Lực lượng cứu hộ di dời các mảnh vỡ sau khi một ngôi trường trúng đạn pháo ở thành phố Chernihiv, phía Bắc Ukraine, ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
* Sau khi có thông tin Mỹ cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, một thành viên nội các của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng thông báo Anh sẽ có động thái tương tự từ nay đến cuối năm 2022. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng thế giới không thể đơn giản ngừng sử dụng dầu mỏ và khí đốt của Nga, song có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi theo hướng giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
* Ngày 8-3, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết nước này không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh các nước thành viên EU sẽ "trải qua khó khăn lớn" nếu khối này quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ông cho rằng các nước châu Âu rất phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga cho đến khi khối này có sự đạ dạng hóa về nguồn cung năng lượng.
* Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trong bài phát biểu lúc 22h45 ngày 8-3 (giờ Việt Nam). Nhà Trắng xác nhận thời gian bài phát biểu nhưng không nói rõ nội dung. Đây sẽ là một trong những biện pháp trừng phạt nặng.
Trong ngày, phía Nga đã cảnh báo khả năng giá dầu sẽ lên đến 300 USD/thùng.
* Hãng tin Interfax của Nga dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Matxcơva và Washington nên quay trở lại nguyên tắc "cùng tồn tại hòa bình" như thời Chiến tranh Lạnh. Theo phía Nga, nước này sẵn sàng thực hiện đối thoại chân thành và tôn trọng lẫn nhau với Mỹ. Matxcơva bày tỏ hy vọng có thể khôi phục trạng thái bình thường trong quan hệ Nga - Mỹ.
* Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khẳng định "châu Âu đã có giải pháp không phụ thuộc vào khí đốt của Nga" và đang thúc đẩy nhanh việc thực hiện để không phải lo lắng vào dịp mùa đông 2022-2023 tới đây.
* Ngày 8-3, Tỉnh trưởng tỉnh Sumy, miền Đông Bắc Ukraine, ông Dmytro Zhyvytsky cho biết lệnh ngừng bắn tạm thời nhìn chung đã được duy trì xung quanh thành phố Sumy, cho phép dân thường, trong đó có khoảng 1.000 sinh viên nước ngoài, được sơ tán qua hành lang nhân đạo.
Phát biểu trên truyền hình, ông Zhyvytsky nêu rõ, đoàn xe gồm 20-30 chiếc xe tư nhân đã rời đi từng đợt.
Xe buýt gắn dấu hiệu Chữ thập đỏ đưa dân di tản khỏi Sumy theo "hành lang nhân đạo" ngày 8-3 - Ảnh: REUTERS
* Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên "cần rất kềm chế" trong cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine. Theo đài truyền hình Trung Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Tập đã nêu lên "mối quan ngại sâu sắc" về tình hình hiện tại ở Ukraine.
Theo ông Tập, Trung Quốc, Pháp và Đức cần cùng nhau ủng hộ cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine.
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ít lần tỏ ra cay đắng về những hứa hẹn bảo vệ Ukraine nhưng thực tế khác xa.
“Chúng tôi nghe về những lời hứa đã 13 ngày rồi. Đã 13 ngày rồi từ khi người ta nói sẽ giúp đỡ chúng tôi từ trên trời, sẽ có máy bay, sẽ giao máy bay”, ông Volodymyr Zelensky nói trong clip phát trên Telegram.
Trong phát biểu đăng tải ngày 8-3, ông nói thẳng: "Trách nhiệm thực thi những lời hứa đó lại rơi vào những người ở phương Tây không đủ khả năng đi đến quyết định đã 13 ngày qua, rơi vào những người không thể bảo vệ cho bầu trời của Ukraine".
* Tập đoàn dầu khí Shell của Anh công bố ý định rút khỏi hợp tác khai thác dầu và khí đốt với Nga "theo mức độ giảm dần để phù hợp với các chỉ đạo mới của chính phủ Anh", nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
* Theo hãng tin Sputnik của Nga, ngày 8-3, Phó Thủ tướng Ukraine, bà Iryna Vereshchuk cho biết nước này đề nghị Nga mở các hành lang nhân đạo từ Volnovakha và Mariupol đến Zaporizhzhia, cũng như từ Kiev và Kharkov đến phía Tây Ukraine.
"Chúng tôi đã gửi cho phía Nga và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đề xuất các hành lang nhân đạo Volnovakha-Zaporizhzhia, Mariupol-Zaporizhzhia, thành phố Kiev và tỉnh Kiev-Tây Ukraine, cũng như tỉnh Kharkov-Tây Ukraine. Chúng tôi kêu gọi Nga chấp thuận ngay các tuyến đường này, thông báo cho các ủy ban Chữ thập đỏ và đảm bảo một lệnh ngừng bắn", Bà Vereschchuk cho biết.
Người dân Ukraine chen chúc ở ga tàu hỏa tại TP Odessa ngày 7-3. Việc di tản được đẩy nhanh hơn khi có thông tin Odessa sắp bị tấn công - Ảnh: AFP
* Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Josep Borrell đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Đây là cuộc trao đổi thứ hai giữa giới chức hai bên kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24-2.
* Ngày 8-3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đã xảy ra các vụ pháo kích làm hư hại cơ sở hạt nhân tại thành phố Kharkov của Ukraine, song không gây ra "hậu quả liên quan phóng xạ".
* Theo Trung tâm Kiểm soát quốc phòng LB Nga, các tàu khu trục "Donald Cook" và "Forrest Sherman" mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã tiến vào vùng Biển Baltic.
* Ngày 7-3, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết có thể sẽ có khoảng 5 triệu người từ Ukraine sơ tán sang các nước EU nếu chiến sự vẫn tiếp diễn.
* Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksander Kubrakov cho biết tính đến ngày 7-3, cơ sở hạ tầng nước này đã thiệt hại khoảng 10 tỉ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt.
* Nga cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã tổ chức sơ tán hơn 173.000 người, trong đó có hơn 44.000 trẻ em, khỏi những nơi mà Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở khu vực Lugansk và Donetsk, miền đông Ukraine. Những người này được sơ tán tới Nga và đang ở tại các trung tâm lưu trú tạm thời, các khách sạn.... Trẻ em có thể tiếp tục đi học, còn người lớn được sắp xếp công việc tạm thời.
* Trên Telegram ngày 8-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ tiếp tục đàm phán với Nga cho đến khi nào tìm được giải pháp có thể chấp nhận được. "Chúng tôi kiên quyết đàm phán đến khi tìm ra cách để nói với người dân chúng tôi rằng 'đây là cách chúng ta sẽ đi đến hòa bình'", ông Zelensky nói.
Các nhà đàm phán của Nga và Ukraine tại bàn đàm phán ở Belarus ngày 7-3 - Ảnh: AP
* Ngày 8-3, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo nước này đã "đóng băng" tài sản của thêm 32 quan chức, nhà tài phiệt Nga và Belarus. Tokyo cũng cấm xuất khẩu thiết bị lọc dầu sang Nga và cấm xuất khẩu sang Belarus những mặt hành đa năng có thể được dùng cho mục đích quân sự.
* Các hãng thông tấn Nga đưa tin, Nga đã đề xuất thiết lập các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường rời khỏi 5 thành phố của Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev, từ 14h giờ Việt Nam ngày 8-3 và đang chờ Ukraine thống nhất.
* Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo 500 binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai tới châu Âu để củng cố khu vực sườn NATO, bao gồm Ba Lan, Romania, Đức và Hy Lạp. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết động thái này nhằm hỗ trợ các lực lượng Mỹ đã đồn trú ở châu Âu để đối phó với chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã điều thêm 12.000 binh sĩ đến châu Âu, ngoài lực lượng đồn trú đã có trước đây.
* Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hiện 100% lực lượng Nga huy động áp sát biên giới Ukraine trước đây đã đi vào Ukraine. Lực lượng này trước đây được ước tính khoảng 150.000 - 200.000 binh sĩ.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến dịch quân sự tại Ukraine chỉ sử dụng "những người chuyên nghiệp" để đạt "các mục tiêu đã định sẵn". Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ông Putin nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng những người lính nghĩa vụ sẽ không tham chiến. Cũng sẽ không có việc huy động lính dự bị".
* 287 người Việt ở Ukraine từ Romania lên đường về nước. Phóng viên TTXVN từ thủ đô Bucharest cho biết chuyến bay sơ tán đầu tiên của Vietnam Airlines chở tổng cộng 287 người sơ tán, nhiều hơn 4 người so với dự kiến ban đầu. Sau chuyến bay đầu tiên này, dự kiến sẽ còn một chuyến nữa từ Bucharest vào ngày 10-3.
* Theo Hãng tin AP, vòng đàm phán thứ ba giữa các quan chức Nga và Ukraine kéo dài khoảng ba giờ ngày 7-3 và kết thúc mà không có thỏa thuận lớn nào về đình chiến hoặc ngừng bắn được công bố.
Cuộc đàm phán vòng 3 chỉ đạt được những tiến bộ nhỏ về hậu cần cho việc sơ tán dân thường, mọi thứ hầu như không thay đổi, nhà đàm phán của Ukraine - ông Mykhailo Podolyak cho biết trong một tuyên bố qua video.
Trong khi đó, nhà đàm phán Nga Vladimir Medinsky nói với các nhà báo rằng các cuộc đàm phán đã diễn ra "không hề dễ dàng". "Chúng tôi hy vọng rằng từ ngày mai những hành lang nhân đạo này cuối cùng sẽ hoạt động", ông Medinsky nói.
* Nga tiếp tục các cuộc tấn công và ném bom vào các thành phố của Ukraine trong ngày thứ 11 của chiến dịch quân sự đặc biệt. Tại thành phố cảng phía nam Mariupol đang bị Nga bao vây, hàng trăm ngàn người vẫn bị mắc kẹt mà không có thức ăn và nước uống do các đợt bắn phá thường xuyên. Phó thị trưởng Sergei Orlov cho biết các cuộc không kích liên tục trong đêm.
* Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang "bắt đầu tích lũy nguồn lực để giáng sấm sét xuống Kiev", thành phố hơn 3 triệu dân, sau nhiều ngày không đạt được nhiều ưu thế lớn trong cuộc tiến công chính về phía nam từ Belarus.
Người phụ nữ bế con đi di tản, băng qua một cây cầu bị phá hủy ở thành phố Irpin, phía tây bắc Kiev, ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS
* Theo Hãng tin Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Ukraine muốn có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Chúng tôi từ lâu đã muốn có một cuộc trò chuyện trực tiếp giữa Tổng thống Ukraine và ông Vladimir Putin. Chúng tôi đều hiểu rằng ông ấy (Putin) là người đưa ra quyết định cuối cùng, đặc biệt là hiện nay. Tổng thống của chúng tôi không sợ hãi bất cứ điều gì, kể cả gặp trực tiếp với ông Putin. Nếu ông ấy cũng không sợ hãi, hãy đến cuộc họp, cùng ngồi xuống và nói chuyện", ông Kuleba nói.
* Điện Elysée của Pháp cho biết các nhà lãnh đạo của Pháp, Anh, Đức và Mỹ đã có một cuộc điện đàm trực tuyến để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong ngày 7-3 và đồng ý tăng cường hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và an ninh cho Ukraine.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với Nga, cho dù các cuộc thảo luận với Tổng thống Putin rất khó khăn. Tôi không nghĩ rằng trong những ngày và tuần tới, sẽ có một giải pháp thương lượng thực sự", ông Macron nói và cho biết đang có kế hoạch tổ chức một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong ngày 8-3 để thảo luận về khủng hoảng tại Ukraine.
Một tòa nhà cao tầng bị hư hại nặng do trúng bom đạn vào ngày 6-3, tại Kramatorsk - Ảnh: AFP
* Theo Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 7-3, Nga chưa có tiến triển nổi bật nào trong vài ngày qua ở vùng bắc và đông bắc Ukraine. Nhà Trắng cho biết tình hình tại Ukraine sẽ vẫn tiếp diễn theo hướng rất khó khăn. Nga sẽ tiếp tục tấn công ở Ukraine.
* Người đứng đầu Cơ quan hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc (UN Aid), ông Martin Griffiths kêu gọi các bên phải cho phép một hành lang an toàn cho thường dân rời khởi vùng có giao tranh theo hướng đi họ muốn, trên cơ sở tự nguyện.
Đến ngày 7-3, theo Liên Hiệp Quốc, số người Ukraine đi tị nạn đã vượt 1,7 triệu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận