01/07/2012 06:27 GMT+7

Dọn cỏ từ ngọn!

TRẦN LONG
TRẦN LONG

TT - Sát ngày thi tuyển sinh đại học, Bộ GD-ĐT bất ngờ công bố những thay đổi trong quy chế tuyển sinh khiến không ít người ngạc nhiên. Thậm chí nhiều cán bộ quản lý cấp trung, cấp cao của các trường ĐH, các ĐH lớn đọc thông tin trên báo cũng chưa tin đó là sự thật.

Có người còn tưởng báo chí hiểu nhầm thông điệp của bộ. Bởi những thay đổi này quá lạ: không cấm thí sinh mang các thiết bị có chức năng ghi âm, ghi hình, chụp ảnh... nhưng không có chức năng nghe hay xem hình ảnh trực tiếp tại chỗ vào phòng thi. Và lạ hơn nữa, đố tìm ra được thiết bị nào đáp ứng các tiêu chí của bộ!?

Những người có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT giải thích quy định này có mục đích khuyến khích việc phát hiện, tố giác các hành vi gian lận thi cử từ bên trong phòng thi. Bởi từ trước đến nay, phạm vi phòng thi là “bất khả xâm phạm”. Các lực lượng giám sát kỳ thi đều hiểu rằng đó là nơi “không phận sự miễn vào”. Cho nên thực tế bên trong phòng thi, hội đồng thi diễn ra như thế nào chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Quy định mới này hợp pháp hóa việc người trong cuộc ghi lại những tiêu cực trong thi cử nếu có.

Cũng có người tỏ ra ủng hộ quy định “lạ” của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, bản thân những người ủng hộ không những băn khoăn về khả năng thực hiện quy định này mà còn băn khoăn cả về chuyện chúng ta mãi loay hoay với những giải pháp kỹ thuật để chống tiêu cực. Thế nhưng những giải pháp ấy mang lại cho nền giáo dục của chúng ta những gì?

Tìm câu trả lời xa xôi thì khó, nhưng nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa mới kết thúc lại thấy quá rõ ràng. Bao nhiêu giải pháp kỹ thuật như thi cụm, chấm chéo, thanh tra ủy uyền... đã được áp dụng cho kỳ thi này. Nhưng rồi qua bao nhiêu năm, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn chứng kiến những việc từng xảy ra trước đó, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Còn với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, những ai từng nghiên cứu kỹ quy chế hoặc từng tháp tùng thanh tra đi đến các điểm thi mới thấy sự khắc nghiệt của kỳ thi. Một thí sinh mang theo điện thoại di động dù bất kỳ lý do gì cũng ngay lập tức rời khỏi trường thi. Nhiều trường hợp chỉ là một cuộc gọi báo tin vui đã làm tốt bài thi, một tin nhắn báo cho người nhà an tâm.

Có thí sinh đi trễ một chút cũng phải giã từ cuộc đua, cho dù chuẩn bị kiến thức bài vở tốt đến thế nào. Hay một nhân viên, một giám thị vô tình mang theo điện thoại dù tắt cũng lập tức bị kỷ luật. Đến nỗi nhiều giáo viên xem việc đi coi thi tuyển sinh là nỗi ám ảnh, tìm đủ lý do để từ chối. Nói như thế để thấy rằng thực tế đã có rất nhiều biện pháp chống tiêu cực được áp dụng. Nhưng rồi đâu đó, bằng cách này cách khác người ta vẫn tìm ra cách để đối phó, vô hiệu hóa các biện pháp ấy.

Thật ra, chuyện lớn của giáo dục nước nhà không phải là tiêu cực trong thi cử. Chuyện ấy như phần ngọn của cỏ dại. Có siêng cắt đến mấy, cỏ dại vẫn còn. Câu chuyện lớn là chương trình học và cách thi của chúng ta. Chương trình học biến quá trình học thành đọc chép thuộc lòng, còn cách thi cử thì quá chú trọng đến việc tái hiện những kiến thức thuộc lòng đó.

Hằng năm, cứ đến mùa thi thể nào cũng có một hoặc vài biện pháp kỹ thuật lại được đưa ra. Những giải pháp đi từ ngọn như thế sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn đề căn bản của giáo dục nước nhà.

TRẦN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên