Sinh viên khoa giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học- Ảnh: N.HÙNG |
“Chất lượng các trường sư phạm trên toàn quốc không đồng đều, chưa có những cơ sở đầu ngành được đầu tư để gánh vác trách nhiệm đi đầu và dẫn dắt, hỗ trợ các cơ sở khác trong mạng lưới. Vì thế, cần tập trung đầu tư có trọng điểm (không dàn đều phân tán) để có được một mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm hiệu quả |
Bà Nguyễn Thúy Hồng |
Theo đó, hệ thống trường sư phạm trên cả nước sử dụng cùng một chương trình thống nhất để đảm bảo chuẩn về chất lượng.
Một loạt trường sư phạm loay hoay tìm hướng đổi mới và ít nhiều đã thắp lên những điểm sáng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều trường sư phạm, đặc biệt là các khoa sư phạm trong các trường ĐH đa ngành ở địa phương còn trì trệ, lạc hậu cả chương trình đào tạo, phương thức đào tạo.
Việc này tạo nên một mặt bằng chất lượng giáo viên trồi sụt, với những cách biệt khá xa về chất.
Không thể “mạnh ai nấy làm”
Trao đổi về thực trạng này, bà Nguyễn Thúy Hồng, phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: “Quy mô mạng lưới các trường sư phạm đã quá nhiều nhưng lại thiếu kết nối trong quy hoạch đào tạo giáo viên.
Cụ thể, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm trong khi ở nhiều địa phương đã có dư dôi giáo viên cấp THPT, THCS nhưng lại thiếu giáo viên mầm non hoặc giáo viên phổ thông một số môn đặc thù, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Chương trình đào tạo giáo viên cũng bộc lộ bất cập là chưa sát với thực tiễn hành nghề của giáo viên tại các nhà trường và thời lượng dành cho việc thực hành kỹ năng nghề chưa đủ. Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực cho chính các trường sư phạm”.
Bày tỏ sự quan tâm đặc biệt với việc đào tạo giáo viên, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: “Bộ đang xây dựng chuẩn giáo viên và quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng gắn kết các trường sư phạm thành một chuỗi.
Chương trình sư phạm các cấp tiến tới một chương trình thống nhất, chuẩn hóa”.
“Sẽ mời các giáo sư, chuyên gia có kinh nghiệm để xây dựng chương trình đào tạo giáo viên chuẩn phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới, phản biện chương trình để áp dụng trong toàn quốc.
Các trường sư phạm phải bám sát chương trình chung được chuẩn hóa này để xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại” - ông Nhạ chia sẻ về hướng sẽ triển khai sắp tới.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ chỉ giao cho một số trường có uy tín đào tạo sư phạm, tránh tình trạng một số trường hiện nay không có chức năng sư phạm nhưng vẫn mở thêm khoa đào tạo giáo viên.
Vừa qua, Chính phủ đã có quyết định chuyển các trường trung cấp, cao đẳng về Bộ LĐ-TB&XH nhưng riêng sư phạm vẫn do Bộ GD-ĐT quản lý.
Ông Nhạ giải thích: “Như vậy để tránh tình trạng có trường cao đẳng không phải trường sư phạm nhưng có ngành sư phạm, dẫn tới không thống nhất trong đào tạo”.
Với định hướng này sẽ không còn tình trạng mạnh ai nấy làm, các trường sư phạm phải đảm bảo chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng tối thiểu để giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn tới.
Tăng thời lượng thực hành nghề
Một trong những bất cập lớn trong đào tạo giáo viên hiện nay, theo bà Nguyễn Thúy Hồng, là nội dung dạy nghề chưa sát với thực tiễn hành nghề của giáo viên tại các nhà trường và thời lượng dành cho việc thực hành kỹ năng nghề chưa đủ.
Điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực cho chính các trường sư phạm.
Theo bà Hồng, bất cập này cần được giải quyết đồng bộ từ cơ sở đào tạo đến cơ quan quản lý về giáo dục.
“Hiện tại một số trường sư phạm đã phối hợp cùng nhau trên cơ sở phát huy vai trò của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường ĐH sư phạm.
Việc điều chỉnh chương trình đào tạo sư phạm được thực hiện ở cả việc đổi mới nội dung chương trình, sắp xếp thời lượng đào tạo theo hướng cập nhật những nội dung mới của khoa học giáo dục hiện đại cũng như các vấn đề của thực tiễn giảng dạy môn học và giáo dục học sinh ở nhà trường phổ thông, mầm non”, bà Hồng cho biết.
Liên quan tới việc tăng tính kết nối giữa cơ sở đào tạo sư phạm với các trường phổ thông, bà Nguyễn Thúy Hồng chia sẻ đây cũng là nội dung Bộ GD-ĐT quan tâm
và khuyến khích các trường sư phạm xây dựng các trung tâm nghiệp vụ sư phạm, các trường thực hành trong trường sư phạm, cũng như kết nối với các trường ở địa phương để tạo thành hệ thống trường thực hành sư phạm cho riêng mình.
“Việc đưa sinh viên, giảng viên xuống trường mầm non, phổ thông và ngược lại mời giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giỏi ở các trường mầm non, phổ thông đến trường sư phạm chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn thực hành nghề đã được chú trọng hơn trong vài năm gần đây.
Đã có không ít trường làm tốt điều này như các trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, Sư phạm TP.HCM” - bà Hồng nhận xét.
Sẽ chọn 8 cơ sở giáo dục ĐH là “đầu tàu” cho cả mạng lưới Theo Bộ GD-ĐT, “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (Chương trình ETEP) vay vốn của Ngân hàng Thế giới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2016. Mục tiêu của Chương trình ETEP là phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Sẽ có khoảng bảy trường sư phạm và một học viện quản lý giáo dục được lựa chọn để đầu tư nâng cao năng lực cho giáo viên và xác định đây sẽ là tám đơn vị chủ chốt, đầu tàu cho mạng lưới các trường sư phạm sắp tới. Các trường này sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các trường sư phạm khác cùng phát triển”. |
Các kỳ trước: >> Kỳ 1: Tăng việc rèn nghề >> Kỳ 2: Dạy cả cách đi đứng, nói năng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận