14/01/2015 09:00 GMT+7

​Đồng lòng, việc khó cũng xong

MAI HOA
MAI HOA

TT - Đó là lời đúc kết của bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc, bí thư Đảng ủy Bệnh viện (BV) Q.2, TP.HCM, về chặng đường đầy nỗ lực vừa qua của tập thể y bác sĩ, cán bộ nhân viên nơi đây.

Y tá và bệnh nhân cùng chuyện trò tại Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long
Y tá và bệnh nhân cùng chuyện trò tại Bệnh viện Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: Tiến Long

Từ một BV hạng 3, mỗi ngày chỉ có vài trăm lượt người tới khám, đến nay BV Q.2 đã phục vụ hàng ngàn lượt người bệnh mỗi ngày.

Vì nhân dân phục vụ

BV Q.2 được thành lập năm 2007, là BV hạng 3 với 28 bác sĩ. Đến nay BV đã lên hạng 2 với 93 bác sĩ, trong đó có ba phó giáo sư, hai tiến sĩ, năm bác sĩ chuyên khoa II.

Ngoài việc khám chữa bệnh cho người dân địa phương, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân từ các tỉnh xa như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre... cũng lên khám bệnh nội ngoại trú.

Đều đặn mỗi tháng 1-2 lần, BV còn tổ chức các đợt khám chữa bệnh miễn phí cho người dân ở các địa phương còn khó khăn.

Ngày 9-9-2014, Quận ủy Q.2 đã quyết định thành lập Đảng bộ cơ sở BV Q.2 với 33 đảng viên do bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc BV, làm bí thư Đảng ủy.

Đúng 7g sáng, khu khám bệnh của BV Q.2 đã nhộn nhịp người. Các phòng khám đã mở cửa đón bệnh nhân. Các bác sĩ ở đây cho biết khu vực Q.2 cách đây chưa lâu vẫn là một vùng ven với cộng đồng dân cư khá lam lũ. Bây giờ họ vẫn giữ thói quen dậy thật sớm, nhất là người già.

Để có thể mở cửa khám bệnh vào lúc 7g, các nhân viên BV phải có mặt từ 6g sáng để làm thủ tục tiếp nhận bệnh nhân. Buổi chiều thay vì kết thúc khám bệnh lúc 16g30 như quy định chung, các y bác sĩ vẫn ở lại khám đến 19g.

Ngày thứ bảy BV vẫn khám bảo hiểm y tế như bình thường. Nhờ phân công ca trực, kéo dài thời gian làm việc của BV nên mỗi ngày vẫn có thể khám ngoại trú cho 1.200-1.500 lượt bệnh nhân nhịp nhàng và nhanh chóng.

Tiếng nhạc dìu dặt phát ra từ chiếc loa đặt ở cửa phòng số 28. Hơn một năm nay, phòng chăm sóc khách hàng này trở thành địa chỉ quen thuộc của bệnh nhân và người nhà khi có điều gì khúc mắc.

Đầu giờ sáng 31-12-2014, con gái của bệnh nhân Trần Thị Tám (82 tuổi) hớt hải gõ cửa phòng. Bảo hiểm y tế của bà cụ hôm nay hết hạn. Nếu không làm được thủ tục trong hôm nay thì ngày mai nghỉ lễ, chị không biết phải làm thế nào.

Sau khi liên hệ với bộ phận bảo hiểm, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng, trả lại giấy tờ cho người nhà bệnh nhân, hướng dẫn họ lên phòng bảo hiểm để được giải quyết. Tất cả chỉ diễn ra trong vòng năm phút.

Bà Phạm Thị Hiệp (ngụ P.Bình Trưng Tây) đưa chồng đi khám bệnh viêm phế quản mãn tính theo định kỳ. Vợ chồng bà đã gắn với nơi này suốt tám năm, chứng kiến nhiều đổi thay của BV.

Bà Hiệp nói: “Bây giờ cơ sở vật chất tốt hơn trước nhiều, bác sĩ cũng về đông hơn. Mọi thứ cứ răm rắp vì trước cửa mỗi phòng khám đều đã treo bảng ghi rõ quy trình khám chữa bệnh, nộp sổ, ngồi đợi ở đâu, lấy kết quả thì nộp trở lại vào lúc nào... nên dù đông cũng không lộn xộn, bác sĩ y tá đều nhiệt tình”.

Bác sĩ Khanh nhớ lại thời điểm năm 2011 cả BV chỉ có 28 bác sĩ, nội trú chỉ có 60 giường mà công suất sử dụng chưa đến 50%, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong khu vực rất lớn.

“Năm 2012 cấp ủy, ban giám đốc BV nhận định muốn phát triển phải xây dựng đủ cả bốn yếu tố: con người, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, thái độ tiếp xúc, ứng xử với người bệnh. Chỉ có xây dựng tốt cả bốn tiêu chí này mới tạo được thương hiệu, hình ảnh tốt cho BV. Muốn đổi mới, cải cách gì trước tiên phải có sự đồng lòng của anh em trong cơ quan. Tất nhiên là có nhiều khó khăn, nhưng sau khi đã thống nhất được chủ trương rồi tất cả chúng tôi cùng khẩn trương vào cuộc. Chúng tôi hăng hái đi học để có đủ trình độ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ BV tuyến trên. Việc học sôi nổi lắm, thành cả một phong trào trong BV...” .

Trái ngọt

Tại phòng chạy thận nhân tạo, bệnh nhân Trương Thị Chạy (67 tuổi, ngụ P.Bình Trưng Tây, Q.2), dù đang bị tụt huyết áp vẫn gắng nở một nụ cười khi bác sĩ tới thăm, nắm tay ân cần động viên. Bà đã ở đây được nửa năm rồi. Trước đó, bà đã có một năm rưỡi khăn gói lên tận BV Nhân Dân 115 để chạy thận.

Bà Chạy nói: “Tui thấy ở đây máy móc, phòng bệnh cũng chẳng kém gì trên đó nhưng gần nhà, người bệnh cũng ít hơn nên nằm thoải mái lắm. Bác sĩ thăm khám thường xuyên, tui mới hơi khó chịu đã có người thăm rồi”.

Một số kỹ thuật khó trước đây vốn chỉ được thực hiện ở các BV tuyến trên như thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật đứt dây chằng, mổ mắt phaco, mổ sinh song thai, u nang buồng trứng... đến nay BV Q.2 đã đủ năng lực thực hiện.

Nhờ chuẩn bị tốt về con người, đầu tư cơ sở vật chất khang trang nên máy móc, kỹ thuật từ các BV tuyến trên cũng được chuyển giao dễ dàng hơn. Đó là mô hình chuyển giao kỹ thuật, khoa, phòng khám vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình với sự hỗ trợ về chuyên môn của các bác sĩ đến từ BV Nhi Đồng, BV Đại học Y dược...

Hay khoa nội ung bướu vệ tinh được xây dựng cuối năm 2013 với 150 giường, do BV Ung bướu TP.HCM xây dựng và theo lộ trình sau ba năm sẽ được chuyển giao về cho BV Q.2...

Cách đây vài tuần, một công viên nhỏ vừa được khánh thành ngay bên cạnh trung tâm ung bướu với bốn máy tập thể dục đa năng. Bác sĩ Trần Văn Khanh hào hứng chia sẻ nhiều dự định quan trọng: mở thêm khoa y học cổ truyền, khu vật lý trị liệu, sắp khai trương khoa thần kinh sọ não do BV Chợ Rẫy hỗ trợ...

Đánh giá về chỉ số hài lòng của người bệnh năm 2014, BV Q.2 được xếp thứ hai trong số các BV quận trên địa bàn TP.HCM.

“Ở BV chúng tôi, đảng ủy, ban giám đốc lãnh đạo theo tập thể, chú trọng vai trò của cá nhân người đứng đầu. Trên dưới một lòng thì mọi chủ trương đúng đều có thể thực hiện được dù khó đến mấy. Như việc cải cách hành chính trong BV, mọi người đều ý thức rất tốt việc tránh phiền hà chờ đợi cho người dân. Nếu khám bệnh ngoại trú không có thủ tục cận lâm sàng thì mất chừng một giờ rưỡi thôi”.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên