Video người đàn ông quậy phá, bẻ gãy bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn
Ngày 24-5, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một người đàn ông leo lên ngai vàng triều Nguyễn - bảo vật quốc gia hiện đặt tại điện Thái Hòa (Đại nội Huế), rồi quậy phá.
Sau khi thông tin trên Tuổi Trẻ Online, rất nhiều bạn đọc đã phản hồi với thái độ bức xúc, phẫn nộ với hành vi của du khách nam này.
Vào tham quan rồi bẻ gãy ngai vàng triều Nguyễn
Trong clip, một người đàn ông đã vượt qua hàng rào bảo vệ, leo lên ngồi xếp bằng trên ngai vàng triều Nguyễn trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó người này đã bẻ gãy phần bệ tì tay của ngai vàng thành nhiều khúc.
Clip được cho là của một du khách nước ngoài quay lại khi đang tham quan điện Thái Hòa vào trưa 24-5.
Trích xuất từ camera cho thấy thời điểm xảy ra sự việc, hai nhân viên bảo vệ đều có mặt tại khu vực.
Nhằm đảm bảo an toàn cho các hiện vật, lực lượng bảo vệ đã theo dõi từ xa, liên tục nhắc nhở đối tượng ra ngoài và đồng thời gọi điện xin hỗ trợ. Đến 12h10, người đàn ông được khống chế giao Công an phường Đông Ba xử lý.
Lực lượng công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Tuy nhiên đến hiện tại, cơ quan chức năng chưa thể lấy lời khai do người đàn ông này có biểu hiện loạn thần, liên tục la hét và không thể trả lời các câu hỏi điều tra.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đưa ngai vàng triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa ngai phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.
Chiều 25-5, Công an TP Huế cho biết đang tạm giữ hình sự Hồ Văn Phương Tâm (42 tuổi, quê phường Hương Long, TP Huế; thường trú tại quận Bình Tân, TP.HCM) để điều tra về hành vi bẻ gãy bảo vật quốc gia ngai vàng triều Nguyễn xảy ra tại khu vực điện Thái Hòa thuộc Đại nội Huế.
Qua sự việc này, nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề về biện pháp bảo vệ bảo vật quốc gia. Theo bạn đọc Trần Lan, biện pháp bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm hại hiện vật quý còn nhiều sơ hở. Đề nghị xử lý thật nghiêm và bồi thường thỏa đáng hiện vật bị hư hại.
"Ngai vàng của vua là báu vật và phải được bảo vệ tương xứng, đóng trong lồng kính cường lực. Không thể để ai cũng có thể leo trèo lên đó ngồi và chụp ảnh", bạn đọc Binh góp ý.

Ngai vàng triều Nguyễn bị Hồ Văn Phương Tâm bẻ gãy thành nhiều khúc - Ảnh: MXH
* Cơn mưa trưa 24-5, tại khu vực check-in làm thủ tục của Vietnam Airlines ở nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, vốn đầu tư 11.000 tỉ đồng tiếp tục bị dột, nước chảy từng dòng xuống sàn.
Đây là công trình vừa được khánh thành hôm 19-4.
Đáng chú ý, đây là lần thứ hai nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất bị dột nước mưa, gây lo ngại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), đơn vị phụ trách thi công phần mái, xác nhận tình trạng nước chảy từ trên trần nhà xuống dưới sảnh, ngay khu vực của Vietnam Airlines trưa 24-5. Đây không phải là dột nước như trận mưa trước.
Dù Hancorp đã triển khai khắc phục sau sự cố đầu tiên vào ngày 7-5, trận mưa ngày 24-5 cho thấy hiện tượng thấm dột vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều bạn đọc đã phản hồi bày tỏ sự lo lắng. Bạn đọc Trung viết: "Chỉ mới đưa vào vận hành mà bị lỗi như vậy. Rất mong công trình được rà soát xem xét kỹ".
Xúc động người vợ quỳ gối khóc tiễn biệt tạng của chồng
Sáng sớm 23-5, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra một cuộc phẫu thuật đặc biệt. Anh Đ.V.L., 37 tuổi, chết não sau cơn xuất huyết não đã hiến 7 tạng gồm tim, phổi, gan, 2 thận và 2 giác mạc, hồi sinh sự sống cho nhiều người.
Khi các y, bác sĩ đưa tạng ra khỏi phòng mổ, chuẩn bị lên đường đến bệnh viện khác để ghép, người vợ mắt đẫm lệ quỳ gối, bàn tay run run chạm nhẹ vào từng hộp bảo quản vô trùng - nơi chứa đựng tim, gan, phổi, thận và giác mạc của chồng, như một lời chào tiễn biệt thiêng liêng dành cho từng phần cơ thể của anh.
Nhiều người đã không kìm được xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của gia đình khi đồng ý hiến tạng, giúp những người bệnh khác được sống tiếp.
Một câu chuyện khác cũng làm lay động trái tim của nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online trong tuần là chị Phạm Thị Ng., 47 tuổi, quê tại thôn Hoàng Xá, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vào TP.HCM vay tiền chữa bệnh cho chồng nhưng không liên lạc được với người thân.
Sau những ngày không nơi tá túc, ăn mì tôm mang theo, xin nước uống qua ngày, chị Ng. đã lẻn vào văn phòng của đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam tại khu vực ga Sài Gòn, tìm cách trốn vé để lên tàu về Hà Nội.
Trước hoàn cảnh của chị, thay vì xử lý theo quy định, trưởng tàu SE4 và các nhân viên đường sắt trên tàu đã chủ động quyên góp tiền để mua vé tặng vị khách đặc biệt này. Đồng thời cung cấp các bữa ăn miễn phí trên tàu trong hành trình ngày 22-5 từ TP.HCM đến Hà Nội.
* Tại sao phải tăng mức xử phạt vi phạm giao thông lên đến 200 triệu đồng?
Thảo luận tại tổ về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Quốc hội chiều 16-5, thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên tới 200 triệu đồng.
Trước đề xuất này nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã bày tỏ băn khoăn tại sao phải tăng mức phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng?
* Vì sao phải vượt 2.000km lên miền núi để học tập kinh nghiệm chuyển đổi số cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online nêu thắc mắc.
Mới đây Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi đến các trường thông báo kế hoạch đi tỉnh Hà Giang học tập kinh nghiệm về công tác thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.
Dù sau đó kế hoạch "học tập kinh nghiệm chuyển đổi số giáo dục" đã được UBND huyện Vĩnh Cửu yêu cầu dừng lại, nhưng không ít bạn đọc tiếp tục đặt vấn đề về cách tổ chức đi học tập kinh nghiệm này.
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại Đường dây nóng và Zalo 0918.033.133, email bandoc@tuoitre.com.vn, tto@tuoitre.com.vn, fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận