... Một hoạt động như vậy có thể mang lại cho Sa Pa 30-40 tỉ đồng doanh thu và chính quyền sẽ nhận được khoản thuế từ đó.
Vì vậy, câu chuyện tỉnh Hà Giang phải chi 3 tỉ đồng từ ngân sách để Liên đoàn Điền kinh VN và Tổng cục Thể dục thể thao tổ chức một giải chạy bán marathon với giới hạn là 200 VĐV tham dự đặt trong bối cảnh như vậy, có thể nhận thấy nó lạc lõng thế nào. Không chỉ là một sự dễ dãi với việc chi tiền từ ngân sách, nó còn là sự thiếu nhận thức về những ưu thế và xu hướng của phát triển du lịch.
Tôi biết có không ít tổ chức tư nhân sẵn sàng tổ chức một giải chạy đường mòn ở Hà Giang mà tất cả những gì họ trông đợi ở chính quyền chỉ là hỗ trợ về tổ chức. Có điểm khác biệt ở đây là nếu các tổ chức tư nhân đứng ra tổ chức thì giới hạn số người tham dự một sự kiện như vậy ở Hà Giang hẳn không dừng ở con số gấp 10 lần số lượng mà chính quyền Hà Giang đang mong muốn có.
Và chính quyền sẽ không phải chi ngân sách cho việc đó.
Để xem con số 3 tỉ đồng của Hà Giang định chi ra từ ngân sách là lớn hay nhỏ, hãy so sánh với Giải marathon Hạ Long năm 2016, với gần 1.000 người tham dự và tổng chi phí tổ chức ít hơn 1,5 tỉ (trong đó phí tham dự do người chạy đóng khoảng 900 triệu đồng) sẽ thấy ngay hiệu quả. Chưa kể, nếu xét về tổ chức, giải Hạ Long (và nhiều giải chạy khác của “tư nhân”) thời gian chạy sẽ được tính và giám sát bằng chip đo thời gian gắn trên giày chạy hoặc trên bib thi đấu, giải ở Hà Giang không có.
Cho nên, cái mà người ta cần ở các cơ quan công quyền là một tư duy kiến tạo, xây dựng và sự lắng nghe. Nhưng tôi không trách Hà Giang vì địa phương này chưa có kinh nghiệm trong chuyện kết hợp thể thao với du lịch, mà chỉ buồn cho Liên đoàn Điền kinh VN và Tổng cục Thể dục thể thao, những địa chỉ đã hội nhập quốc tế từ rất lâu, nhưng vẫn để cho tỉnh nghèo Hà Giang tiêu tiền ở giải chạy diễn ra ở đèo Mã Pí Lèng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận