GS Võ Tòng Xuân và chuyên gia Úc trao đổi về sản xuất lúa tại HTX An Phong, Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các HTX cần tiếp tục nâng cấp, trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân, tập hợp nông dân để tham gia sản xuất sạch, giảm chi phí và tăng giá trị sản phẩm... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.
Có lợi ích, nông dân sẽ tham gia
Ông Hoàng Minh Tâm - chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết thay vì vận động nông dân tham gia HTX cho "đông vui" như trước, chính quyền hỗ trợ xây dựng bộ máy HTX mạnh, hoạt động có hiệu quả.
Nông dân sẽ tự nhìn nhận, đánh giá và tự quyết định có tham gia HTX hay không. Với cách làm này, HTX Phú Điền và HTX Mỹ An (huyện Tháp Mười) đã thu hút tới 200 thành viên/HTX tham gia góp vốn.
Đồng Tháp cũng tập trung phát triển HTX từ mô hình hội quán, loại hình CLB, điểm sinh hoạt của nông dân trồng cây ăn trái, rau màu, lúa...
Các thành viên hội quán này gặp nhau hằng tuần để trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường... với sự tham gia thường xuyên của lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia. Gần 30 hội quán địa phương quan tâm chăm lo để có thêm nhiều HTX mới ra đời trong tương lai.
Trong khi đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), tiền thân là một tổ hợp tác với 53 thành viên, dù chỉ mới được thành lập (tháng 11-2017 với 60 thành viên) nhưng nhờ hoạt động khá hiệu quả nên từ đầu năm đến nay có thêm gần 100 hộ nông dân đăng ký gia nhập.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhẫn - giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tăng Hòa - cho biết phải "xem giò xem cẳng", lựa chọn kỹ càng mới cho tham gia.
Trước khi được nâng cấp thành HTX, ông Nhẫn cam kết sẽ mời doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao quy trình sản xuất lúa gạo sạch và bao tiêu giá cao. Bà con nông dân sẽ tham gia các tổ dịch vụ bơm tưới, thu hoạch, chăm sóc lúa.
Đặc biệt, HTX sẽ thành lập đội vận chuyển lúa của bà con đến tận kho của Công ty Lương thực Tiền Giang, vừa có thu nhập vừa đảm bảo chắc chắn đầu ra cho nông dân.
"Thực tế cho thấy lúa sạch do HTX sản xuất đã được doanh nghiệp mua cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Vụ lúa sắp tới sẽ tăng lên 20ha và có lộ trình tăng dần ở các vụ sau.
Kế hoạch vận chuyển lúa của nông dân đến kho của Công ty Lương thực Tiền Giang cũng được thực hiện có hiệu quả... Thành viên HTX có việc làm, thu nhập tăng, đời sống khá lên nên những người bên ngoài chủ động xin tham gia HTX" - ông Nhẫn cho biết.
Cơ hội của nền nông nghiệp sạch
Ông Nguyễn Thành Sơn - tổng giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp Tiền Giang - cho rằng HTX muốn tồn tại và phát triển bền vững thì trước hết các thành viên phải được tham gia bàn bạc, quyết định mục tiêu hoạt động.
HTX cần làm được việc tổ chức sản xuất sạch, xây dựng được thương hiệu nông sản, giải quyết được đầu ra cho nông sản bằng việc ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị hay doanh nghiệp.
"Nếu giữ được chi phí đầu vào thấp, giá bán sản phẩm cao, người dân sẽ tự giác xin vào HTX" - ông Sơn khẳng định.
Cũng theo ông Sơn, kinh nghiệm cho thấy muốn thành công thì HTX phải tự lực cánh sinh, không trông chờ Nhà nước hỗ trợ, không trông chờ ngân hàng cho vay vốn. Vấn đề là cần người lãnh đạo có tâm và mục tiêu, kế hoạch khả thi.
"Mục đích của HTX khác doanh nghiệp ở chỗ phục vụ thành viên và cộng đồng nhân dân chứ không phải chủ doanh nghiệp. Tính nhân văn của HTX là ở chỗ đó, nên những người được bầu vào ban giám đốc HTX phải luôn nghĩ đến lợi ích của thành viên và cộng đồng" - ông Sơn nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Châu cho rằng nếu làm tốt, mô hình HTX sẽ giúp tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp lớn và sạch, đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Thậm chí ở nhiều trường hợp chỉ tham gia sản xuất tập thể như HTX, nông dân mới giảm được chi phí, tăng thu nhập để làm giàu được.
Do đó, theo ông Châu, phải xây dựng HTX như một doanh nghiệp, tuyển dụng người tài điều hành sản xuất kinh doanh, chứ đừng cơ cấu anh A hay chị B làm lãnh đạo, cũng không thành lập HTX theo phong trào.
GS.TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng chỉ có HTX mới gắn kết nông dân lại với nhau để sản xuất lớn theo tiêu chuẩn toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại. Nông dân cứ làm ăn riêng lẻ chẳng khác gì lấy đá ghè chân mình.
Muốn ký hợp đồng đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp không thể xuống từng nhà thương lượng để ký với từng hộ.
"HTX chính là tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra làm việc với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng. Làm được, nông dân sẽ sản xuất ra được sản phẩm chất lượng, bán được giá cao" - ông Xuân nói.
Ông Trần Văn Phụng (chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Phước):
HTX kiểu mới đã phát huy hiệu quả
Rau thủy canh của HTX Nguyên Khang (thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) được thị trường tiêu thụ mạnh - Ảnh: B.LIÊM
Doanh thu bình quân 45 triệu đồng/xã viên/năm
Bình Phước hiện có 86 HTX, 1.315 tổ hợp tác và 1 liên hiệp HTX (với 4 HTX thành viên) đang hoạt động. Các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX thu hút hơn 20.000 người tham gia. Doanh thu bình quân một HTX đạt 6,3 tỉ đồng/năm, tổ hợp tác đạt 130 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX đạt 45 triệu đồng/người/năm và tổ hợp tác là 35 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, Bình Phước đã thành lập 37 HTX kiểu mới và 1 liên hiệp HTX, tập trung sản xuất kinh doanh những sản phẩm chủ lực như điều (hơn 173.000ha, chiếm hơn 50% diện tích điều của cả nước), hồ tiêu (hơn 17.000ha), rau sạch, bưởi da xanh, bơ, sầu riêng...
Trong đó, các HTX này đã xây dựng được các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: sản xuất rau thủy canh, dưa lưới nhà kính, sản xuất hồ tiêu sạch theo giống mới với năng suất cao, trồng ca cao xen dưới tán điều theo quy trình sản xuất sạch. Sản phẩm hạt điều của Liên hiệp HTX điều Bình Phước với 4 HTX thành viên (hơn 2.900ha) đang tổ chức xây dựng tiêu chuẩn Organic và Fair Trade của châu Âu và Mỹ.
Các HTX kiểu mới đã thu hút được 11 doanh nghiệp lớn địa phương tham gia làm thành viên HTX hoặc đầu tư thành lập HTX, hình thành mô hình liên kết sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm làm ra cho người dân.
Đến nay đã có 7 HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản an toàn với các đối tác uy tín trong và ngoài nước. Một số sản phẩm của các HTX đã xây dựng được thương hiệu như: rau thủy canh, bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng, hạt điều của Liên hiệp HTX điều Bình Phước.
Bình Phước cũng đang xây dựng các hình thức hợp tác, liên kết giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp bằng các hợp đồng cung cấp dịch vụ gắn với sản xuất, tiêu thụ và chế biến nông sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận