Người yêu bóng đá cần những nụ cười chứ không phải sự đe dọa từ pháo sáng trên khán đài - Ảnh: N.KHÔI
Làm gì để sân cỏ trở thành “chốn bình an” trong việc thưởng ngoạn cái đẹp của bóng đá?
Trả lời câu hỏi này của Tuổi Trẻ, CĐV đều cho rằng quan trọng nhất là ý thức của từng người và từng hội CĐV cần phải tuyên truyền "văn hóa cổ vũ" cho các hội viên của mình.
Ông Trần Văn Hồng (chủ tịch Hội CĐV SHB Đà Nẵng):
Không có gì bằng "hàng rào ý thức"
Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người bởi có cấm đoán, kiểm tra chặt chẽ pháo sáng từ bên ngoài sân nhưng CĐV không có ý thức cũng không giải quyết triệt để được nạn đốt pháo sáng.
Bởi vì CĐV khi đi xem buổi tập của đội bóng một ngày trước khi trận đấu diễn ra đã đem pháo sáng vào sân, giấu ở ghế ngồi hoặc chỗ nào đó (do khi tập không có an ninh kiểm tra). Hôm trận đấu diễn ra, họ chỉ việc vào sân, lấy pháo sáng ra và đốt. Việc kiểm tra an ninh ngoài sân khi đó là vô nghĩa.
Ở Hội CĐV SHB Đà Nẵng, chúng tôi luôn kêu gọi mọi người cổ vũ cuồng nhiệt nhưng không quá khích. Để làm được việc này, ban điều hành ngoài việc phải có kinh nghiệm còn phải thật gần gũi, nhắc nhở anh em trong hội.
Với sự việc đáng tiếc vừa qua của CĐV Nam Định, tôi thiết tha kêu gọi tất cả anh chị em các hội CĐV bóng đá VN nói chung và các hội CĐV của CLB nói riêng rằng chúng ta vào sân cổ vũ có văn hóa, văn minh và không nên dùng pháo sáng.
Ngày 10-10 tới, đội tuyển VN sẽ tiếp Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình, dứt khoát không tái diễn cảnh đốt pháo sáng, làm sứt mẻ hình ảnh của bóng đá VN.
CĐV đốt pháo sáng, LĐ BĐVN (VFF) hoặc CLB sẽ bị phạt tiền. Số tiền đó lẽ ra dùng để thưởng cho các cầu thủ khi họ đá hay đá đẹp trên sân thì lại phải dùng để đóng phạt, thật quá vô lý.
Chị Đỗ Hoàng Yến Phúc (hội trưởng Hội CĐV Ngôi sao vàng VN - VGS):
Đốt pháo sáng, chúng ta trở thành hooligan
CĐV chân chính luôn đi cổ vũ cho đội nhà cuồng nhiệt trong khuôn khổ luật pháp chứ không phải đem về những bất lợi cho CLB. Đốt pháo sáng khi cổ vũ với nhiều người có thể đem lại sự phấn khích.
Nhưng cái gì bị cấm, không nên vi phạm. Với VGS, nói không với pháo sáng là nội quy được đưa lên đầu tiên đối với mỗi thành viên. Nếu đồng ý với nội quy đó, chúng tôi mới chấp nhận cho người đó gia nhập VGS và cùng cổ vũ với hội.
Chúng tôi đưa ra nội quy nhằm đánh vào ý thức của các thành viên: đốt pháo sáng là việc FIFA cấm, dứt khoát chúng ta không nên vi phạm. Chúng ta đi cổ vũ là đem lại lợi ích cho đội tuyển, cho CLB chứ không phải đem lại cái khó cho họ. Còn đốt pháo sáng, quậy phá, chúng ta đã thành hooligan.
Do đó, các CLB cũng như hội CĐV cần có sự tuyên truyền và nói chuyện nghiêm túc với các thành viên của mình về tác hại và sự nguy hiểm của pháo sáng và pháo dù khi đốt và bắn ra trên khán đài. Chuyện ra án phạt như hiện nay của VFF khi phạt ban tổ chức sân và cấm CĐV đến sân khách cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.
Nếu có phạt thì cần phạt CĐV đội khách đốt pháo sáng không được vào sân nhà của mình để cổ vũ. Khi đó, họ sẽ phải điều chỉnh hành vi cổ vũ của mình.
Cựu HLV đội tuyển bóng đá nữ VN, ông Steve Darby:
Cần loại trừ những CĐV phạm luật
Trong bóng đá, sự "căm ghét" giữa các CLB khiến cuộc đấu thêm hấp dẫn hơn. Nhưng sự "thù địch" hoàn toàn có thể diễn ra một cách hòa bình và sòng phẳng như trận derby vùng Merseyside giữa Liverpool và Everton.
CĐV Liverpool và Everton rất ghét nhau, thậm chí CĐV Everton mong muốn Liverpool mất chức vô địch chẳng kém gì CĐV M.U. Nhưng họ rất hiếm khi xung đột nhau. Bóng đá chỉ nên là bóng đá.
Bóng đá thế giới từng chứng kiến nhiều thảm họa trên khán đài, như vụ Hillsborough (năm 1989, khán đài đổ sập khiến 96 CĐV Liverpool thiệt mạng). Trước những bài học đó, các CĐV sẽ không dại dột đâm đầu vào bạo lực.
Ngày nay, các CĐV có nhận thức tốt hơn trước, những thành phần quá khích chỉ là một vài nhóm nhỏ, số rất ít và lực lượng an ninh có thể kiểm soát được những người như vậy. Ở Anh, một CĐV phạm luật sẽ bị cấm đến sân trong thời gian dài, thậm chí là vĩnh viễn. Chính các hội CĐV có trách nhiệm loại trừ những kẻ như vậy.
Cựu tuyển thủ Tài Em:
Mong chờ pháp luật sớm được thực thi
Chẳng ai thoát được cảm giác sợ hãi khi thấy những viên pháo được bắn đi từ khán đài B sang khán đài A sân Hàng Đẫy vào tối 11-9. Đó là sự phá hoại bóng đá chứ không phải là sự cổ vũ cuồng nhiệt.
Không ai cấm người hâm mộ cổ vũ nhiệt tình trong một trận đấu. Nhưng cần phải ý thức được rằng sự cổ vũ ấy cần phải nằm trong giới hạn và mức độ cho phép, chứ không thể tùy tiện gây hấn, chủ động gây hấn với CĐV đội khách hoặc sử dụng vật liệu cháy nổ để xâm phạm đến tính mạng của người khác.
Khán giả trên các sân ở Indonesia, Malaysia, Myanmar, Thái Lan vốn nổi tiếng bởi sự cuồng nhiệt, cháy bỏng hết mình. Nhưng khi tôi còn thi đấu trong màu áo CLB hay đội tuyển quốc gia, chưa khi nào tôi bắt gặp họ vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng và đầy hiểm nguy như những gì diễn ra tối 11-9.
Tôi khẩn thiết và mong chờ pháp luật phải được thực thi ở mức cao nhất, hòng mang lại sự an tâm thật sự cho những ai đến với sân bóng vào mỗi dịp cuối tuần.
Bạn đọc N.H.M. (CĐV đội TP.HCM):
Cứ thế này, chắc phải ngồi nhà xem bóng đá
Với người yêu bóng đá, không gì thích hơn là đến sân để cổ vũ đội nhà, thưởng thức những pha bóng đẹp trên sân cỏ. Nhưng cho đến khi nào những kẻ cố tình xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác chưa bị lôi ra ánh sáng, chưa bị trừng phạt đúng mức, tôi buộc phải ngồi nhà để xem truyền hình trực tiếp.
Có lẽ đó là cách cổ vũ "tiêu cực" vào thời điểm này. Nhưng ít ra nó cũng là cách làm tích cực - ít nhất với bản thân là một phụ nữ như tôi, bởi tôi sẽ không có nguy cơ đối mặt với các loại pháo tiềm ẩn vô vàn sự nguy hiểm. Tôi sẽ trở lại với sân bóng cho đến khi nào giới chức hữu trách có những biện pháp bảo vệ khán giả, cầu thủ, trọng tài... một cách an toàn nhất.
Người yêu bóng đá cần những nụ cười chứ không phải sự đe dọa từ pháo sáng trên khán đài - Ảnh: N.KHÔI
Khởi tố vụ bắn pháo sáng ở sân Hàng Đẫy
Ngày 14-9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ" để điều tra hành vi bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy khiến nữ CĐV Huyền Anh phải nhập viện cấp cứu do pháo sáng bắn trúng đùi.
Chị được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu và sẽ phải phẫu thuật hai lần để điều trị vết thương, loại bỏ phần da thịt rách nát hở tận xương.
Lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết đã chỉ đạo đội cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan có mặt tại hiện trường, tiến hành rà soát, thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức lấy lời khai của các nhân chứng, nhân viên bảo vệ, bị hại, những người liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.
Công an cũng triệu tập 14 CĐV người Nam Định để lấy lời khai, sau khi xác định được người đốt pháo sáng sẽ căn cứ vào hành vi, hậu quả để có các biện pháp tố tụng theo quy định.
Theo ghi nhận, có đến hàng chục quả pháo sáng ở khu vực khán đài B sân Hàng Đẫy đã được đốt. Trong quá trình cảnh sát cơ động tiếp cận tìm người đốt pháo, có chiến sĩ thuộc trung đoàn cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội đã bị thương, gãy tay và 1 chiến sĩ khác bị nôn mửa, choáng váng phải vào bệnh viện cấp cứu.
THÂN HOÀNG
Nguồn gốc của hooligan
Hooligan là từ được người Anh, sau này là cả thế giới, gọi chung cho những CĐV quá khích. Nguồn gốc của từ này đến từ cuối thế kỷ 19 với nhiều giai thoại khác nhau.
Những năm đầu thế kỷ 20, "hooligan" trở thành một thuật ngữ đi vào cả tòa án để chỉ những băng nhóm côn đồ trẻ tuổi. Riêng trong thể thao, từ "hooligan" được sử dụng nhiều cho môn bóng đá từ thập niên 1960-1970.
Đó là khoảng thời gian mà nạn bạo lực khán đài hoặc bên lề sân cỏ bùng nổ dữ dội nhất. Một báo cáo cho thấy từ năm 1961-1968 ở Anh có đến 25 vụ bạo loạn mỗi mùa giải, tăng gấp đôi so với những thập niên trước đó.
Các CĐV của một đội bóng căm ghét đối thủ không phải chỉ vì truyền thống đối đầu trên sân cỏ, mà còn vì thành phần xuất thân, giai cấp, những va chạm trong xã hội.
H.Đ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận