02/05/2015 11:45 GMT+7

​Truyền hình đòi tăng cước

ĐỨC THIỆN - KHƯƠNG XUÂN
ĐỨC THIỆN - KHƯƠNG XUÂN

TT - Theo đề án quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền vừa được Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đề xuất lên Bộ Thông tin - truyền thông, giá cước gói dịch vụ thấp nhất phải từ 60.000 đồng/tháng trở lên.

Bà Nguyễn Phước Phương Thi (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ hiện nay số lượng kênh có chương trình hay còn ít mà giá cước đòi tăng lên rất thiệt cho người dùng - Ảnh: Tiến Long

Cụ thể, mức giá mới được chia theo từng loại phương thức phát sóng với số lượng kênh khác nhau.

Chất lượng phập phù

Như vậy nếu đề án được áp dụng thực tế, hàng trăm nghìn thuê bao truyền hình sẽ bị tăng thêm tiền cước để đạt chuẩn “sàn”, tránh “nảy sinh những rối loạn về cạnh tranh giá cung cấp và các chuẩn mực, tiêu chí về kỹ thuật công nghệ, nội dung, chương trình” như mong muốn của VNPayTV.

Đáng chú ý, trong đề án xây dựng giá sàn chỉ chủ yếu nói về giá cước mới so với số lượng kênh, chứ không thấy nhắc đến chất lượng kênh cụ thể ra sao. Trong khi thực tế hiện nay, chất lượng truyền hình tiếp tục là điều khiến đông đảo người sử dụng bức xúc nhất.

Anh Hoàng Quân (chung cư Thái An, quận 12, TP.HCM), đang sử dụng dịch vụ truyền hình có mức cước 44.000 đồng/tháng, cho biết không có nhu cầu xem nhiều kênh nhưng những kênh ưa thích như VTV3 thường xuyên bị đứng hình.

“Mỗi lần vậy tôi phải xoay ăngten rồi chỉnh đi chỉnh lại thì mới xem được. Chất lượng vậy mà giờ tăng giá lên đến 60.000 đồng/tháng” - anh Quân bức xúc.

Chị Quỳnh Trang (quận 3, TP.HCM) cũng cho biết: “Có nhiều kênh hay bỗng nhiên bị nhà đài cắt mất mà không thấy thông báo. Tiền tháng nào thu đủ tháng đó nhưng kênh muốn cắt lúc nào thì  cắt, có lúc thay kênh mới nhưng cũng có lúc không, làm người xem khó chịu. Chất lượng không thấy cải thiện bao nhiêu mà giá cước liên tục đòi tăng”. 

Tương tự, anh Công Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng các nhà đài chỉ biết lấy số lượng các kênh truyền hình để che đậy chất lượng yếu kém của nội dung kênh.

“Họ đưa ra danh sách cả trăm kênh nhưng thực tế người dùng chỉ xem được vài kênh, còn lại đa số là kênh quảng cáo bán hàng, nội dung nghèo nàn. Người dùng như chúng tôi phải liên tục chịu tăng giá cước vài năm gần đây nhưng chất lượng thì vẫn phập phù, giậm chân tại chỗ” - anh Vinh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến đề xuất tăng giá sàn của VNPayTV là do áp lực từ các nhà mạng viễn thông cung cấp dịch vụ IPTV (truyền hình qua kết nối Internet) như Viettel hay FPT Telecom.

Các nhà mạng này đang triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cùng với các loại hình viễn thông khác với mức giá thấp, thậm chí chỉ bằng giá dịch vụ viễn thông.

Tăng giá mới có chất lượng? 

Trao đổi với Tuổi Trẻ về lý do phải xây dựng giá sàn cho truyền hình trả tiền (THTT), ông Lê Đình Cường - phó chủ tịch VNPayTV, tổ trưởng tổ tư vấn nghiên cứu xây dựng đơn giá THTT - cho rằng trong nhiều cuộc làm việc với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, nhiều ý kiến đồng tình phải có một mức giá đầu vào đối với dịch vụ THTT tại VN.

Ông Cường nói: “THTT không thể bán với giá thấp hơn giá thành sản phẩm được, nếu bán thấp hơn thì không còn gọi là THTT nữa. Để thực hiện đề án, chúng tôi đã làm việc với tất cả các đơn vị THTT và nghiên cứu kỹ các yếu tố cấu thành giá của gói dịch vụ, đó là cơ sở để đưa ra mức giá sàn.

Việc đưa ra giá sàn cũng là cách để chống lại việc một số đơn vị THTT bán phá giá, không đúng giá trị thật. VNPayTV là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp ý kiến của các đơn vị thành viên, khi trình đề án lên cơ quan quản lý nhà nước họ sẽ phân tích, đánh giá và có kết luận.

Nếu Bộ TT-TT đồng ý với đề án và đưa ra áp dụng, thuê bao không đồng ý thì có quyền kiện lại quyết định của bộ. Hiện nay VNPayTV cứ đề xuất, còn việc xem xét có áp dụng hay không còn tùy thuộc cơ quan quản lý nhà nước”.

Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Chí Công - tổng giám đốc truyền hình số vệ tinh K+ - cho biết K+ ủng hộ việc đưa ra giá sàn THTT.

Ông Công nói: “Giá thuê bao mà K+ đang áp dụng đối với các thuê bao của mình là giá tối thiểu mà K+ có thể làm được. Giá này được tính trên cơ sở toàn bộ chi phí sản xuất và một phần lợi nhuận tối thiểu dù K+ vẫn chưa đạt điểm hòa vốn. Nếu K+ đưa ra giá thuê bao thấp hơn thì lỗ nặng hoặc chỉ sản xuất được những chương trình chất lượng kém.

Với những đơn vị THTT đưa ra giá thuê bao thấp vì chủ yếu họ mua kênh nước ngoài, lấy kênh quảng bá của các đài đưa vào vì mục tiêu là phát triển thuê bao bằng mọi giá đã.

Với giá này thì các đơn vị đó không có lãi, thậm chí lỗ. Vì giá thấp nên họ ép nhiều kênh vào một đường truyền nên người xem thường thấy hình ảnh bị giật. Khi giá thuê bao quá thấp, chất lượng truyền hình kém, đơn vị THTT sẽ báo lỗ suốt thì Nhà nước cũng không thu được thuế”.

Trong khi đó, đại diện một đơn vị THTT khác chia sẻ khi xây dựng đề án này, VNPayTV đã có sự thống nhất cao với các thành viên của mình là các đơn vị THTT tại VN.

Nếu giá sàn được áp dụng, dù người xem THTT có phải mất thêm tiền nhưng bù lại sẽ có chất lượng truyền hình tốt hơn. Mặc dù biết khi đưa ra đề xuất này, 7 triệu thuê bao THTT sẽ rất khó chấp nhận nhưng theo vị này, các đơn vị THTT cho rằng chỉ có tăng giá mới tăng chất lượng được dịch vụ THTT tại VN. 

Có dấu hiệu lợi ích nhóm

Chuyên gia công nghệ truyền hình Hồ Phước Vinh nhận định đề án áp dụng giá sàn dịch vụ THTT hiện nay có vẻ chỉ phục vụ lợi ích cho một số nhà đài.

Vì thực tế hiện nay một số nhà đài cung cấp gói cước có giá thấp hơn so với giá sàn, tức là nếu áp dụng, người dùng những gói này phải trả thêm tiền, thậm chí có người phải chịu tăng cước thêm đến 100%.

Thế nhưng, đề án lại chẳng nói gì đến việc cải thiện chất lượng ngoài yếu tố số lượng kênh không mấy rõ ràng. Kết hợp với thực tế vài năm trở lại đây, giá cước THTT tăng liên tục nhưng chất lượng vẫn luôn bị người sử dụng kêu ca, phàn nàn. Như vậy có thể thấy đề án chỉ nhắm vào lợi ích kinh tế của một số nhà đài, không thấy lợi ích cho người xem đài.

Ngay cả khi đề án có nói đến vấn đề chất lượng đi nữa cũng rất khó bởi đặc thù của thị trường truyền hình Việt Nam phức tạp. Chẳng hạn SCTV và HTVC tập trung ở thị trường TP.HCM, chắc chắn yêu cầu chất lượng nội dung khác với các dịch vụ vệ tinh dễ dàng phủ sóng toàn quốc khác.

Hay một nguyên tắc kinh doanh khác là đơn vị ra sau hoặc phải có nội dung vượt trội hoặc phải dùng chiêu giá rẻ mới mong thu hút được người dùng, cạnh tranh được với các đối thủ đã chiếm lĩnh thị phần.

Tức là với mỗi loại hình đối tượng thuê bao, phạm vi phủ sóng, yêu cầu chất lượng kênh truyền có thể khác nhau. Chất lượng bao gồm nhiều yếu tố và không thể cào bằng giữa các đài với nhau. Trong khi giá cả luôn phải đi kèm với chất lượng. Vì vậy việc tạo giá sàn đối với dịch vụ THTT hiện nay là hết sức vô lý.

Gần 7 triệu thuê bao

VNPayTV có 128 đơn vị đăng ký làm thành viên bao gồm các đài truyền hình, nhà cung cấp dịch vụ THTT, công ty truyền dẫn phát sóng, công ty thiết bị truyền thông... Theo số liệu từ VNPayTV, tính đến hết tháng 6-2014, tổng số lượng thuê bao THTT gần 7 triệu thuê bao.

Trong đó, truyền hình cáp hữu tuyến (CATV) đang chiếm lĩnh thị trường với khả năng phủ sóng trên 70% và đạt trên 80% thị phần về thuê bao. Cả ba nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có thị phần lớn nhất là SCTV, VTVcab và MyTV đều nằm trong nhóm này.

Theo VNPayTV, đơn giá THTT tại VN hiện nay đang thấp nhất khu vực Asean với bình quân 4-5 USD/thuê bao/tháng. Cụ thể, ở Singapore các thuê bao đang phải trả trung bình 32 USD, Malaysia 30 USD, Indonesia 11 USD, Thái Lan 11 USD...

Đề xuất “giá sàn” cao hơn giá hiện hành

Với dịch vụ truyền hình cáp phát tín hiệu tương tự (analog), đơn giá chia theo hai gói, gói kênh cơ bản 1 (40-45 kênh gồm 20 kênh thiết yếu, 20-30 kênh trả tiền) có giá cước sàn 60.000 - 65.000 đồng/tháng; gói kênh cơ bản 2 (65-72 kênh, gồm 20 kênh thiết yếu, khoảng 50 kênh trả tiền với 30 kênh trong nước, 18-20 kênh nước ngoài) có giá cước 90.000 đồng/tháng.

Riêng gói kênh HD trên mạng cáp (105-120 kênh) có giá cước 180.000 - 220.000 đồng/tháng.

Gói kênh truyền hình số mặt đất (75-85 kênh) được đề xuất 65.000 - 80.000 đồng/tháng. Gói kênh truyền hình số vệ tinh được đề xuất thành ba mức giá sàn: 90.000 đồng, 180.000 đồng, 250.000 đồng/tháng. Gói kênh dịch vụ truyền hình Internet IPTV (80-100 kênh) được đề xuất mức sàn là 85.000 - 90.000 đồng/tháng.

Đem mức giá sàn mà VNPayTV đề xuất so sánh với mức giá một số đơn vị THTT đang áp dụng đối với các thuê bao của mình sẽ thấy gọi là giá sàn nhưng lại cao hơn rất nhiều so với giá đang áp dụng.

Cụ thể hiện nay THTT số mặt đất AVG gói 72 kênh chỉ có giá 33.000 đồng/tháng, gói 108 kênh chỉ có giá 50.000 đồng/tháng. Thế nhưng theo đề xuất của VNPayTV, giá mà AVG phải áp dụng đối với gói 72 kênh có thể lên tới 93.000 đồng, tăng gần gấp ba lần so với giá hiện nay.

Đối với gói 108 kênh, trong đó có 30 kênh HD của AVG sẽ phải tăng lên tối đa 220.000 đồng, gấp hơn bốn lần so với giá hiện nay.

Không chỉ AVG, so với giá sàn mà VNPayTV đề xuất, nhiều gói kênh của VTC, K+, SCTV, VTVcab... cũng đang thấp hơn giá sàn. Cụ thể, gói kỹ thuật số HD của SCTV hiện nay đang có giá 80.000 đồng/tháng với 155 kênh, trong đó có 35 kênh HD sẽ phải tăng giá hơn hai lần lên từ 180.000 - 220.000 đồng.

Gói kênh Primium HD của K+ hiện đang có giá ngất ngưởng là 230.000 đồng/tháng nhưng theo đề xuất của VNPayTV, sẽ tiếp tục phải tăng lên thành 250.000 đồng/tháng. 

Đ.THIỆN - K.XUÂN

 

ĐỨC THIỆN - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên