Nhóm các tình nguyện viên, hầu hết là học sinh THPT tại phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: ĐAN KHANH
"Khi tham gia vào việc chung, mỗi bạn như một chiến binh. Mà đã là chiến binh thì nắng mưa, vất vả không còn là vấn đề nữa", đây là phương châm của những chiến sĩ trẻ kể từ những ngày đầu hỗ trợ lấy mẫu, nhập liệu, vận chuyển hàng hóa...
"Mình học được sự kiên trì, mạnh mẽ, kiên nhẫn hơn và không bỏ cuộc trước khó khăn. Đây là những ngày mình thấy hạnh phúc nhất và ý nghĩa nhất.
Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (học sinh lớp 10 Trường THPT Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM)
Trở về nhà khi trời đã sáng
Từ những người xa lạ, các bạn trẻ này gắn bó, động viên và đùm bọc nhau, cùng với lực lượng tại địa phương hỗ trợ nhiều công việc trong những ngày qua.
Thời điểm ban đầu khi dịch vừa bùng phát, nhóm tham gia hỗ trợ nhập liệu tại các khu vực lấy mẫu xét nghiệm do có ca bệnh.
Đến nay, tình hình dịch trở nên phức tạp hơn, cộng với giãn cách xã hội, các tình nguyện viên nhận luôn nhiệm vụ phân chia và giao rau củ đến từng nhà cho dân, nhập liệu, điều phối và kể cả khuân vác khi hàng hóa nặng cần vận chuyển.
Có những ngày họ đến điểm tập kết từ tờ mờ sáng, về nhà lúc mặt trời vừa lên, bởi suốt đêm về sáng tranh thủ vận chuyển rau củ và trái cây. Nếu không kịp phân chia ngay trong đêm, rau củ quả có thể hư hỏng, bị chuột cắn, ảnh hưởng đến chất lượng phần quà tặng dân.
Ở độ tuổi còn đi học, hầu hết các bạn trẻ đều sống trong sự yêu thương, bảo bọc từ cha mẹ và ít khi phải làm việc liên tục với áp lực công việc lớn. Thay vì dành thời gian nghỉ hè và ở nhà trong lúc giãn cách xã hội, họ quyết định rời vòng tay cha mẹ để đi theo tiếng gọi trái tim.
Bạn Nguyễn Hoàng Đan Khanh, bí thư Đoàn phường 15, đồng thời là người điều phối nhóm, chia sẻ: "Mỗi ngày đi gửi rau củ, gạo, nhu yếu phẩm vào khu vực phong tỏa, các bạn đều trải qua những rủi ro đáng kể. Một số khu vực dịch bệnh lây lan rất nhanh, mỗi người mà các bạn tiếp xúc đều có thể là F0, nhưng các bạn luôn dặn nhau tự bảo vệ mình chứ không bỏ cuộc".
Cả nhóm thống nhất, nếu có một thành viên không may nhiễm bệnh, hãy cứ kiên cường đối diện và tin rằng mình sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng bệnh tật.
Hậu phương vững chắc
Điều mà nhiều bạn trẻ trong nhóm cảm thấy may mắn, đó là họ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người thân. Trong nhóm, có hai chị em ruột cùng đi tình nguyện, trong khi ông ngoại của hai bạn tham gia trực hằng ngày, ngủ tại chốt phong tỏa.
"Mẹ của các bạn tuy lo lắng nhưng hiểu rằng đó là việc nên làm, do vậy cô ấy ủng hộ con mình. Có hôm thấy con về trễ, cô gọi hỏi các bạn xem có cần mình phụ gì không", Đan Khanh chia sẻ.
Tuy vất vả nhưng tình cảm họ nhận lại được từ cộng đồng cũng thật nhiều. Chính người dân trở thành hậu phương vững chắc của nhóm về mặt tinh thần. Mỗi lần đến khu phong tỏa, nhóm được tặng những món quà nho nhỏ như ly trà sữa, trái cây, thức ăn... Nhiều cô chú quay phim, rồi nói lớn: "Cảm ơn mấy đứa nhỏ nhiều nha!".
"Các bạn cảm thấy ấm áp lắm. Tình cảm mà họ nhận được từ người dân, từ các cô chú lãnh đạo địa phương hay từ gia đình chính là nguồn động lực lớn nhất lúc này", Khanh trải lòng.
"Team dép hồng tích cực"
Đan Khanh nói, trước áp lực từ công việc và tình hình dịch bệnh, cô cùng các thành viên luôn cố gắng tìm niềm vui nho nhỏ hằng ngày. Cả nhóm bàn nhau mua đôi dép màu hồng, vừa để thuận tiện làm việc trong thời tiết mưa gió, vừa tạo thêm cảm giác vui vẻ.
"Chúng mình động viên nhau phải cố gắng và lan tỏa năng lượng tích cực đến người khác", Khanh kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận