24/07/2007 05:02 GMT+7

Dòng xăng vượt Trường Sơn

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TT - Theo kế hoạch, đường ống từ Ka Vat (Lào) sẽ đi đến Lùm Bùm vào đường 9 nhưng đây là con đường vòng cung có cự ly xa. Vì vậy, Tổng cục Hậu cần yêu cầu làm đường ống từ Long Đại (Quảng Bình) theo đường 18 vòng sang Lào để xuống đường 9.

wHexqDuQ.jpgPhóng to

Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng giai đoạn 1968-1975

TT - Theo kế hoạch, đường ống từ Ka Vat (Lào) sẽ đi đến Lùm Bùm vào đường 9 nhưng đây là con đường vòng cung có cự ly xa. Vì vậy, Tổng cục Hậu cần yêu cầu làm đường ống từ Long Đại (Quảng Bình) theo đường 18 vòng sang Lào để xuống đường 9.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Kỳ 1: Đi qua “tam giác lửa”

Ngoài những khó khăn do thiên nhiên gây ra, bộ đội đường ống phải chống lại sự đánh phá khốc liệt chưa từng thấy của đối phương. Để bảo vệ đường ống, mồ hôi, máu của các chiến sĩ phải đổ nhiều hơn.

Vượt “tam giác lửa” thành công, một bộ phận của công trường 18 tiếp tục dẫn ống vào Hương Khê (Hà Tĩnh) hướng tới Khe Ve (Quảng Bình). Tuy nhiên, lúc này không lực Mỹ lại tăng cường đánh phá các cửa khẩu từ Quảng Bình sang Lào, đặc biệt là các trọng điểm cua chữ A, Ta Lê, Phu-la-nhic... “Tổng cục Hậu cần yêu cầu thi công nhanh đoạn đường ống vượt đèo Mụ Giạ sang Na Tông (Khăm Muộn, Lào) để đảm bảo xăng cho chiến dịch vận tải nước rút của đoàn 559. Chúng tôi bàn giao phần việc đang làm cho bộ phận khác, khẩn trương vào Quảng Bình để làm đoạn đường ống từ Cổng Trời vượt qua đèo Mụ Giạ xuống Na Tông” - đại tá Mai Trọng Phước (chủ nhiệm khoa xăng xe vận tải của Trường Sĩ quan hậu cần, sau này là cục trưởng Cục Xăng dầu) cho biết.

Vượt núi

Giữa tháng 12-1968 tuyến ống hoàn thành, kho Na Tông (500m3) được xây dựng xong nhưng lúc vận hành thử rửa đường ống bằng nước lại không bơm lên được đỉnh đèo Mụ Giạ cao 700m. Lúc đó các chiến sĩ không có kinh nghiệm nên đặt hai máy bơm cùng một chỗ, đến lúc tách hai máy để bơm nối tiếp thì bơm được lên đỉnh đèo. Cuối tháng 12-1969, đường ống đang bơm vào kho Na Tông thì bất ngờ từng loạt bom từ B52 trút xuống đoạn đường vận tải và kho hàng của đoàn 559 tại trọng điểm.

Vệt bom cắt ngang đường ôtô đã làm vỡ đường ống bám dọc bên đường. Những ngày sau B52 tiếp tục đánh phá đêm ngày không dứt. Đơn vị công binh bạt hàng trăm khối đá tạo thành đường hào 10km để chôn ống nhưng bom đạn vẫn bóc từng lớp núi đá nghiền thành lớp bột dày. Đại tá Mai Trọng Phước kể: “Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện gọi tôi ra Hà Nội báo cáo tình hình. Cuối cùng một tuyến đường tránh được làm cách điểm bị đánh chừng 1km. Nhưng chúng tôi vẫn phải khắc phục như thật trên tuyến bị địch đánh phá để đánh lừa địch.

Lúc nào bị đánh thì đốt các phuy xăng dầu cho chúng tập trung lại thả bom để tuyến tránh vận hành. Vì vậy, xăng đã kịp vào kho Na Tông phục vụ đợt vận tải đột kích của đoàn 559. Đến đêm giao thừa năm Kỷ Dậu xăng vẫn còn đầy kho để chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Đợt bom này giúp chúng tôi rút bài học là không được làm đường ống cạnh đường ôtô để khỏi bị đánh lây”.

Ngày 3-3-1969 tuyến đường ống đầu tiên vượt Trường Sơn dài 350km đã nối thông từ Vinh - Cổng Trời - Na Tông tới kho Ka Vat (Lào). Sáu ngày sau, bốn tiểu đoàn đường ống lần đầu tiên đã vận hành thông suốt dòng xăng từ miền Bắc đến Ka Vat đảm bảo xăng dầu kịp thời cho 5.000 xe của đoàn 559 tiếp tục đợt vận tải đột kích mùa khô 1968-1969. Từ đây, xe chở xăng dầu của các binh trạm không phải qua trọng điểm để lấy xăng nữa. “Ở tuyến đường ống đầu tiên, chúng ta có được kinh nghiệm vượt sông, vượt núi. Đây là những kinh nghiệm quí báu để thi công những tuyến sau này thuận lợi hơn”, đại tá Phan Tử Quang (nguyên cục trưởng Cục Xăng dầu đầu tiên của quân đội, người nhận trách nhiệm xây dựng tuyến đường ống) nói.

Để ngụy trang, đường ống, trạm bơm và các kho được chôn ngầm hoặc làm trong hang đá. Khi vượt sông, đường ống đi ngầm nhưng có những đoạn sông, suối nhiều đá ngầm, dòng chảy mạnh phải làm cầu treo ống (sông Sêrêpôc).

Ngoài những hiểm nguy rình rập từ các loại mìn lá, mìn dây, bom bi, khi đi kiểm tra sự cố nhiều chiến sĩ đã bị ngộ độc xăng. "Có lần đi kiểm tra tuyến ống, thấy một nữ chiến sĩ cứ ngồi cười sằng sặc, chỉ huy hỏi gì cũng cười. Thì ra, đường ống bị bom bi đánh thủng, xăng phun thành sương khiến nữ chiến sĩ đó bị ngộ độc xăng. Mãi đến khi các kỹ sư tìm ra phương pháp phát hiện điểm bị sự cố từ xa mới giảm được thương vong, ngộ độc xăng cho bộ đội. Phương pháp này đã hạn chế việc huy động bộ đội chạy theo hàng trăm kilômét trên tuyến tìm chỗ hỏng. Nhiều lúc chạy băng rừng ban đêm mà không được dùng đèn pin, thương lắm!”, đại tá Mai Trọng Phước ngậm ngùi. Còn với thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, đến nay vẫn không nguôi ngoai trước cái chết bi thương của đồng đội: “Khi phát hiện bom đánh đứt tuyến, anh Quy trạm trưởng trạm bơm ở Ka Tần đã lao ra nối ống. Trong lúc thao tác bất ngờ xăng trong ống phun ra tưới khắp người, ngập đầy vũng bom dưới chân. Cùng lúc ấy một loạt bom dội tiếp, nơi anh đứng trở thành biển lửa. Đồng đội nhìn thấy nhưng không sao cứu được”.

Mồ hôi và máu

Theo đại tá Mai Trọng Phước, phương án làm đường ống xuyên từ phía đông sang tây Trường Sơn theo trục đường ngang thứ năm (đường 18) được tiến hành theo hướng từ Long Đại vào Cẩm Ly (Lệ Thủy, Quảng Bình) rồi vượt các đèo cao 400m, 700m, 900m đến bản Ra Mai gần sông Sê Băng Hiêng (Lào) đi tiếp vào bản Cò (Xanavakhet, Lào) xuống đường 9. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành được 200 tấn xăng vào kho Ra Mai cấp phát cho xe vận chuyển và thả phuy theo sông cho binh trạm 9, ngày 6-9-1969 không lực Mỹ dùng B52 rải thảm cắt ngang tuyến ống trên suối Ra Vơ làm lửa bùng cháy cả hai bên suối, rồi đánh ngược theo tuyến ống 3km dọc suối vào kho Ra Mai.

Cả khu rừng nguyên sinh rộng hàng trăm hecta bị san thành bình địa. Kho bị cháy, phần lớn bể chứa và tuyến đường ống bị tàn phá nặng nề. Một số chiến sĩ của tiểu đoàn 668 hi sinh, lực lượng của tiểu đoàn 337 đang nối nhau vác ống cũng bị B52 đánh vào đội hình làm hơn 70 chiến sĩ hi sinh và bị thương. “Tuyến đi Ra Mai không khắc phục được, tôi bàn với anh Phan Tử Quang là chỉ còn cách làm theo phương án 2 đi từ đỉnh 900m vượt qua 1.001m để vào bản Cò. Sẽ gặp nhiều khó khăn khi thi công nhưng có rừng rậm, núi cao để gây bất ngờ cho địch” - trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất là địa hình quá hiểm trở nên không thể đưa máy bơm (nặng 2,8 tấn) vào chân đỉnh 1.001m để bơm xăng vượt qua. Để khảo sát được tuyến này, một số chiến sĩ của đội khảo sát đã hi sinh vì bom dội, vì trượt chân xuống vực. Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu, cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng (nguyên kỹ sư xây dựng đường ống), kể: “Để vượt từ đỉnh 900m qua đỉnh 1.001m khi không đưa được máy bơm vào chân đèo 1.001m, chúng tôi phải bỏ van điều chỉnh áp suất ở đoạn ống đổ xuống chân đèo 900m. Vì vậy, điểm sâu nhất của đường ống giữa đỉnh 900m và 1.001m đạt áp suất rất cao (khoảng 30-35 kg/cm2) gần với giới hạn cho phép của đường ống. Với áp suất đó, dòng xăng từ đỉnh 900m đổ xuống đã vượt qua được đỉnh 1.001m vị trí có bình độ khoảng 850m”.

Đúng ngày 22-12-1969, lễ khánh thành tuyến đường ống xăng dầu từ kho K200 (km 21, đường 18) vào kho K5 (nam bản Cò) được tiến hành sau gần 10 tháng thi công. Trong thời khắc thiêng liêng này, tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên xúc động nói: “Hôm nay, chúng ta đang chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đoàn 559 đưa vào vận hành đoạn đầu tuyến đường ống dẫn xăng dầu chiến lược nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam”. Sau buổi lễ, mọi người tận mắt chứng kiến một công trình đặc biệt: bốn vòi cùng lúc tiếp xăng cho một tiểu đoàn xe chỉ mất một giờ rưỡi, nếu cấp phát qua phuy hoặc xi-téc như trước đây phải mất hơn ba giờ.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại thời khắc đó: “Tôi như thấy qua dòng xăng tuôn chảy bóng dáng hàng trăm chiến sĩ đang vượt núi, băng sông gùi cõng những balô xăng, can xăng năm nào! Chỉ những người trong cuộc, hoặc chứng kiến những tháng ngày đắng cay, cơ cực, khi mà một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi bằng cả bát mồ hôi, thậm chí bằng máu, mới ý thức được tầm thế lớn lao của sự kiện đưa đường ống xăng dầu Trường Sơn vào vận hành”.

_________________________

“Chỉ có đường ống mới phục vụ kịp xăng dầu cho hành quân thần tốc trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975”, trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đánh giá.

Kỳ tới: Đi trước, đón đầu

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên