14/02/2022 09:41 GMT+7

Đón khách quốc tế: Không mở nhanh là mất cơ hội

NHƯ BÌNH - TẤN LỰC
NHƯ BÌNH - TẤN LỰC

TTO - Theo nhiều doanh nghiệp, cổng trường đã mở đón hàng triệu học sinh là bài học cho thấy cũng phải thay đổi cách phòng chống dịch với ngành du lịch, chậm nữa sẽ mất cơ hội.

Đón khách quốc tế: Không mở nhanh là mất cơ hội - Ảnh 1.

Đoàn khách Nga đầu tiên đến thăm Khánh Hòa trong đợt thí điểm đón khách quốc tế vừa qua - Ảnh: MINH CHIẾN

Dịp lễ 30-4, 1-5 và mùa du lịch hè sắp tới có lẽ là cơ hội cuối cùng cho những nỗ lực trở lại của doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp giãi bày tâm tư và kỳ vọng gửi cơ quan quản lý.

Tiêm vắc xin rồi, sao phải đeo "vòng kim cô" để mở cửa?

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, cho biết đã chuẩn bị để đón du khách quốc tế đến Việt Nam. 

"Chúng tôi chào sản phẩm đến các đối tác quốc tế với tinh thần mở cửa từ ngày 31-3 dù chưa chính thức. Thời điểm này đã qua cao điểm của thị trường khách du lịch quốc tế, nhưng đây cũng là sự chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối năm sắp tới. Nếu có sản phẩm lúc này, đối tác cũng có 3-6 tháng làm lại thị trường, đón đầu cho mùa sau", ông Yên phân tích.

Theo ông Phạm Hà, chủ tịch của Lux Group, dù trong 9 ngày nghỉ Tết thì đến hết 8 ngày hệ thống dịch vụ của Lux Group kín phòng nhưng mong chờ lớn nhất của doanh nghiệp này vẫn là đón khách quốc tế. 

Việt Nam đón được đoàn khách nước ngoài càng sớm thì càng tốt cho du lịch Việt Nam. Bởi các nước xung quanh như Thái Lan, Philippines, Campuchia... đã phát tín hiệu mở cửa; dù họ chưa đón khách thực sự, chính phủ các nước này đã quảng bá và thông tin đến thị trường quốc tế. Nếu chúng ta mở cửa chậm thì sẽ mất khách, nguy cơ khách không còn để ý đến Việt Nam.

"Chúng ta không còn rào cản nào để chần chừ mở cửa nữa. Tỉ lệ phủ vắc xin của chúng ta nhanh thuộc dạng nhất khu vực, ngay cả tiêm mũi 3. Thị trường du lịch cần được phát triển cân bằng và hoạt động của doanh nghiệp chỉ thực sự hồi phục khi mảng quốc tế được mở", ông Phạm Hà nói.

Ông Lại Minh Duy, tổng giám đốc TST tourist, cho rằng trước khi dịch ập đến, Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng của khu vực. 

Dù mùa Tết vừa qua du lịch nội địa hồi phục rất khả quan, nhưng các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng Việt Nam sớm mở cửa quốc tế để người Việt đi du lịch nước ngoài cũng như đón khách đến. 

Ông Duy cho hay các đối tác quốc tế cũng rất sốt ruột, họ vẫn duy trì các kết nối cập nhật thông tin về thị trường Việt Nam.

Thời điểm này đã qua cao điểm của thị trường khách du lịch quốc tế, nhưng đây cũng là sự chuẩn bị cho kỳ nghỉ cuối năm sắp tới.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên

Không mở, mất cơ hội

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. 

Phân tích từ dữ liệu của Google cho thấy từ đầu tháng 1-2022 đến nay lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam luôn duy trì ở mức rất cao, thậm chí thời điểm ngày 21-1 tăng 425%, thời điểm ngày 3-2 tăng 374% (so cùng kỳ 2021).

Cùng với đó, lượng tìm kiếm về cơ sở lưu trú cũng bắt đầu tăng cao. Trong đó, du khách đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ, Anh, Canada... có lượng tìm kiếm thông tin du lịch về Việt Nam nhiều nhất.

Ông Ngô Minh Đức, chủ tịch HG Holdings, cho rằng vấn đề của du lịch Việt Nam hiện nay là quyết tâm mở cửa và chọn thời điểm để công bố chính thức với thế giới. Thế giới đã bước sang giai đoạn mới, nhu cầu đi lại và du lịch đang tăng cao.

"Chúng tôi ghi nhận hệ số sử dụng phòng ở nhiều khu du lịch trên thế giới đã bằng với trước 2020. Thế giới đã có nhìn nhận quản trị khác về đại dịch, nhu cầu nội tại của thị trường rất cao, chúng ta mở trễ sẽ mất cơ hội phục hồi", ông Minh Đức khẳng định.

Nguy cơ "uống nước đục"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc Công ty du lịch Omega Tours, cho hay hiện một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã mở toang cửa cho du khách và không quy định cách ly. Kỳ nghỉ Tết vừa rồi, lượng khách đến Đà Nẵng thấp hơn nhiều tỉnh thành khác. 

Kết quả này có nhiều lý do, trong đó có sự thận trọng trong chủ trương mở cửa và cách làm truyền thông đếm ca bệnh gây sợ hãi cho khách. 

Do không có sự đồng thuận mạnh mẽ, doanh nghiệp mở cửa nửa vời. Các khu điểm du lịch lớn vẫn đóng, hoạt động dịch vụ và giải trí ngưng trệ làm khách không muốn đến hoặc đến cũng không biết chơi gì dẫn tới thua ngay trên sân nhà.

"Trung ương và các địa phương nên tạo điều kiện hết cỡ cho lần mở cửa này. Quan trọng là phải nhất quán về chính sách, khi đưa ra hướng dẫn phải nhìn lại xem có thể thu hút được không. Nhìn quanh khu vực xem chính sách của mình và họ khác nhau thế nào, trong khi họ mở cửa tự do còn mình đòi cách ly thì du khách có vào không?" - ông Ngọc Anh góp ý.

Cẩn trọng nhưng cần phù hợp bối cảnh chung khi nhiều ngành, cả trường học đã "mở" vì du lịch cần lấy khách quốc tế làm cú hích. 

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam - Vitours, chia sẻ quy định khách nước ngoài vào Việt Nam nhiễm COVID-19 phải cách ly điều trị khiến doanh nghiệp không kham nổi chi phí trong khi hỏi mua bảo hiểm không có nơi nào bán. 

"Chính sách cách ly, phong tỏa còn quá nghiêm ngặt. Các nước coi việc nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ là bình thường, nhưng vào Việt Nam phải bị cách ly điều trị thì khách sẽ không chịu" - ông Tùng nói.

Ngoài ra, giá vé máy bay đưa khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua quá cao, doanh nghiệp khó làm tour. 

Do đó, Chính phủ cần đưa hoạt động hàng không trở lại bình thường, minh bạch các điều kiện thủ tục tổ chức chuyến bay để doanh nghiệp không phải tốn các chi phí không chính thức khi đưa khách vào Việt Nam.

Đón khách quốc tế: Không mở nhanh là mất cơ hội - Ảnh 3.

Khách nước ngoài theo chương trình hộ chiếu vắc xin tới Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Còn loay hoay cách ly, du lịch khó phục hồi

Để mở cửa kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nêu quan điểm không tiếp tục đánh giá cấp độ dịch đến cấp phường mà phải thu hẹp phạm vi nhỏ hơn để thuận lợi cho việc phục hồi du lịch, kinh tế.

Thu nhỏ phạm vi phong tỏa, cách ly sẽ tạo điều kiện cho nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ mạnh dạn mở cửa đón khách.

Ông Nguyễn Hòa, chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, cho biết quận đã triển khai theo hướng này, chỉ khoanh vùng nhỏ tới từng hộ gia đình có người nhiễm COVID-19 chứ không khoanh vùng cả tổ dân phố, khu dân cư hay tuyến đường.

"Khi ca nhiễm tăng cao lên tới vùng cam hay vùng đỏ vẫn như vậy, không khoanh vùng rộng ra" - ông Hòa nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Quỳnh, chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, nói việc khoanh vùng quá rộng là không cần thiết; nhiều lúc khách sạn phải hủy chương trình, hủy tiệc của khách chỉ vì khu vực chuyển từ vùng xanh lên vùng đỏ.

Theo ông Quỳnh, hiện tỉ lệ bệnh nặng ngày càng ít đi nên mạnh dạn mở cửa là hết sức cần thiết.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng (phó tổng giám đốc Vitours):

Đã sẵn sàng, chỉ chờ chính quyền

Doanh nghiệp sẵn sàng trở lại nhưng vẫn chờ hướng dẫn đón khách quốc tế. Sản phẩm, tour tuyến đã chuẩn bị xong nhưng chưa tính giá được vì cơ sở dịch vụ, khu điểm du lịch chưa hoạt động và chưa báo giá.

Tất cả các hoạt động hiện đều phụ thuộc vào chính sách của chính quyền. Khi nào doanh nghiệp thấy chính sách mở cửa là chắc chắn, không đóng – mở thất thường mới mạnh dạn vay mượn để hoạt động trở lại.

Nếu cứ đếm ca nhiễm rồi chiếu vào đó tính cấp độ dịch thành vùng cam, vùng đỏ như hiện nay thì nhà hàng, khách sạn, khu điểm du lịch bó tay, không dám mở cửa.

Công nghệ làm được gì cho du lịch - ẩm thực TP Thủ Đức? Công nghệ làm được gì cho du lịch - ẩm thực TP Thủ Đức?

TTO - Thành phố Thủ Đức mới được thành lập gần đây, việc quảng bá thương hiệu cho thành phố ngay từ bây giờ có lẽ nên chú trọng thông qua du lịch - ẩm thực online.

NHƯ BÌNH - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên