15/07/2015 14:08 GMT+7

Cán bộ y tế đem lòng mình ra cam kết...

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Các cán bộ y tế hãy cam kết với chính mình, đem lòng mình cam kết với bệnh nhân chứ không phải là cam kết với cấp trên.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi quyết liệt như thế tại hội nghị triển khai kế hoạch và ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” tổ chức ngày 14-7 với sự tham dự của 26 bệnh viện tại khu vực phía Bắc.

Cười thế nào?

Tại hội nghị, Bộ Y tế đưa ra tám nội dung cơ bản cần thực hiện tại các đơn vị y tế. Trong đó nhấn mạnh đến việc tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp với người bệnh cho cán bộ y tế, đồng thời phục vụ theo phương châm “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.

Dịp này ngành y tế còn đưa ra bộ tài liệu hướng dẫn kỹ năng giao tiếp ứng xử của cán bộ y tế, trong đó tập trung hướng dẫn các quy tắc, tình huống ứng xử mẫu cho từng chức danh công việc của cán bộ y tế (từ bác sĩ, điều dưỡng đến trông xe, bảo vệ...) ở từng tình huống cụ thể.

Ông Phạm Văn Tác - vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - cho rằng khác với tiếp viên hàng không lúc nào cũng tươi cười, cán bộ y tế có đặc thù riêng trong từng tình huống cụ thể phải thể hiện thái độ làm sao hợp lý.

Ví dụ trong lúc thông báo tin xấu về bệnh tình người bệnh với người nhà hay với những trường hợp nguy kịch cần tỏ thái độ cảm thông, ý nhị chứ không phải lúc nào cũng có thể tươi cười, niềm nở.

Phụ thuộc vào “con người”

Theo ông Tác, việc thực hiện cam kết trên thực tế cần sự hợp tác từ lãnh đạo bệnh viện đến các cán bộ, nhân viên y tế.

Ông Tác ví dụ ở những bệnh viện lớn, quá tải, nếu như một bác sĩ hôm nào cũng khám cho khoảng 100 bệnh nhân thì làm sao có thời gian thực hiện việc chào hỏi, xin phép với bệnh nhân theo đúng nội quy đã cam kết. Do đó người lãnh đạo bệnh viện cũng phải có sự bố trí, điều phối công tác của nhân viên hợp lý.

Lãnh đạo một bệnh viện có mặt tại hội nghị cho rằng những ý kiến lo ngại phong trào lần này vẫn dừng lại ở phong trào là có cơ sở, vì trước đây đã có nhiều phong trào của ngành y chỉ dừng lại ở hình thức, đã có lúc “cao trào” nhưng rồi lại thành “thoái trào”.

Lần này, muốn thực hiện có kết quả phải phụ thuộc vào sự quyết tâm từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến các cán bộ y tế. Quan trọng là phải thay đổi tư duy, xem người bệnh là khách hàng cần được phục vụ.

Ông Nguyễn Quốc Anh, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng trao đổi rằng việc cứu chữa bệnh nhân phải được đặt lên hàng đầu.

Trong những tình huống như cấp cứu, có thể bác sĩ quên mất việc chào hỏi mà tập trung vào việc cứu người thì cũng cần được xem xét. Do đó, cũng không quá cứng nhắc mà cần linh động để bảo đảm được quyền lợi của cả bác sĩ và người bệnh.

Ngay tại hội nghị, bốn bệnh viện là Bạch Mai, Việt Đức, Nhi T.Ư, Bệnh viện K đã ký cam kết thực hiện theo từng mức độ: giữa cán bộ y tế với trưởng khoa, phòng; giữa trưởng khoa với giám đốc bệnh viện; giữa giám đốc bệnh viện với lãnh đạo Bộ Y tế, công đoàn ngành y tế.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên