20/01/2017 14:36 GMT+7

Đổi mới đào tạo sư phạm - Kỳ 1: Tăng việc rèn nghề

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
VĨNH HÀ - NGỌC HÀ

TTO - Năm 2017, ngành sư phạm đã trải qua 70 năm xây dựng, phát triển. Không đổi mới sẽ không thể nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - nguồn lực quyết định thành bại của việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay.

Các sinh viên sư phạm học nhóm môn lịch sử địa phương - Ảnh: NAM TRẦN
Các sinh viên sư phạm học nhóm môn lịch sử địa phương - Ảnh: NAM TRẦN

Và nhiều trường sư phạm trong cả nước đã bắt tay vào đổi mới nội dung, chương trình học để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Cho học sinh thực tập ở trường phổ thông theo lịch vài ba buổi/tuần hay thực hiện thực tập theo đợt tập trung 1-2 tháng hiện đang còn có những quan điểm khác nhau giữa các trường sư phạm.

Tuy nhiên, mục đích của lãnh đạo các cơ sở đào tạo giáo viên đều mong muốn tìm kiếm một sự thay đổi cho sinh viên được cọ xát hoặc “nhúng” vào môi trường dạy học thực sự ở phổ thông.

Để làm tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu, trường sư phạm phải gắn bó với trường phổ thông, đóng vai trò tư vấn cho các trường phổ thông, phải lôi kéo cho được các nhà giáo ở phổ thông tham gia tích cực vào quá trình đào tạo của mình

Bà NGUYỄN THỊ BÌNH  (nguyên phó chủ tịch nước)

Đi thực tập từ sớm

TS Đỗ Hồng Cường, phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Đô, chia sẻ ông từng có mong muốn cho sinh viên đi thực tập tại trường phổ thông từ năm thứ nhất, khi họ chưa trải qua các môn học khác trong chương trình.

“Nghề sư phạm cần những tố chất đặc biệt, những kỹ năng đặc biệt so với nhiều ngành khác. Vì thế khi nghĩ tới điều này, tôi muốn sinh viên mới được nhúng ngay vào môi trường dạy học ở phổ thông để các bạn ấy sớm nhận ra mình hợp hay không với nghề này và có sự điều chỉnh kịp thời” - ông Cường chia sẻ.

“Một ưu điểm của việc thực tập định kỳ theo tuần là sinh viên có thể phản hồi ngay những vấn đề cần phải giải quyết trong buổi thực tập sau khi trở về trường.

Những phản hồi này sẽ được giảng viên phụ trách hướng dẫn hỗ trợ, hoặc trao đổi với giáo viên ở trường phổ thông cùng phối hợp giải quyết” - ông Đỗ Hồng Cường cho biết.

Còn PGS.TS Lê Kim Long, hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết yêu cầu thực tập bắt buộc đối với sinh viên chỉ có khoảng 2 tháng, tương ứng với 4 tín chỉ nhưng trường đã liên hệ với nhiều trường vệ tinh để gửi sinh viên đến thực tập theo hình thức tự nguyện.

Theo đó, sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập để dành thời gian xuống các trường phổ thông.

Ở các trường sinh viên có thể được nhà trường giao các việc cụ thể hoặc tham gia một số hoạt động giáo dục thường xuyên.

Điều này theo PGS Long là “rất cần kết hợp linh hoạt nhiều hình thức thực tập sư phạm để từ đó sinh viên rút ra các bài học thực tế, tự điều chỉnh hoặc phản hồi để giáo viên phổ thông hoặc giảng viên phụ trách thực tập hỗ trợ”.

Theo một khảo sát của ThS Hoàng Thị Hạnh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, trong số 300 sinh viên được khảo sát trước khi thực tập, có trên 72% số sinh viên cho rằng tầm quan trọng của việc soạn giáo án tốt xếp số 1, có trên 50% số sinh viên cho rằng việc tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp đối với giáo viên không quan trọng.

Nhưng khảo sát sau khi thực tập đã cho kết quả khác hẳn: 43,5% cho rằng hoạt động ngoài giờ lên lớp quan trọng và 52,5% cho rằng rất quan trọng.

Theo cô Hạnh, khảo sát trên cho thấy rõ ràng sự cọ xát trong môi trường dạy học thực tế làm thay đổi nhận thức sinh viên rất nhanh.

Trao đổi về việc này, TS Phạm Kim Anh - Viện nghiên cứu sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 - cho biết: “Một sinh viên sư phạm giỏi không thể chỉ giỏi kiến thức khoa học cơ bản mà phải giỏi về nghiệp vụ sư phạm, có kỹ năng nói, viết tốt, khả năng xử lý linh hoạt các tình huống sư phạm”.

TS Kim Anh cho rằng thời lượng thực tập đối với sinh viên sư phạm cần nâng lên 1 năm thay vì chỉ 3-4 tuần như hiện nay.

Giảng viên hướng dẫn cách sử dụng, đọc hiểu các đồ vật khảo cổ trong giờ nghiệp vụ sư phạm tại Trường ĐH Thủ Đô - Ảnh: NAM TRẦN
Giảng viên hướng dẫn cách sử dụng, đọc hiểu các đồ vật khảo cổ trong giờ nghiệp vụ sư phạm tại Trường ĐH Thủ Đô - Ảnh: NAM TRẦN

Giáo viên phổ thông bước vào giảng đường ĐH

Theo TS Đỗ Hồng Cường, để sinh viên ngành sư phạm có những hình dung về nghề, những khó khăn cần vượt qua, những vấn đề cần chuẩn bị trước cả về tâm lý và chuyên môn khi bước vào nghề giáo, trường cho phép các ngành sư phạm được mời giáo viên phổ thông về nói chuyện, trao đổi, giao lưu với sinh viên.

“Chúng tôi mời cả cán bộ giáo dục về trao đổi để sinh viên biết cách thức quản lý một trường học như thế nào, giáo viên cần phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu nào khi làm việc trong một trường học” - ông Cường chia sẻ.

Còn ở Trường ĐH Giáo dục, PGS Lê Kim Long cho biết trường đã mời một số người từng là giáo viên phổ thông về làm việc như cán bộ cơ hữu.

Dĩ nhiên, những người này sẽ phải bồi dưỡng nâng cao trình độ nhưng với “thế mạnh” từng dạy học ở bậc phổ thông, họ được giao trọng trách hướng dẫn sinh viên thực hành nghề.

Cụ thể, các cộng tác viên này là những người giúp đỡ trường trong việc xây dựng kế hoạch thực tập cho sinh viên, trực tiếp hướng dẫn sinh viên trong các đợt thực tập, tham gia các buổi tổng kết, rút kinh nghiệm trong học tập nghiệp vụ của sinh viên.

Cũng chú trọng việc tương tác giữa trường ĐH và trường phổ thông, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên còn đưa ra cơ chế đưa giảng viên về trường phổ thông để đồng hành cùng sinh viên trong quá trình thực tập.

Những giảng viên này không chỉ là những người dạy môn nghiệp vụ mà cả người dạy môn khoa học cơ bản. Ngoài việc hỗ trợ sinh viên, giảng viên có trách nhiệm quan sát, phân tích về các vấn đề trong thực tiễn dạy học để báo cáo về trường.

Ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1, theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng nhà trường, Trung tâm nghiên cứu phát triển nghiệp vụ sư phạm của trường đã thiết kế các “mẫu” cho sinh viên tìm hiểu trước khi đi thực tập.

Nhờ thế, sinh viên sẽ hình dung được những thao tác cần làm chuẩn bị cho một tiết học, công việc của chủ nhiệm lớp, cách soạn giáo án, trình tự một tiết học ở phổ thông...

Đây là công đoạn mà ông Minh gọi là “nền tảng” cần chuẩn bị trước khi đi thực tập. Việc cọ xát với thực tế trong kỳ thực tập sẽ giúp sinh viên soi rọi lại nền tảng đã tiếp cận trước đó.

Tìm kiếm “vệ tinh”

Ngoài trường phổ thông thực hành trực thuộc các cơ sở đào tạo, các trường sư phạm hiện nay cũng thiết lập mạng lưới “vệ tinh” là các trường phổ thông.

Các vệ tinh không chỉ là nơi tiếp nhận sinh viên thực tập mà còn hỗ trợ đào tạo bằng việc để sinh viên được cọ xát với thực tiễn dạy học, giáo dục, tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo, giao lưu, trao đổi nghiệp vụ sư phạm...

PGS.TS Lê Quang Sơn và PGS.TS Võ Văn Minh, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho biết họ đã áp dụng mô hình trường vệ tinh để phục vụ đổi mới đào tạo giáo viên.

Trong đó, giáo sinh sẽ tham gia trợ giảng cho giáo viên, hỗ trợ công nghệ thông tin, soạn bài, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, giúp học sinh nghiên cứu khoa học.

Giáo viên trường vệ tinh giúp giáo sinh tích lũy kinh nghiệm dạy học, tổ chức hoạt động giáo dục... Hệ thống trường vệ tinh của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng trải từ mầm non đến trung học.

___________

Kỳ tới: Dạy cả cách đi đứng, nói năng

VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên