"Đường lưỡi bò" bị chỉ trích trước thềm đối thoại Mỹ - Trung Quan chức Mỹ nói thẳng: Trung Quốc “tham ăn" ở biển Đông"Nếu Trung Quốc ép quá mức, Mỹ sẽ triển khai lực lượng"
![]() |
Thủ tướng Lý Khắc Cường (bìa phải) nói chuyện với Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew (bìa trái) và Ngoại trưởng John Kerry tại Bắc Kinh ngày 10-7 - Ảnh: Reuters |
Theo đánh giá từ thông cáo báo chí của cả hai phía đưa ra trước thềm đối thoại cùng phân tích của các học giả và chuyên gia, có lẽ điều hi vọng lớn nhất ở cuộc gặp lần này là duy trì nguyên trạng mối quan hệ hiện thời hoặc tránh để mối quan hệ này trở nên tồi tệ hơn nữa. Cả Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn xây dựng “mô hình hợp tác kiểu mới giữa các nước lớn”.
Giới chuyên môn đã đoán trước kết cục
"Đối thoại lần này không nhằm giải quyết một vấn đề nào cả. Đó chỉ là nơi chia sẻ thông tin và thể hiện quan ngại" TERRY F. BUSS(viện sĩ, Học viện Hành chính Hoa Kỳ) |
Tuy nhiên giới chuyên môn có vẻ không mong đợi gì nhiều ở đối thoại lần này. Chúng ta có thể thấy trước diễn biến của đối thoại thông qua chương trình nghị sự với cả những nội dung đã được chính thức công bố và không được chính thức công bố trong chương trình. Theo thông cáo chính thức, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Iran, Syria, Sudan - Nam Sudan và Afghanistan, biến đổi khí hậu, hiệu quả năng lượng, hợp tác quân sự và chống khủng bố. Mà như vậy sẽ chỉ có hai vấn đề ở quy mô nhỏ là biến đổi khí hậu và hiệu quả năng lượng là có thể đạt được thỏa thuận mà thôi. Và thực tế đã cho thấy đúng là như vậy.
Các vấn đề không ai nhìn thấy trong chương trình nghị sự chính thức bao gồm sự bành trướng của Trung Quốc ở vùng lãnh hải đang xảy ra tranh chấp, tỉ giá đồng nhân dân tệ, tin tặc Trung Quốc tấn công hệ thống máy tính các công ty Mỹ và gần đây nhất là cuộc tấn công vào hệ thống các cơ quan Chính phủ Mỹ. Cùng với đó là vấn đề sở hữu trí tuệ và nhân quyền. Các vấn đề gai góc này đơn giản là rất khó giải quyết được nên chúng ta cũng không mong đợi gì nhiều. Quả đúng vậy, đối thoại đã kết thúc và các vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ.
Việc Trung Quốc gây hấn với các nước láng giềng ở biển Đông thật ra đã bắt đầu xấu đi ngay từ sau đối thoại S&ED lần trước, ngược lại với những gì nước này đã cam kết. Điều này đã gây ra bất ổn định trong khu vực.
Trước đây, Mỹ đã công khai tuyên bố không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam, Nhật Bản, Brunei và Philippines. Tuy nhiên, trước thềm đối thoại S&ED, Mỹ đã công khai bày tỏ sự lo ngại. Trong cuộc đối thoại, Ngoại trưởng John Kerry đã kịch liệt phản đối cách hành xử của Trung Quốc, kêu gọi dân chủ, yêu cầu nước này tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng các quy tắc hướng dẫn giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên ngày 10-7, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này sẽ can thiệp bằng việc tăng cường các hoạt động trinh sát tại các khu vực tranh chấp và trước đó Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ cung cấp các hệ thống radar hiện đại cho các nước ở khu vực tranh chấp nhằm tăng cường khả năng giám sát biển.
Vì sao Mỹ phản ứng hờ hững?
Sự phản đối mạnh mẽ đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama - trên nguyên tắc “ngoại giao mềm”: lãnh đạo từ phía sau, thụ động, không ràng buộc và không đối đầu - dù đúng hay sai sẽ bị coi là nguyên nhân khiến đối thoại S&ED lần này không đạt được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn có các lý do khác nữa.
Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể tiếp tục hi vọng vào cuộc gặp ở Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên nếu đúng như vậy cũng có nghĩa là các vấn đề quan trọng giữa hai nước lại một lần nữa được giải quyết theo cách “giấu bụi dưới thảm” để chờ đến cuộc gặp lần sau mà thôi. Điều này chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ một lần nữa khẳng định vai trò là nước xuất khẩu năng lượng quan trọng sẽ giúp nước này cảm thấy giảm bớt mối nguy từ phía Trung Quốc - đang phải tập trung đảm bảo các nguồn năng lượng của mình. Nhưng thỏa thuận dài hạn mới đây giữa Nga và Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn không chỉ bởi thỏa thuận này giúp tăng cường nguồn cung cấp năng lượng mà còn vì giúp tăng cường các lợi ích an ninh Nga - Trung.
Trong khi đó thật không may cho chính nước Mỹ khi chính quyền Washington đang cố tình làm chậm lại các nguồn cung cấp năng lượng bằng việc không thông qua dự án ống dẫn dầu Keystone - đường ống sẽ vận chuyển số lượng dầu thô rất lớn từ Canada tới các nhà máy lọc dầu ở Mỹ.
Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang khá mong manh và có thể sụp đổ. Hiện Trung Quốc đang đối mặt với bong bóng nhà đất, công nghiệp chế tạo phát triển chậm và hệ thống ngân hàng đang có quá nhiều vấn đề. Vì vậy, Mỹ chỉ có một việc phải làm là chờ đợi. Khỏi cần phải nói, “hi vọng không phải là chiến lược”.
Vì vậy, phát biểu của một thành viên kỳ cựu (giấu tên) của đối thoại có lẽ là lời kết tốt nhất. “Đối thoại lần này không nhằm giải quyết một vấn đề nào cả. Đó chỉ là nơi chia sẻ thông tin và thể hiện quan ngại. Duy chỉ có kết quả hữu hình, đó là tuyên bố về các dự án biến đổi khí hậu. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng nếu cả hai nước cùng lên tiếng sẽ không có gì tồi tệ sẽ xảy ra. Thực tế lại cho thấy điều ngược lại”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận