12/02/2022 10:47 GMT+7

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: Vì sao chỉ định thầu?

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ngày 11-2, Chính phủ ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025: Vì sao chỉ định thầu? - Ảnh 1.

Thi công hầm Tam Điệp thuộc dự án thành phần Mai Sơn - quốc lộ 45 - Ảnh: TRẦN HUY HÙNG

Theo nội dung nghị quyết, hình thức lựa chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp cho 12 dự án thành phần của dự án này là chỉ định thầu.

Đấu thầu cạnh tranh công khai hơn nên chỉ định thầu cần có trách nhiệm rất lớn của người xem xét hồ sơ và ra quyết định chỉ định thầu. Người ký hợp đồng với nhà thầu qua chỉ định thầu phải có trách nhiệm đến cùng với việc lựa chọn nhà thầu đó.

PGS.TS TRẦN CHỦNG (chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam)

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu với các gói xây lắp

Theo nghị quyết, Bộ GTVT là cơ quan thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các dự án thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định pháp luật về đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của dự án theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong hai năm 2022 và 2023 đối với gói thầu xây lắp các dự án thành phần, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng) và các gói thầu quan trọng khác nếu thấy cần thiết về tư vấn liên quan đến dự án, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật... trên cơ sở đề xuất của bộ trưởng Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Về tiến độ thực hiện dự án, Chính phủ giao Bộ GTVT bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương theo từng giai đoạn, cơ bản hoàn thành trước ngày 30-6-2022 để địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng. 

UBND các tỉnh, TP đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11-2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2-2023.

Bộ GTVT có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các dự án thành phần, đảm bảo tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt 12 dự án thành phần, hoàn thành trước ngày 30-6-2022, thực hiện các công việc tiếp theo đảm bảo khởi công trước ngày 31-12-2022; triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31-3-2023.

Để tạo thuận lợi cho việc cung cấp vật liệu cho dự án, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù trong khai thác các mỏ cát, đất, đá làm vật liệu thi công dự án; quy định trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong triển khai dự án.

Chỉ định thầu để thực hiện dự án nhanh hơn

Trước đó, trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ GTVT tham mưu Chính phủ thực hiện chỉ định thầu với nhà thầu tư vấn dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 nhằm rút ngắn được thời gian chọn nhà thầu so với đấu thầu. Như vậy sẽ có thêm thời gian tập trung cho thi công, xây lắp đảm bảo tiến độ Quốc hội yêu cầu.

Ông Thể khẳng định chỉ định thầu sẽ không ảnh hưởng gì chất lượng dự án. Bởi hồ sơ chọn nhà thầu có tiêu chí cụ thể về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu. Ai đáp ứng được yêu cầu thì được đưa vào danh sách xem xét tuyển chọn. 

Việc chỉ định thầu ở dự án cải tạo, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng đã được Bộ GTVT thực hiện như vậy.

Theo tính toán của Bộ GTVT, với lựa chọn nhà thầu tư vấn qua chỉ định thầu sẽ có tổng thời gian thực hiện quy trình, thủ tục 29 ngày, nếu đấu thầu rộng rãi trong nước cần 58 ngày cho các khâu này. 

Với lựa chọn nhà thầu xây lắp qua chỉ định thầu, tổng thời gian thực hiện quy trình, thủ tục là 41 ngày, nếu đấu thầu rộng rãi trong nước cần 76 ngày.

Như vậy, sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, việc triển khai công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư; gói thầu tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật; gói xây lắp theo hình thức chỉ định thầu sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án được khoảng 3 tháng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Chủng - chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - cho biết chỉ định thầu cũng là một trong những cách thức lựa chọn nhà thầu theo Luật đấu thầu. 

Yêu cầu về mặt kỹ thuật liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu qua chỉ định thầu và đấu thầu không có sự khác biệt nhau nhiều. Cả hai cách thức đều yêu cầu nhà thầu có hồ sơ chứng minh được điều kiện, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật...

"Những yêu cầu hồ sơ chọn nhà thầu tư vấn, xây lắp qua chỉ định thầu cũng giống như đấu thầu nhưng tiết giảm được thời gian hơn so với đấu thầu. 

Đấu thầu cạnh tranh công khai hơn nên chỉ định thầu cần có trách nhiệm rất lớn của người xem xét hồ sơ và ra quyết định chỉ định thầu. 

Người quyết định, ký hợp đồng với nhà thầu qua chỉ định thầu phải có trách nhiệm đến cùng với việc lựa chọn nhà thầu đó", ông Chủng cho biết.

Gắn trách nhiệm người ký hợp đồng về kiểm soát, giám sát nhà thầu

PGS.TS Trần Chủng cho biết sau khi ký hợp đồng với nhà thầu, chủ đầu tư phải lật hồ sơ bài thầu ra xem người này, thiết bị này, tổ chức thực hiện có đúng không. Không để hồ sơ dự thầu cam kết dùng thợ bậc 7, bậc 8 nhưng ra công trường là lao động thời vụ.

"Việc quản lý nhà thầu thực hiện công việc theo hợp đồng rất quan trọng nên phải gắn trách nhiệm của người chỉ định thầu.

Có thể Thủ tướng đồng ý chỉ định thầu hay giao Bộ GTVT, các ban quản lý dự án trực tiếp ký hợp đồng, nhưng đều phải gắn trách nhiệm người ký hợp đồng về kiểm soát, giám sát nhà thầu thực hiện đúng các nội dung đã cam kết trong hồ sơ thầu.

Dù có cơ quan này, cơ quan khác tham vấn nhưng không phải một hội đồng ra quyết định chỉ định thầu mà là người quyết định cuối cùng, ký hợp đồng phải chịu trách nhiệm. Bởi vì hợp đồng kinh tế có giá trị pháp lý cao nhất khi xử lý tranh chấp trước trọng tài hay tòa án", ông Chủng lý giải.

Thủ tướng quyết định chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 Thủ tướng quyết định chỉ định thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025

TTO - Đó là một trong những nội dung của nghị quyết số 18/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 11-2 triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên