04/05/2015 09:36 GMT+7

​Đơn đặt hàng cho VNPayTV

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Đất nước còn nghèo mà truyền hình tràn ngập game show chủ yếu là vui chơi, giải trí! Chuyện đi mua format game show là không hề rẻ, từ 2-5 triệu USD/chương trình tùy mức độ mới - cũ.

Tìm hiểu vì sao Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) lại đề xuất ấn định mức giá sàn cho thuê bao truyền hình trả tiền là 60.000 đồng/tháng/thuê bao với gói cơ bản 1 (40-45 kênh, trong đó có 20 kênh thiết yếu), 90.000 đồng/tháng/thuê bao với gói cơ bản 2 (65-72 kênh, trong đó có 20 kênh thiết yếu)..., chúng tôi được một số đồng nghiệp trong lĩnh vực truyền hình cho biết đề xuất này có lợi cho các nhà đài.

Các đồng nghiệp nói nhiều lắm, nhưng xin chỉ đưa ra một bài tính thế này cho dễ hiểu: Truyền hình An Viên hiện có giá thuê bao rẻ nhất: Gói cơ bản giá 33.000 đồng/tháng với quảng cáo xem được 67 kênh trong nước và quốc tế. Gói như ý xem được 97 kênh có giá 66.000 đồng/tháng.

Gói cao cấp xem được 114 kênh với giá 88.000 đồng/tháng. Rõ ràng, với An Viên thì quá lợi so với đề xuất giá sàn của VNPayTV đưa ra. Nhưng với SCTV, đơn vị có nhiều thuê bao tại Việt Nam, ra sao khi giá thuê bao hiện cao hơn giá sàn đề xuất của VNPayTV?

Cụ thể với khách hàng ở TP.HCM, phí thuê bao truyền hình cáp của SCTV được rao là 120.000 đồng và xem được 62 kênh, trong khi giá sàn đề xuất chỉ là 90.000 đồng/tháng. Như vậy, phải chăng là đề xuất của VNPayTV có lợi cho người xem?

Xin thưa không hề, vì 120.000 đồng/tháng chỉ là giá quảng cáo trên web của SCTV, còn thực tế khách hàng được khuyến mãi khi chỉ trả 84.000 đồng/tháng. Vì vậy, nếu áp theo giá sàn đề xuất của VNPayTV, SCTV vẫn có lợi.

Từ đây, lại có thêm câu hỏi chẳng lẽ VNPayTV chỉ biết lo cho nhà đài thu vén? Chưa hẳn. Đặt ra câu hỏi này liền nhớ đến hai câu chuyện gây ầm ĩ từ VNPayTV.

Chuyện thứ nhất là vào tháng 8-2012, khi các đơn vị như Viettel, FPT, An Viên... muốn tham gia lĩnh vực truyền hình trả tiền, đầu tiên họ gặp sự phản đối mạnh mẽ của phía VTV vì nơi này đang sở hữu hai đơn vị truyền hình trả tiền là SCTV với VCTV. Nếu để Viettel, FPT... vào cuộc ắt phải cạnh tranh, dù rằng đó là điều mà người tiêu dùng mong muốn.

Lẽ ra, VNPayTV phải ủng hộ chuyện ấy nhưng ngược lại, nơi này lại có văn bản ủng hộ VTV!? Chuyện thứ hai, đó là khi xảy ra vụ K+ (một đơn vị mà VTV liên doanh với Canal Plus để thành lập) tung tiền mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh, tất cả các đơn vị truyền hình trả tiền - trừ những đơn vị thuộc VTV - đều lên tiếng yêu cầu VNPayTV phải thể hiện vai trò của mình nhằm hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, và kết quả là VNPayTV cũng không hoàn thành nhiệm vụ!

Vừa rồi, nhân câu chuyện ông Vũ Ngọc Hoàng - phó Ban Tuyên giáo trung ương - đặt vấn đề vì sao 40 năm trước Việt Nam và Hàn Quốc ngang nhau, nhưng bây giờ thì họ đã hóa rồng, còn ta chỉ mới thoát nghèo; nhiều người cũng đã đề cập đến chuyện của truyền hình.

Cụ thể, trong giai đoạn dồn lực để xây dựng đất nước, truyền hình Hàn Quốc trong mấy chục năm liền (từ thập niên 1960 đến hết thập niên 1980) chỉ tập trung xây dựng chương trình xoay quanh hai chủ đề: Học làm người & Học làm giàu.

Còn ta, đất nước còn nghèo mà truyền hình tràn ngập game show chủ yếu là vui chơi, giải trí! Và xin “bật mí”, chuyện đi mua format game show (từ để gọi các kịch bản của game show) là không hề rẻ, từ 2-5 triệu USD/chương trình tùy mức độ mới - cũ. Tất cả chi phí này rồi cũng do người tiêu dùng chi trả, nên chuyện nhăm nhăm tăng giá là điều dễ hiểu.

VNPayTV có góp phần bớt đi chuyện ấy mới tài giỏi, mới là đáp ứng được kỳ vọng của người dân xem truyền hình.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên