27/06/2011 09:37 GMT+7

Đối thoại để giải quyết bức xúc của công nhân

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Câu chuyện bi thảm và một vụ án hình sự xuất phát từ một cuộc đình công ở Chương Mỹ, Hà Nội gây nên một chuỗi giật mình về tình người, về quan hệ lao động, về những tâm tư, bức xúc từ đời sống, việc làm của công nhân. Giải pháp nào để giải quyết các mâu thuẫn về quan hệ lao động?

* Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng: Trả lương bèo, vẫn nói “người lao động là vốn quý”

PEWd9xqe.jpgPhóng to

Công nhân Công ty Giai Đức Việt Nam đối thoại với đại diện Liên đoàn Lao động huyện Chương Mỹ (Hà Nội) sau sự kiện bảo vệ đâm xe vào công nhân gây chết người ngày 23-6 - Ảnh: Anh Quang

Phóng viên Tuổi Trẻ trao đổi với những người đang trực tiếp sống trong các mâu thuẫn ấy: ông Nguyễn Thanh An - chủ tịch công đoàn Công ty Việt Nam Samho (xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM) và bà Vương Thị Dung - công nhân Công ty TNHH Year 2000 (Linh Trung, Thủ Đức).

“Công ty của chúng tôi có chủ đầu tư là doanh nghiệp Hàn Quốc. Từ năm 2006 trở về trước, công ty này cũng là một điểm nóng về mâu thuẫn gay gắt giữa doanh nghiệp với người lao động. Sau năm 2006, chủ doanh nghiệp đã thay đổi nhân sự, rút ra được nhiều kinh nghiệm sâu sắc và có nhiều đổi mới trong việc chăm sóc người lao động. Hiện doanh nghiệp đã ổn định, công nhân cùng với chủ doanh nghiệp đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế” - ông An bắt đầu câu chuyện như vậy.

Fm7WkmKp.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Thanh An - Ảnh: M.Đức
* Ông có thể nói cụ thể hơn về sự thay đổi trong quan hệ lao động của Công ty Việt Nam Samho?

- Ông Nguyễn Thanh An: Chúng tôi hầu như lúc nào cũng thiếu lao động. Trên thị trường lao động, nhất là lao động phổ thông, hiện thời tiền lương gần như cào bằng, doanh nghiệp chỉ có thể giữ chân người lao động bằng vài khoản phụ cấp và lớn hơn nữa là bằng quan hệ lao động.

Từ ba năm qua, công đoàn chúng tôi đã tổ chức nhiều hình thức phục vụ, chăm sóc cho công nhân. Một nhà trẻ đủ tiêu chuẩn với quy mô 300 cháu được lập ngay trong khuôn viên nhà máy để công nhân gửi con nhỏ thuận tiện và yên tâm. Hằng tháng, công đoàn và công ty tổ chức đến thăm và tặng quà công nhân nghèo, quyên góp trợ giúp công nhân bệnh nặng.

Mỗi tháng chúng tôi tổ chức một buổi đối thoại giữa đại diện công nhân với lãnh đạo doanh nghiệp. Có những kiến nghị không thuận tiện ở đối thoại, công nhân có thể gửi thư vào các hòm thư góp ý hoặc đến văn phòng công đoàn phản ảnh trực tiếp. Các kênh phản ảnh đó giúp chúng tôi cải thiện quan hệ lao động rất nhiều.

* Dẫu có cố gắng cách mấy cũng khó dung hòa lợi ích của doanh nghiệp với công nhân. Khi đó chủ tịch công đoàn sẽ làm gì?

- Ông Nguyễn Thanh An: Tôi thường xuyên đọc báo để theo dõi và dự đoán trước những căng thẳng có thể nảy sinh. Báo đăng xăng tăng giá, chỉ số giá tiêu dùng tăng, lập tức tôi biết khoản lương của anh em công nhân đang bị bốc hơi, bức xúc trong lòng lại đầy thêm một chút. Công đoàn chủ động đề xuất công ty tăng thêm phụ cấp, dù tôi biết là không nhiều, không bù lại được đà tăng giá nhưng công nhân sẽ biết công ty quan tâm, chia sẻ khó khăn với mình.

Công nhân Việt Nam Samho cũng đã một lần bày tỏ sự chia sẻ với công ty và đồng ý giảm phụ cấp khi giá xăng được giảm năm 2009. Điều đó khiến chủ doanh nghiệp rất cảm kích.

* Mỗi tháng đối thoại một lần có giải quyết được nhiều mâu thuẫn và bức xúc của công nhân hay không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh An: Rất nhiều. Chúng tôi tổ chức đối thoại vào giữa tháng, sau ngày lãnh lương là những ngày tích tụ nhiều thắc mắc, bức xúc nhất. Gần đây công nhân thắc mắc chuyện phụ cấp thâm niên không được tăng.

Lãnh đạo doanh nghiệp đã giải thích cặn kẽ về cách điều chỉnh lương hằng năm của công ty đều đã tính kèm hệ số thâm niên. Vả lại doanh nghiệp chỉ vừa hồi phục sau một thời gian dài rất khó khăn, mong công nhân chia sẻ, nếu thời gian tới doanh thu khá sẽ tiếp tục tăng phụ cấp. Được giải thích cặn kẽ, công nhân đã sẵn sàng thông cảm với chủ doanh nghiệp.

Trước đây có một quản lý người Hàn Quốc học tập mô hình ở Trung Quốc, đề nghị các công nhân khi đi vệ sinh phải mang theo một cây cờ để biết khâu nào đang vắng trong chuyền sản xuất. Lập tức trong cuộc đối thoại, công nhân phản ứng rằng điều đó không phù hợp với tâm lý người Việt. Quy định chưa áp dụng đã bị bãi bỏ ngay. Tôi nhận thấy trong những bức xúc của công nhân, vấn đề quan hệ lao động có khi còn lớn hơn quyền lợi.

* Từ góc độ công nhân, bà Dung thấy thế nào?

- Bà Vương Thị Dung: Tôi đồng ý với ý kiến đó. Đã không đủ điều kiện ăn học để làm chủ, chúng tôi làm thuê và biết chấp nhận hoàn cảnh, mong được yên ổn đi làm, lãnh lương để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con hay tích lũy ít vốn cho sau này.

Chúng tôi mong mình được tôn trọng và được trả lương xứng đáng với công sức lao động, được hưởng các khoản phụ cấp hợp lý. Ở công ty tôi có nhiều công việc phải tiếp xúc với hóa chất, phải nhìn qua kính hiển vi nhưng không được phụ cấp độc hại. Sản lượng làm ra vượt mức quy định lại không được thưởng. Nghỉ phép, nghỉ bệnh bị trừ tiền chuyên cần... Nếu những bất hợp lý đó được lắng nghe, được giải quyết kịp thời thì đâu có chuyện phản ứng như đình công đã xảy ra vào tháng 5-2011.

* Nếu không thể dung hòa được lợi ích giữa giới chủ và công nhân, ông sẽ đứng về bên nào?

- Ông Nguyễn Thanh An: Tôi đứng về phía đúng. Chủ doanh nghiệp đúng, tôi sẽ giải thích, thuyết phục công nhân. Công nhân đúng, tôi sẽ đấu tranh với doanh nghiệp đến cùng, không đủ lực thì mời công đoàn cấp trên. Làm sao cho đúng lương tâm của mình.

Tôi tâm niệm nhiệm vụ của mình là bảo vệ quyền lợi công nhân nhưng không có nghĩa là đối đầu với doanh nghiệp. Đây là quan hệ hai bên cùng có lợi, tăng quyền lợi công nhân là để giúp doanh nghiệp đi lên.

* Đình công có phải là giải pháp cuối cùng của công nhân để đấu tranh đòi quyền lợi?

- Bà Vương Thị Dung: Nhiều năm làm công nhân tôi đã chứng kiến ít nhất ba cuộc đình công. Sau đình công thì một số chế độ của chúng tôi cũng được cải thiện. Nếu chủ doanh nghiệp cải thiện sớm thì tốt hơn, công nhân không ai thích đình công cả. Nếu có những cuộc đối thoại cởi mở giữa hai bên, tôi nghĩ đình công sẽ không xảy ra.

- Ông Nguyễn Thanh An: Ở Việt Nam Samho, chúng tôi có một may mắn là công đoàn được hậu thuẫn lớn từ các khách hàng của công ty. Các hãng như Nike, Adidas có quy chuẩn về sản phẩm rất cao, không chỉ về chất lượng mà cả về quan hệ lao động. Hằng năm họ đều tổ chức kiểm tra, khảo sát, phỏng vấn công nhân về điều kiện làm việc và quan hệ với doanh nghiệp. Nhờ thế việc bảo đảm quyền lợi cho anh em của công đoàn chúng tôi cũng thuận lợi hơn.

Tôi rất hiểu với đồng lương công nhân hiện giờ đời sống rất khó khăn, đối thoại giúp tôi có nhiều câu chuyện cụ thể, thuyết phục hơn mỗi lần ngồi vào bàn thương lượng điều chỉnh lương với lãnh đạo công ty. Đợt kỷ niệm 30-4 vừa rồi, theo dõi thấy tình hình kinh doanh khả quan, tôi đề xuất thưởng mỗi công nhân nửa tháng lương. Tiền thưởng ấy là niềm vui của công nhân và niềm vui ấy cũng đã giúp mình vượt khó trong công việc của mình.

Ông Đặng Ngọc Tùng (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam):

Trả lương bèo, vẫn nói “người lao động là vốn quý”

uU13rl8x.jpgPhóng to
Ông Đặng Ngọc Tùng - Ảnh: CTV
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 26-6, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng nói ông mới chỉ biết sự việc xảy ra ở Công ty Giai Đức Việt Nam qua báo chí vì ông bận đi công tác xa. “Đây là sự việc rất nghiêm trọng, tôi đang chuẩn bị bay ra Hà Nội và sẽ lập tức yêu cầu Liên đoàn Lao động Hà Nội đến tận nơi tìm hiểu, làm rõ sự việc và báo cáo lên tổng liên đoàn” - ông Tùng nói.

Đề cập tình hình đời sống công nhân tại hội nghị đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 23-6, ông Tùng nói: “Từ đầu năm đến nay, bão giá đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của công nhân. Nhiều người cứ nghĩ làm việc trong khu vực FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) thì sướng, nhưng sự thật đây là khu vực mà người lao động rất khổ. Tôi đã trực tiếp gặp các ông chủ nước ngoài, hỏi rằng tại sao các ông trả công nhân chúng tôi mức lương bèo như vậy, thì nhận được câu trả lời là “đâu có, công ty tôi trả lương cao hơn mức lương tối thiểu của Nhà nước Việt Nam quy định rồi mà”.

Nhưng lương tối thiểu chúng ta quy định như vậy thì không tài nào đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người công nhân. Nếu chúng ta không sửa đổi quy định không hợp lý này thì chủ doanh nghiệp cứ dựa vào đó để trả lương. Nhiều công ty cho công nhân ăn bữa trưa chỉ với suất 7.000-9.000 đồng, ăn vậy thì lấy sức đâu mà làm. Tôi nói với nhiều chủ doanh nghiệp rằng trước khi tôi vào công ty làm việc với ông thì tôi đã ăn bát phở 25.000 đồng, đó là phở bình thường chứ phở đặc biệt là 50.000 đồng, ông cho công nhân ăn suất ăn bèo như vậy mà cứ nói “công ty chúng tôi luôn coi người lao động là vốn quý” được sao?”.

LÊ KIÊN

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên