Ông Nguyễn Chí Trung, phường Hà Cầu, Q.Hà Đông (Hà Nội), sau hơn 30 năm nộp sáu giấy chứng nhận gốc khen thưởng thành tích trong chiến đấu, đến nay ông cũng không rõ 4 giấy khen, 1 bằng khen, một huân chương chiến công hạng ba của ông đang nằm ở đâu - Ảnh: X.L. |
Trước đó, Tuổi Trẻ Online có đăng bài "Hàng trăm huân chương ngủ quên trong tủ 30 năm” ở tỉnh An Giang gây bức xúc trong dư luận.
Nộp đủ giấy tờ gốc, không biết huân chương, bằng khen ở đâu?
Theo ông Nguyễn Chí Trung (61 tuổi) ở số 37 Hà Trì 1, phường Hà Cầu (Q.Hà Đông, Hà Nội), ông cũng là “nạn nhân” của câu chuyện giấy khen, bằng khen, huân chương “ngủ quên” trong tủ.
Ông Trung kể tháng tháng 8-1973 ông nhập ngũ, quân số thuộc đơn vị C6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 95, quân khu 5. Sau chiến đấu, đến năm 1982 ông xuất ngũ trở về địa phương.
“Trong 10 năm chiến đấu, bốn lần tôi được giấy khen, một lần được bằng khen, một lần được huân chương chiến công hạng ba. Khi đó trong chiến trường chỉ có cấp giấy chứng nhận khen thưởng để sau này đổi thành giấy khen, bằng khen, huân chương” - ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, để đổi các giấy chứng nhận kể trên sang 4 giấy khen, 1 bằng khen, 1 huân chương chiến công hạng ba, ngày 2-4-1983 ông lên Ban chỉ huy quân sự thị xã Hà Đông nộp tất cả sáu giấy chứng nhận bản gốc.
Theo ông Trung, đến năm 2010 phường Hà Cầu, (lúc đó là quận Hà Đông) thông báo lên làm tờ khai về khen thưởng trong kháng chiến.
Sau kê khai, cán bộ phường đội giữ luôn bản gốc giấy xác nhận của Ban chỉ huy quân sự thị xã Hà Đông về việc đã giữ sáu giấy chứng nhận khen thưởng trước đây.
Thế nhưng, đến nay ông vẫn chưa nhận được bằng khen hay huân chương nào.
Lo sợ thất lạc giấy tờ gốc, ông Nguyễn Văn Lập ở địa chỉ K33-20B khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông, quyết định tự giữ lại giấy chứng nhận huân chương chiến công, cất trong tủ suốt hơn 30 năm - Ảnh: Xuân Long |
Không chỉ là cá biệt
Cùng là bạn chiến đấu với ông Trung, ông Nguyễn Văn Lập (63 tuổi), thương binh hạng 2/4, ở địa chỉ K33-20B khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông cũng một lần bị thất lạc giấy tờ gốc về khen thưởng. Khi tìm lại được ông đã chọn cách không đi đổi từ giấy chứng nhận sang huân chương.
Ông Lập cho biết ông nhập nhập ngũ tháng 8-1973, đến năm 1980 xuất ngũ về công tác tại Trường đại học Công đoàn.
“Khi đó nhà trường cũng phổ biến nộp lại các giấy chứng nhận khen thưởng trong quá trình chiến đấu để cấp đổi thành bằng khen, huân chương. Tôi có nộp 1 giấy chứng nhận khen thưởng huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba, 1 giấy chứng nhận huân chương chiến công. Đến tận năm 1991, khi thấy chưa được đổi sang huân chương, tôi đi tìm mới thấy vẫn ở trong tủ của phòng quân sự tại trường. Vì thế tôi quyết định tự giữ cho đến nay” - ông Lập nói.
Theo ông Lập, sở dĩ ông quyết định tự giữ các những giấy chứng nhận khen thưởng huân chương làm kỷ niệm, không đổi sang huân chương cũng vì lo sợ các đơn vị làm thất lạc giấy tờ gốc.
Còn giấy tờ khen thưởng vẫn được hưởng đủ các chế độ Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Minh Hương, trưởng phòng người có công (Sở Lao động - thương binh & xã hội Hà Nội), cho biết về thực thi các chế độ trợ cấp không có quy định nào yêu cầu nộp giấy tờ bản gốc. Trong trường hợp không còn giấy tờ gốc, bà Hương cho biết vẫn có thể làm thủ tục kê khai và nộp kèm các giấy chứng nhận, giấy tờ xác nhận của các nơi đã thu giấy tờ gốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận