Trong đại dịch COVID-19, Ấn Độ chịu những tổn thất rất nặng nề về con người và các ngành kinh tế. Tuy nhiên đến nay, chỉ qua ba TP lớn kể trên khách du lịch cũng có thể nhận thấy sự hồi sinh của kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.
Từ sân bay Indira Gandi về trung tâm New Delhi, dù đã 11h đêm nhưng trên xa lộ mỗi bên tám làn xe vẫn đông nườm nượp, trong đó rất nhiều xe chở các đoàn khách du lịch. Từ New Delhi đến Agra hay Jaipur khoảng 300km, phải nghỉ 1 - 2 lần tại trạm dừng, nơi có đầy đủ nhà vệ sinh, shop hàng thủ công mỹ nghệ, cà phê, ăn nhẹ... sạch sẽ và tiện lợi.
Bắt đầu mùa du lịch cao điểm vì thời tiết lạnh vừa phải, nhiều nơi như ở vùng Kasmir đã có tuyết và băng giá... Tất cả đều làm tăng thêm những vẻ đẹp vốncó trên đất nước có lịch sử hàng ngàn năm văn minh này.
Với những kỳ quan thế giới như lăng mộ Taj Mahal và những thành cổ, lâu đài, hàng ngàn điểm tham quan nổi tiếng như các đền thờ Hồi giáo, Hindu giáo và Phật giáo, du lịch Ấn Độ là một lựa chọn hấp dẫn với nhiều người.
Vì vậy du lịch luôn là một ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của quốc gia 1,4 tỉ dân này. Tại các nơi tôi đến luôn nườm nượp du khách. Lượng du khách đến với các di tích - đồng thời cũng là các công trình tôn giáo - tín ngưỡng rất đông.
Quan sát và tìm hiểu, tôi được biết phần lớn du khách thuộc nhiều tín ngưỡng tôn giáo, người nước ngoài còn chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn so với du khách trong nước, do chưa phải mùa hè hay kỳ nghỉ Giáng sinh - năm mới.
Mở cửa sau đại dịch, các công ty du lịch Ấn Độ đã năng động tìm nguồn khách, ưu tiên khuyến khích tìm nguồn khách nội địa, trong khi chính quyền có các chính sách để mở rộng và tạo điều kiện cho người dân tham gia lĩnh vực du lịch.
Đặc biệt có khá nhiều đoàn du khách hành hương đến những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng, ở đó họ được trải nghiệm những ngày tĩnh tâm, chay tịnh thật sự, để tìm lại sự an nhiên trong tâm hồn, có thêm nguồn năng lượng vui sống.
Đây là một sản phẩm đặc trưng ngày càng thu hút nhiều du khách nước ngoài đến Ấn Độ, bởi yếu tố tâm linh truyền thống được bảo tồn nghiêm cẩn, không bị cơn bão thị trường lùa vào.
Tôi quan sát có thể nhận thấy sự phân chia đẳng cấp theo truyền thống hay phân hóa xã hội của thời hiện đại, có thể nhận thấy rõ sự chênh lệch lớn giữa những khu thượng lưu và "xóm nhà lá", giữa TP và nông thôn...
Nhưng việc tôn trọng và bảo vệ di sản văn hóa bất kể đó là của cộng đồng nào, tôn giáo nào, cùng với sự đầu tư đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách... đã làm cho ngành du lịch phát triển. Bảo tồn di sản văn hóa đã trở thành quốc sách của Ấn Độ, góp phần vào kinh tế di sản và nhất là duy trì những đức tin hướng thiện cho con người hiện nay.
Tôi cho rằng đây là bài học rất đáng suy nghĩ với du lịch nhiều quốc gia hậu dịch COVID-19, trong đó có du lịch Việt Nam, khi Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) vừa cho hay thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế (chỉ tiêu là đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD), đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau dịch.
Thủ tục thông thoáng và sự tiện lợi cho du khách là vấn đề quan trọng, song với du lịch, vấn đề then chốt vẫn là cái hay, cái đẹp, cái độc đáo để thu hút du khách. Việt Nam không thiếu di sản, song khai thác nét đẹp và độc đáo của di sản là vấn đề quyết định để du khách lựa chọn là điểm đến hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận