Chị H.A thời điểm mới được đưa vào Bệnh viện Xanh pôn tối 11-9 (ảnh: BVCC)
Sáng sớm 12-9, sau khi được phẫu thuật cắt lọc vết thương, bệnh nhân Huyền Anh đã được chuyển lên khoa bỏng Bệnh viện Xanh Pôn.
Theo bác sĩ Nguyễn Nam Giang, trưởng khoa bỏng, bệnh nhân không bị bỏng mà sức công phá của thuốc nổ trong quả pháo sáng đã làm "bay" mảng đùi diện tích tới 15x30 cm.
Bác sĩ Giang chia sẻ việc điều trị các vết thương do hỏa khí thường rất khó khăn, nếu sức đề kháng của bệnh nhân kém thì thời gian điều trị sẽ dài.
Với trường hợp bệnh nhân Huyền Anh, thời gian điều trị sẽ khoảng 15 ngày. "Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng đau nhiều ở vết thương" - bác sĩ Giang cho hay.
Theo bác sĩ Giang, rất may chị H.A không bị tổn thương ở xương, vết thương chỉ ở phần mềm nhưng do vị trí bị tổn thương lớn nên quá trình bình phục cũng kéo dài.
"Hành vi đốt pháo nổ, pháo cháy đã bị nhà nước nghiêm cấm, tuy nhiên những người không có ý thức vẫn sử dụng loại pháo có sức công phá mạnh ở nơi công cộng là không thể chấp nhận được. Tình trạng này phải chấm dứt ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cộng đồng"- Bệnh viện Xanh Pôn cho hay.
Theo các chuyên gia, loại pháo sáng được các cổ động viên sử dụng có thể cháy trong 60 giây, nhiệt độ cao nhất đạt 1.600 độ C. Bởi vậy khi đốt pháo sáng ở đám đông chen chúc, người đứng gần có thể gặp các tổn thương ở mắt, mặt, ngực, tay, cổ.
Nếu pháo sáng rơi vào ai đó có thể làm cháy quần áo trong thời gian rất nhanh, gây bỏng và gây độc do pháo sáng chứa lưu huỳnh. Về lâu dài sẽ để lại nhiều di chứng thẩm mỹ do nguy cơ hình thành sẹo xấu, sẹo bị co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới xương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận