Du khách đến những địa phương này không chỉ để du lịch, tham quan các công trình lịch sử, các tour truyền thống mà còn muốn tận mắt nhìn thấy, thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp du lịch
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch xây dựng, phát triển có hiệu quả mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái trong xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa năm 2024 và giai đoạn 2025 - 2030.
Mục tiêu của kế hoạch trong năm 2024 là ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Liên minh Hợp tác xã - Sở Du lịch - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, tổ chức liên hoan ẩm thực truyền thống;
Xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng, tư vấn 1 hợp tác xã du lịch cộng đồng đạt chứng nhận OCOP 3 sao, hỗ trợ xây dựng các cụm pa nô, biển chỉ dẫn, mẫu mã, bao bì sản phẩm…
Từ năm 2025 - 2030 sẽ hỗ trợ thành lập mới 5 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái.
Hằng năm có các hoạt động xúc tiến các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các tỉnh thành, quảng bá bằng công nghệ số cho các hợp tác xã, tập huấn kỹ năng viết các tin, bài quảng bá về mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cộng đồng các trang mạng xã hội (YouTube, Facebook, TitTok...).
Để sản phẩm OCOP giữ chân du khách
Chị Lê Thanh Thủy (du khách Vũng Tàu) cho hay đến Khánh Hòa ngoài đi tour biển đảo, chị còn muốn mua chả cá ở huyện Vạn Ninh.
"Tôi hay lướt TikTok thấy chị chủ ở đây làm chả cá OCOP rất sạch sẽ, ngon mắt, tôi định mua số lượng nhiều về làm quà tặng người thân, bạn bè. Đến mua tận xưởng mình vừa chọn được hàng ngon, vừa có cơ hội được đi tham quan một điểm đến mới", chị Thủy nói.
Anh Nguyễn Phi Trường, chủ trang trại dừa Phượng Hoàng Farm (xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa), cho hay đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đưa sản phẩm dừa xiêm hữu cơ đạt chứng nhận OCOP.
Hiện khu vườn của anh là điểm tham quan cho các đoàn học sinh, nông dân và du khách.
Đồng thời anh còn thành lập Hợp tác xã Canh nông - Du lịch xanh Phượng Hoàng nhằm liên kết, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con trồng dừa theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Anh Trường cho hay vườn dừa rộng 4ha được trồng hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ từ phân bón, cách chăm sóc. Chủ vườn nói các nhóm khách đến đây rất thích khi được đi dưới tán dừa, uống nước dừa ngay tại vườn, trên mỗi trái dừa cũng được dán mã QR giới thiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
"Bất kỳ nhà vườn nào cũng mong muốn tìm đầu ra, quảng bá sản phẩm bền vững, trong đó việc phát triển du lịch là phương thức hiệu quả nhất", anh Trường nói.
Ông Trần Minh Đức, phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho hay phát triển các mô hình hợp tác xã du lịch nông nghiệp không chỉ khai thác được lợi thế của các địa phương, mà còn tạo thêm việc làm cho người dân nông thôn, hình thành sản phẩm du lịch sinh thái.
"Đừng chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mà từ sản phẩm đó phải biết cách quảng bá du lịch. Doanh nghiệp, nhà nông nên đẩy mạnh đầu tư dịch vụ, cơ sở hạ tầng như một vườn bưởi da xanh nên bố trí thêm các mương câu cá, khu vực tham quan, cắm trại... để tạo thành một chuỗi liên kết" - ông Đức đề xuất.
Ngoài ra, theo ông, cần mở các khóa học đăng bài viết, chạy quảng cáo cho những điểm đến du lịch OCOP này vì khi nhắc đến một sản phẩm, đặc sản du khách sẽ nhớ ngay đến địa phương đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận