Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng của các địa phương bên lề hội nghị - Ảnh: N.BÌNH
Chia sẻ tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngành du lịch cần xem ứng dụng công nghệ vào du lịch là điểm nhấn của phát triển du lịch an toàn, bền vững, cần cố gắng làm nhanh khi thị trường quốc tế chưa mở cửa.
"Phát triển du lịch cần tập trung tối đa về công nghệ, làm sao phấn đấu đưa du lịch lên smartphone" - ông Vũ Đức Đam nói, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp (DN) cập nhật đầy đủ thông tin lên bản đồ chống dịch.
An toàn phải được đặt lên hàng đầu
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi du lịch quốc tế chưa thể phục hồi, thị trường trong nước sẽ giúp các DN du lịch tồn tại và chuẩn bị cho bước phục hồi tiếp theo. Tuy nhiên, chung sống an toàn với dịch bệnh là yêu cầu đầu tiên. "Cố giữ thị trường nội địa. Đầu tiên phải an toàn, phải làm một cách thực sự chặt chẽ, kết nối vô cùng quan trọng", ông Đam khuyến cáo.
Bài học từ đợt dịch cuối tháng 7 cho thấy không chỉ Tổng cục Du lịch mà các địa phương cũng chưa kiểm soát hết những cơ sở lưu trú không phải là khách sạn. Chẳng hạn, trong đợt dịch đầu tiên, các cơ quan phòng chống dịch đã phát hiện khoảng 80.000 cơ sở loại này. Do đó, các cơ sở lưu trú đã được yêu cầu phải thực hiện kiểm soát phòng dịch nghiêm ngặt cũng như cập nhật thông tin an toàn lên bản đồ chống dịch.
Những địa phương có ngành du lịch phát triển như TP.HCM, Quảng Ninh cần yêu cầu các cơ sở liên quan đến du lịch cung cấp thông tin lên bản đồ an toàn dịch. "Dịch còn kéo dài, việc siết chặt quản lý bây giờ cực một chút nhưng tốt về lâu dài. Các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch phải tuân thủ nghiêm quy định chống dịch và phải cập nhật lên bản đồ an toàn. Chúng ta không có cách nào khác", ông Vũ Đức Đam nói.
Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, các liên kết du lịch vùng phải bắt tay nhau vẽ được bản đồ số, không chỉ là thông tin về điểm đến an toàn mà phải làm rõ các sản phẩm đặc thù.
"Các bản đồ giúp ngành du lịch không phát triển lệch hướng, khẳng định mỗi vùng có vị thế của mình, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Lúc đó các sản phẩm dù "lên rừng hay xuống biển" cũng đa dạng vô cùng", ông Hùng nói.
Đặc sản của nhiều địa phương được giới thiệu tại hội nghị - Ảnh: N.BÌNH
Phát huy thế mạnh du lịch từng địa phương
Cũng tại diễn đàn, các DN thừa nhận dù có môi trường du lịch hấp dẫn, có sản phẩm, dịch vụ tốt nhưng một địa phương hay một DN du lịch không đủ năng lực để tạo nên sức mạnh đột phá giúp hồi sinh thị trường du lịch. Do vậy, việc liên kết và làm sao thắt chặt liên kết lúc này là cần thiết để tạo bàn đạp cho du lịch vượt bão, từng bước vươn lên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bà Trần Nguyện, giám đốc kinh doanh Sun Group, cho biết cũng như nhiều DN dịch vụ, du lịch khác, Sun Group đã và đang gánh chịu những tổn thất nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Xác định rõ tâm thế "đối mặt với sự thật phũ phàng nhưng không đánh mất niềm tin", DN càng chú ý hơn yếu tố an toàn và sự liên kết.
"Tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ vì dịch, chúng tôi tập trung làm mới bằng việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm tập trung vào dòng sức khỏe, nghỉ dưỡng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống nhằm đón đầu xu hướng du lịch mới. Sự chuyển hướng này đã bước đầu đem đến những tín hiệu lạc quan", bà Nguyện cho biết.
Bà Hương Trần Kiều Dung, phó chủ tịch Tập đoàn FLC, cũng cho rằng giải pháp quan trọng là phát triển các sản phẩm đặc thù. Chẳng hạn TP.HCM có thế mạnh về du lịch hội họp, khám phá, trong khi các tỉnh Đông Bắc là phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa bản địa. Sự liên kết sẽ giúp đa dạng hóa, tạo ra những trải nghiệm phong phú cho du khách hai chiều.
Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist, cho rằng đây cũng là tinh thần chính trong các tour mới của DN đến Đông Bắc, đó là kết hợp giữa Tây và Đông Bắc trên cơ sở khai thác đa dạng tài nguyên du lịch về văn hóa - lịch sử, di sản, thắng cảnh, con người, ẩm thực đặc trưng của từng địa phương.
"Chúng tôi xây dựng không chỉ tour trọn gói mà còn các combo dịch vụ, đưa dịch vụ cao cấp trước đây dành cho khách quốc tế vào tour nội địa, theo các dòng sản phẩm "Ta đi tour Tây", hướng đến dòng tour cao cấp cho toàn vùng, những sản phẩm mà trước đây chỉ có du khách nước ngoài sử dụng", ông Tài cho biết.
TP.HCM thỏa thuận liên kết với 8 tỉnh Đông Bắc
Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với 8 tỉnh Đông Bắc (giai đoạn 2020 - 2025) gồm 3 nội dung hợp tác: Công tác quản lý nhà nước về du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch và Quảng bá xúc tiến du lịch.
Nguyên tắc liên kết là dựa trên tinh thần tự nguyện, có kế hoạch cụ thể, không hạn chế về quy mô, lĩnh vực hợp tác nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của các tỉnh, thành phố nói chung và mỗi địa phương nói riêng.
Trong quá trình liên kết, các địa phương tham gia bảo đảm đồng thuận, phát huy vai trò chủ động, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau, tạo hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, DN tham gia hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội, hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Theo đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn, các sở ngành của các địa phương sẵn sàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường khách du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc thông qua điểm đến liên tuyến. UBND TP.HCM và UBND 8 tỉnh Đông Bắc cũng tăng trao đổi thông tin về kế hoạch phát triển du lịch với nội dung hợp tác cụ thể, thông báo rộng rãi để DN du lịch ở các địa phương nắm bắt được thông tin nhằm chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch với hình thức và nội dung hợp tác cụ thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận