Trước mặt họ là rất nhiều dụng cụ thủ công - từ đất sét, bút màu đến bìa các tông. Người điều phối lớp học, Trương Đoàn Huỳnh Long (sinh năm 1995), giải thích:
“Các bạn hãy sử dụng mọi chất liệu theo ý muốn. Hãy thiết kế một tổ chức mà bạn muốn là một phần ở đó. Trông nơi ấy sẽ như thế nào?”.
Đó là khung cảnh một lớp học về sự hạnh phúc và thịnh vượng, thuộc dự án Astrodemy do Huỳnh Long sáng lập.
Sống chậm và đi tìm ý nghĩa cuộc đời
Long khởi động dự án Astrodemy, với mong muốn chia sẻ những kiến thức về kỹ năng nhận thức và phát triển bản thân.
Ban đầu, dự án tập trung vào những người trẻ từ 20 đến 27 tuổi, giai đoạn sắp tốt nghiệp đại học và bắt đầu bước chân vào thị trường lao động.
“Chúng tôi cung cấp các kỹ năng và nhận thức cần thiết để các bạn trẻ bước vào thị trường lao động vững vàng với cả tư duy lẫn năng lực.
Trong thời gian ngắn, dự án tổ chức được 10 lớp học mang chủ đề “Nhận ra mình còn Thức”, với hơn 300 bạn trẻ tham dự mỗi lớp”, Long chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, chàng trai sinh năm 1995 nhận thấy có thiếu sót “ở đâu đó”.
Tháng 5-2021, Huỳnh Long thực hiện chương trình “Xây dựng và gắn kết đội ngũ” kéo dài 4 ngày tại một trường mầm non tại Biên Hòa.
Người học là nhóm lãnh đạo và giáo viên của trường, chủ yếu ở độ tuổi trưởng thành từ 27 đến 45. Sau khóa học, nhóm của Long còn được trường đề nghị phổ biến chương trình cho phụ huynh.
Đây là bước ngoặt khởi đầu cho sự thay đổi. Long kể: “Chúng tôi nhận ra hiệu quả và sự bền vững khi làm việc với nhóm trưởng thành - những người đã có tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tài chính và cả những va vấp.
Cách họ thực hành sau khi trở về từ lớp học rất khác so với nhóm các bạn trẻ”, anh giải thích.
Với sự cẩn trọng, Huỳnh Long tiếp tục thực hiện một hoạt động kéo dài 6 tháng mang tên “Nối kết”.
Dự án tập trung tìm ra giải pháp xây dựng lại vòng tròn kết nối giữa phụ huynh, giáo viên và trẻ em sau ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Long nhận xét: “Dịch bệnh khiến mỗi người phải đối diện với chính mình và tìm cách vượt qua những căng thẳng, xung đột và khủng hoảng bên trong nội tâm.
Mỗi người tự hỏi điều gì là quan trọng với họ, làm thế nào để vượt qua những cảm xúc khó khăn, và họ đang sống vì điều gì?”.
Bản thân Long cũng nhìn lại những chương trình mình đã làm, hiểu rằng cần có sự thay đổi để hiệu quả hơn, đồng thời tiếp nhận được một khái niệm mới: “well-being” - sự hạnh phúc và thịnh vượng với 5 chiều cạnh chính gồm nghề nghiệp, thể chất, tài chính, cộng đồng và xã hội.
“Mọi người bắt đầu đi tìm những giá trị từ bên trong như: sự cân bằng trong công việc; cảm giác thuộc về và được lắng nghe, tôn trọng, chia sẻ; sự tin cậy trong môi trường làm việc; hay thời gian để rèn luyện sức khỏe, kết nối với cộng đồng; vững vàng về tài chính, thay vì chỉ tập trung vào lương thưởng và phúc lợi”, chàng trai 9X nói.
Từ tháng 6-2022, dự án Astrodemy đã và đang mở các khóa đào tạo và tư vấn giúp người học tìm đến sự hạnh phúc và thịnh vượng của cá nhân, và xa hơn là cho một tổ chức và cộng đồng bền vững, với nhóm học viên chính là người trưởng thành, cung cấp các kỹ năng để xây dựng 5 chiều cạnh của well-being.
Dẫn dắt bằng trái tim
Mỗi lớp học kéo dài hai ngày, từ 8h sáng đến 17h30, và ứng dụng phương pháp giáo dục trải nghiệm thông qua thiết kế bối cảnh.
Trong đó, học viên tương tác với nhiều bối cảnh và chất liệu như đất sét, hội họa, ánh sáng, chuyển động, âm thanh, từ đó quan sát những gì diễn ra bên trong mình như suy nghĩ, cảm xúc, kết hợp với các lý thuyết nền tảng.
Các trải nghiệm giúp học viên tìm ra vấn đề của bản thân và có những phương pháp thực hành phù hợp để cải thiện.
Là người trẻ, lại chọn đào tạo nhóm học viên trưởng thành trong một chủ đề “khó nhằn” đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và vốn sống, Huỳnh Long vừa làm vừa học, tự xây dựng giá trị cốt lõi của lớp học bên cạnh những tích lũy và trưởng thành của bản thân.
Long kể anh sinh ra trong gia đình làm nghề xây dựng. Năm Long 15 tuổi, vừa bước chân vào cấp III, gia đình xảy ra biến cố.
Từ hoàn cảnh ấm êm không cần lo nghĩ bất cứ điều gì, Huỳnh Long bắt đầu đối diện với những hoang mang về tương lai, và những suy tư về làm thế nào để gìn giữ, duy trì mối quan hệ bền vững, một cuộc sống hạnh phúc.
Khi tham gia một chương trình về phát triển năng lực lãnh đạo, Long đã “bắt” được nguồn cảm hứng trở thành người điều phối lớp học.
“Trong quá trình học, có một hoạt động mà hầu hết cả lớp đều chọn cùng phương án, chỉ một cô gái chọn phương án còn lại.
Lẽ thường, mọi người sẽ chọn câu trả lời theo số đông và bỏ qua thiểu số, nhưng cô giáo lại hỏi: Liệu cả lớp có thể làm gì để cô gái này cảm thấy muốn đồng hành? Tôi rất ấn tượng trước khoảnh khắc ý nghĩa ấy.
Người điều phối Hà Lan gốc Phi, khác biệt hoàn toàn về màu da, tôn giáo, ngôn ngữ nhưng mang lại cảm giác được kết nối. Cô không nói những điều to lớn, sẵn sàng cùng mọi học viên đi qua những cảm xúc khó khăn và không để ai cảm thấy bị lạc lõng”, Long chia sẻ.
Long cũng bước vào lớp đào tạo về well-being với nguồn cảm hứng và tâm thế của một người điều phối - biết lúc nào nên hỗ trợ, đồng hành và lùi lại để học viên được là chính mình, trải lòng và bộc lộ những tiềm năng.
Nhóm thực hiện dự án đã chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhất để giúp người học tập trung và có trải nghiệm tốt nhất, phương pháp điều phối cũng liên tục được cập nhật, nhờ một cộng sự “đặc biệt” của Huỳnh Long.
Thùy Linh, phụ trách phát triển sản phẩm của Astrodemy, cũng đồng thời là vợ Long.
Được truyền cảm hứng từ dự án và những nỗ lực của chồng, Linh chọn theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành hòa bình và xung đột tại Đại học Manitoba (Canada), giảng viên sẽ thiết kế các trải nghiệm trong lớp học đan xen với bài giảng.
Linh thu gặt những kiến thức về các kỹ năng và cách thức điều phối mới để chia sẻ và cập nhật cho dự án Astrodemy. Linh cũng là người chăm chút cho từng chi tiết nhỏ nhất trong không gian học.
“Đó là những công việc không tên nhằm loại bỏ tối đa những yếu tố gây nhiễu trong lớp. Tôi phụ trách từ thức ăn, nước uống, quan sát để xem có học viên nào khó tập trung, sử dụng mùi hương, cảm nhận xem không gian có đang quá nóng hoặc quá lạnh...”, Linh cho biết.
“Chúng tôi tâm niệm mỗi lớp học phải trở thành mô hình điển hình của một tổ chức hạnh phúc và thịnh vượng, cảm nhận được thế nào là well-being. Chúng tôi từng nghe hơn 100 bài nhạc chỉ để chọn được một bài cho lớp học”, Huỳnh Long nói thêm.
Mọi người đều xứng đáng hạnh phúc
Ngay từ khi khởi đầu dự án, chàng trai 9X nói anh đã xác định tinh thần cộng đồng và phi lợi nhuận, đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với khái niệm well-being và nâng cao nhận thức.
Huỳnh Long sẵn sàng chào đón những bạn trẻ mong muốn học nhưng hạn hẹp tài chính. Anh xây dựng quỹ cựu học viên, nơi người từng tham gia sẽ đóng góp học bổng cho học viên khóa sau.
“Chúng tôi sử dụng các vật dụng tái chế trong lớp học để làm chất liệu, ví dụ như bọc ni lông, lá cây, nhành củi. Địa điểm tổ chức cũng được tài trợ 100% nhằm giảm chi phí, cho phép nhiều người tiếp cận. Khi cảm nhận được tinh thần tương hỗ và nhân bản, mỗi học viên cũng mong muốn đóng góp bằng cách này hay cách khác”, Long cho biết.
Bước vào lớp, mỗi người sẽ thực hiện nghi thức “ngả mũ”, bỏ lại mọi vai trò, chức danh để kết nối với nhau như những người bạn.
Thay vì dùng tên thật, mỗi người tự đặt tên theo một giá trị cốt lõi mà họ mong muốn tìm kiếm nhất: “hạnh phúc”, "tôn trọng", “biết ơn”, “chia sẻ”, “niềm vui”...
Năm 2024, Long cũng mong sẽ khởi động lại các lớp học “Nhận ra mình còn Thức”, dành cho nhóm học viên trưởng thành, cùng với các lớp chuyên sâu cho những nhà quản lý, lãnh đạo tổ chức.
“Tôi hạnh phúc khi nhận được những lời cảm ơn, thấy niềm vui của mọi người khi rời lớp học. Tôi biết ơn tất cả những người đã đồng hành, trở thành một người bạn trong hành trình của tôi, và là cánh tay nối dài lan tỏa giá trị cho cộng đồng”.
Nhiều góc nhìn và trải nghiệm mới
Hoàng Ngọc Diệp Anh, hiện đang làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận Blue Dragon, biết đến dự án Astrodemy thông qua một đồng nghiệp. Cô nói mình có những ấn tượng đặc biệt về lớp học, từ mùi hương dễ chịu đến cách mọi người tương tác và kết nối.
“Mọi người không phán xét, sử dụng những từ ngữ tích cực và tử tế. Sau lớp học, tôi nhận ra những khía cạnh mình còn yếu như thể chất, và đã đăng ký học yoga để cải thiện.
So với thế hệ trước, các bạn trẻ hiện nay suy nghĩ nhiều hơn về phát triển toàn diện, thay vì chỉ tập trung vào mức lương hay nhu cầu cơ bản”, Diệp Anh nói.
Với chị Nguyễn Thị Hương, quản lý tại Trường mầm non FTF (tỉnh Vĩnh Phúc), tham gia lớp học mang lại cho chị nhiều góc nhìn mới mẻ về người trẻ. “Tôi nhận ra tuổi tác chỉ là con số.
Huỳnh Long và nhiều bạn trẻ khác trong lớp đều có những suy nghĩ sâu sắc, hiểu được bên trong mình. Tôi rất ấn tượng chia sẻ từ một cô bé chỉ 21 tuổi, nhưng đã quyết định rời đi vì không tìm thấy sự phát triển và cân bằng ở môi trường làm việc cũ.
Ở góc độ quản lý, chúng tôi thấy việc phải chuyển mình để phù hợp với nhu cầu của thế hệ lao động trẻ và phát triển nguồn nhân lực bền vững.
Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần tìm thấy sự hạnh phúc và thịnh vượng cho riêng mình. Bạn cần hạnh phúc, để thấy đời hạnh phúc”, chị chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận