29/11/2014 09:21 GMT+7

​Đột ngột kiểm tra taxi Uber

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TT - Sáng 28-11, lực lượng thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã phối hợp với Phòng cảnh sát đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính taxi Uber hoạt động chở khách trên địa bàn TP.HCM.

Thanh tra giao thông kiểm tra một chiếc taxi Uber tại khu vực đường Lê Hồng Phong, Q.5 -  Ảnh: Tiến Long

Trong ngày đầu, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính năm taxi Uber.

Nhờ hành khách làm chứng

Khoảng 8g20 ngày 28-11, một chiếc ôtô sang trọng màu đỏ mang biển số 51A-02536 chở ba người khách đậu trên đường Lê Hồng Phong. Hành khách vừa định bước xuống thì lực lượng thanh tra giao thông xuất hiện.

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe kinh doanh chở khách nhưng không có logo, biển hiệu nên yêu cầu tài xế xuất trình các giấy tờ liên quan.

Uber không bình luận

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Karun Arya - giám đốc truyền thông khu vực Nam Á Công ty Uber (Singapore) - cho biết không bình luận gì về việc các taxi Uber tại TP.HCM bị lập biên bản xử phạt, cũng như trách nhiệm liên đới trong những trường hợp taxi Uber ở VN.

Theo ông Arya, Công ty Uber chỉ đơn giản là kết nối hành khách có nhu cầu đi lại và đối tác là những công ty cung cấp vận tải, vận chuyển có uy tín. 

L.N.

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Nguyễn Quang Bình (29 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, người điều khiển chiếc xe nói trên) không xuất trình được giấy tờ liên quan nên bị thanh tra giao thông giữ phương tiện và một sổ kiểm định xe.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi “kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không có đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định”.

Theo biên bản, anh Bình lái ôtô con nói trên (chủ phương tiện tên Hùng Thế Dũng), qua bản tường trình của hành khách ngồi trên xe (là ông Long) có đặt xe qua ứng dụng phần mềm Uber.

Ông Long cùng hai vị khách khác đón xe tại đường Mạc Thiên Tích đi đến đường Lê Hồng Phong (Q.5). Kết thúc chuyến đi, điện thoại của ông Long được thông báo với số tiền cước là 29.267 đồng và thanh toán cước qua thẻ Visa.

Ngoài ra, hai chiếc taxi Uber khác mang biển số 51A-94249 và 51A-85421 (do ông Dương Hoàng Vũ, Q.Tân Phú, TP.HCM đứng tên) cũng bị lực lượng thanh tra giao thông xử lý tại khu vực đường Lê Hồng Phong khi đang chở khách.

Cả hai trường hợp này đều có hành khách trên xe làm chứng là đặt xe qua dịch vụ Uber và thu tiền cước qua thẻ Visa, nên lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính.

Tại khu vực trung tâm TP, lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hai xe Uber chở khách với lỗi kinh doanh vận tải bằng ôtô (taxi Uber) mà không có đăng ký kinh doanh theo quy định.

Tài xế, chủ xe ngỡ ngàng

Hầu hết tài xế xe Uber đều tỏ ra ngỡ ngàng trước các quyết định xử phạt loại xe này của cơ quan chức năng. Tài xế Bình cho biết mình chỉ lái xe cho ông chủ, mỗi tháng ông chủ trả 5 triệu đồng tiền lương “cứng” và hễ có điện thoại (không nói rõ từ ai gọi) gọi báo chở khách ở đâu là tới chở.

Anh nói không biết gì về phần mềm Uber hoặc những người điều hành của Uber. Anh Bình cũng cho biết thêm mới chạy xe chở khách được khoảng vài ngày gần đây, trung bình mỗi ngày chạy khoảng tám cuốc xe chở khách.

Trong khi đó, một tài xế taxi Uber bị lập biên bản vi phạm hành chính tại khu vực Bưu điện TP (Q.1) trong cùng ngày đã phản ứng vì cho rằng việc xử phạt đối với xe Uber là không thuyết phục vì chiếc xe ông dùng chở khách là xe nhà, do chính ông sở hữu, thông qua một công ty kinh doanh vận tải và chạy xe chở khách cho dịch vụ taxi Uber.

Theo tài xế này: “Nếu lập biên bản với lỗi không có giấy phép kinh doanh là chưa thuyết phục vì xe này đã tham gia vào một đơn vị có chức năng kinh doanh vận tải”.

Cùng quan điểm này, ông V. - một chủ xe hoạt động chở khách theo hình thức taxi Uber bị lực lượng chức năng bắt giữ trong buổi sáng cùng ngày - cho rằng công ty của ông có chức năng kinh doanh vận tải hành khách và những chiếc xe chạy dịch vụ này đều được ông thuê lại. Như vậy không thể nói xe hoạt động không đăng ký kinh doanh được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông V. cho biết phía công ty sẽ xuất hóa đơn cho hành khách khi có nhu cầu, ngoài ra hằng tháng công ty ông cũng xuất hóa đơn để trả cho Uber nên không có chuyện “né” thuế.

Trong khi đó theo ông Lê Hồng Việt - phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, taxi Uber là một loại hình dịch vụ mới, kinh doanh qua mạng và không đăng ký kinh doanh, không theo bất cứ một điều kiện gì về kinh doanh vận tải, cạnh tranh không lành mạnh với hãng taxi khác.

Do đó phải kiểm tra xử phạt nhằm chấn chỉnh lại tình trạng này, việc phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt xe Uber dự kiến sẽ làm trong vài ngày để rút kinh nghiệm.

Ông Việt cho rằng nếu kinh doanh vận tải hành khách thì phải thành lập công ty hoặc phải tham gia vào tổ chức của hợp tác xã. Chẳng hạn kinh doanh xe chạy hợp đồng phải được sở cấp phù hiệu, phải đăng ký thuế... Nếu kinh doanh taxi phải theo điều kiện của taxi, ví dụ như phải có đèn, có logo, có hộp đèn, có tên công ty...

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM):

Khó xử phạt Uber

Nếu xác định Uber là đơn vị chính tham gia quá trình kinh doanh vận tải bằng ôtô, còn các cá nhân (chủ xe) chỉ kết nối với Uber qua mạng Internet theo đúng hình thức cho “đi nhờ xe” có trả phí thì đối tượng bị chế tài ở đây là Uber chứ không phải tài xế.

Bởi người chủ xe khi lái xe đưa đón khách chỉ là việc kiếm lợi nhuận một cách không thường xuyên, chỉ nhận đưa đón khách trong thời gian rảnh rỗi. Đây là hoạt động thương mại diễn ra không thường xuyên, không cần phải tiến hành đăng ký hoạt động.

Tuy nhiên việc xử phạt đối với Uber chỉ thực hiện được khi có tư cách pháp nhân đăng ký hoạt động ở VN, còn Uber chỉ điều hành hoạt động thông qua Internet và đăng ký hoạt động ở nước ngoài thì rất khó xử phạt.

QUANG KHẢI ghi

 

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên