Đoàn xe quân sự dài 64km của Nga tiến gần thủ đô Kiev - Nguồn: Euronews
* Vòng đàm phán thứ hai giữa Nga và Ukraine có thể được nối lại vào ngày 2-3 tại một địa điểm trên biên giới giữa Belarus và Ba Lan, thông tin do chuyến gia chính trị người Belarus Yury Voskresensky đưa ra ngày 1-3 trong trả lời phỏng vấn hãng tin Sputniknews.
* Ngày 1-3, đại diện của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Ukraine, bà Karolina Lindholm Billing, cho hay cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến khoảng 1 triệu người phải di tản trong nước, và hơn 660.000 người tại Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng để lánh nạn.
* Điện Kremlin ngày 1-3 cho biết còn quá sớm để rút ra bất kỳ kết luận nào từ cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột quân sự hiện nay.
* Ngày 1-3, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này đã bắt đầu sơ tán công dân khỏi Ukraine. Tờ Global Times dẫn thông tin của Đại sứ quán Trung Quốc tại Kiev cho biết khoảng 600 sinh viên Trung Quốc đã được sơ tán hôm 28-2 khỏi thủ đô Kiev và thành phố cảng Odessa ở miền Nam Ukraine. Dự kiến hơn 1.000 công dân khác của Trung Quốc sẽ rời Ukraine trong ngày 1-3 để tới Ba Lan và Slovakia.
* Bộ Ngoại giao Thái Lan ngày 1-3 cho biết 142 người Thái Lan đã được sơ tán khỏi Ukraine, trong đó có 103 người đã an toàn ở Vácsava (Ba Lan) và 39 người ở Bucharest (Romania).
* Theo hãng tin AFP, quân đội Nga ngày 1-3 đã tiến vào Kherson - thành phố miền Nam của Ukraine, gần với bán đảo Crimea và đang thiết lập các trạm kiểm tra tại khu vực ngoại ô thành phố.
* New York Times dẫn lời cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine cho biết một vụ nổ cực lớn đã xảy ra ở trung tâm thành phố Kharkov vào khoảng 8h sáng 1-3, ngay trước tòa nhà chính quyền thành phố, 2 giờ sau khi lệnh giới nghiêm của thành phố được dỡ bỏ. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vụ nổ và con số thương vong.
* Bộ Ngoại giao Nga ngày 1-3 cảnh báo những nước cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ phải chịu trách nhiệm nếu những vũ khí này được sử dụng trong quá trình Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.
Bên cạnh đó, Bộ ngoại giao Nga khẳng định Matxcơva sẽ đáp trả các biện pháp mà Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện đối với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (giữa) cùng Thủ tướng Denys Shmygal (phải) và Chủ tịch Quốc hội Ruslan Stefanchuk sau khi ký yêu cầu chính thức để Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, tại Kiev, Ukraine, ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
* Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 28-2 cho biết mọi nỗ lực trở thành thành viên khối này đều có thể "mất nhiều năm". Đây được xem là "gáo nước lạnh" đối với nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine.
* Ngày 1-3, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và được hứa cung cấp thêm hỗ trợ dưới hình thức trừng phạt và vũ khí, Hãng tin Reuters cho biết.
Tuy nhiên Washington đã kiên quyết từ chối yêu cầu của Ukraine về việc phương Tây áp đặt vùng cấm bay để che chắn Ukraine khỏi các cuộc không kích của Nga, vì việc này có thể đưa các lực lượng phương Tây vào xung đột trực tiếp với quân đội Nga.
* Theo CNN, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 1-3 tuyên bố Úc sẽ gửi tên lửa cho Ukraine. Đây là một phần trong gói viện trợ trị giá 50 triệu USD cho Ukraine. Ngoài ra, Úc sẽ viện trợ nhân đạo 25 triệu USD cho Ukraine.
* Ngày 28-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã ký đề nghị chính thức về việc cho Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông Zelenskiy đề nghị EU cho phép Ukraine trở thành thành viên ngay lập tức theo một thủ tục đặc biệt.
Trong thông điệp qua video, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh mục tiêu của Ukraine là gia nhập EU và có quan hệ bình đẳng với các nước trong khối. Theo ông, điều này hoàn toàn công bằng và khả thi.
Trong khi đó, đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết đang triệu tập cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng EU nhằm thảo luận tình hình Ukraine và tăng cường các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
* Theo Hãng tin AFP, trong một thông cáo báo chí phát đi ngày 28-2, thẩm phán Karim Khan của ICC cho biết cuộc điều tra về xung đột tại Ukraine "sẽ được tiến hành sớm nhất có thể".
Dựa theo mức độ của cuộc xung đột trong những ngày qua, thẩm phán Khan cho rằng cuộc điều tra này sẽ tiến hành trên mọi phần lãnh thổ nào của Ukraine, nhưng không nêu thời gian cũng như cách thức sẽ tiến hành.
Vào ngày 16-11-2016, Nga từng tuyên bố sẽ rút khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Giải thích về hành động này, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ICC "không đáp ứng được kỳ vọng trở thành một tòa án quốc tế thực sự độc lập, có thẩm quyền". Theo bộ này, ICC "thiếu hiệu quả" khi chỉ ra được 4 phán quyết trong 14 năm tồn tại và tiêu tốn hơn 1 tỉ USD.
Thực tế những năm gần đây, ICC bị cáo buộc là thiếu năng lực, không công minh và trở thành một công cụ chính trị của các cường quốc. Những ý kiến chỉ trích dẫn chứng tòa chỉ xử được một số vụ liên quan các quốc gia ở châu Phi.
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ra mắt vào ngày 1-7-2002 là ngày hiệp ước thành lập, Quy chế Roma về ICC có hiệu lực và tòa chỉ có thể truy tố tội phạm từ thời điểm này. Trụ sở chính thức của tòa án là ở Den Haag, Hà Lan, nhưng các tố tụng hình sự của tòa có thể diễn ra bất cứ nơi nào.
Tính đến tháng 6-2011, có 114 quốc gia là thành viên của tòa án, bao gồm tất cả quốc gia của Nam Mỹ, gần như tất cả châu Âu và gần một nửa các nước ở châu Phi. Ukraine không ký kết Quy chế Roma.
* Mỹ không tin sẽ có đụng độ hạt nhân với Nga. Ngày 28-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Ned Price cho biết "không nhận thấy có động thái cụ thể gì" sau quyết định của Tổng thống Vladimir Putin về việc kích hoạt các lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược.
"Vì vậy chúng tôi không thấy có lý do gì để thay đổi cấp độ báo động của Mỹ", ông Price giải thích.
* Sáng 28-2, lệnh giới nghiêm do thị trưởng Kiev ban bố trước đó (từ ngày 26-2) hết hạn áp dụng và không được gia hạn thêm. Người dân Ukraine đã xuất hiện trên đường phố sau nhiều ngày ở trong nhà tránh đạn pháo.
Cư dân địa phương đi bộ trên một con phố sau khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ ở Kiev, Ukraine ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
* Về kết quả cuộc đàm phán tại thành phố Gomel của Belarus ngày 28-2, cả Nga và Ukraine đều không công bố kết quả của cuộc gặp giữa hai phái đoàn ngoại trừ thông tin hai bên sẽ tham vấn và đàm phán vòng 2 trong những ngày tới ở biên giới Ba Lan - Belarus.
Phái đoàn của Nga và Ukraine cho biết hai bên đã tìm thấy một số điểm chung có thể nhất trí. Quan chức hai nước sẽ trở về để tiến hành tham vấn lãnh đạo Ukraine và Nga, trước khi quay lại vòng đàm phán tiếp theo.
Theo Hãng tin Sputnik của Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết phía Nga đã phá hủy 1.146 cơ sở quân sự của Ukraine kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt gồm trung tâm thông tin và điều phối của không quân, trạm radar, nhiều loại phươmg tiện…
Người dân Ukraine ở Jytomyr, phía tây thủ đô Kiev, cùng nhau đào hào làm phòng tuyến tự vệ - Ảnh: AFP
* Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nước này sẽ không cho tàu quân sự đi qua eo biển của mình. Công ước Montreux được thông qua vào năm 1936 nhằm đảm bảo quyền tự do đi lại qua eo biển Bosphorus và eo biển Dardanelles cho các tàu buôn, cả trong thời bình và thời chiến. Trong các tình huống khẩn cấp, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền cấm hoặc hạn chế việc cho tàu quân sự đi qua eo biển. Vương quốc Anh cũng yêu cầu đóng cửa các bến cảng của nước này với các tàu có liên hệ với Nga.
* Ngày 28-2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã gặp Đại sứ Mỹ tại Matxcơva John Sullivan. Đại sứ Mỹ bị phản đối mạnh mẽ liên quan đến các hành động của các phần tử thù địch tại các cơ quan ngoại giao của Nga tại Mỹ, và việc các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ chịu trách nhiệm về an ninh của các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài không hành động trong một số trường hợp.
Hãng tin Reuters cho biết ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin, nằm trong số 26 nhân vật bị EU trừng phạt, theo quyết định được công bố ngày 28-2 trên tạp chí chính thức của EU.
Danh sách còn bao gồm các nhà tài phiệt và doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và tài chính, các thành viên chính phủ, quân nhân cấp cao và những nhà báo đã góp phần tuyên truyền chống Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẽ trừng phạt nhiều hơn vì không thấy có dấu hiệu là Nga chuẩn bị xuống thang.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ở Washington, D.C., ngày 28-2 - Ảnh: REUTERS
Mỹ đã quyết định trục xuất 12 nhà ngoại giao của Nga ở Liên Hiệp Quốc (LHQ), trụ sở ở New York, do lo ngại vấn đề an ninh. Các nhà ngoại giao Mỹ và Nga đều xác nhận thông tin này. Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho biết các nhà ngoại giao được yêu cầu rời đi vào ngày 7-3. Ông nói Nga sẽ phản ứng lại quyết định này.
Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Richard Mills phản hồi: "Những nhà ngoại giao được yêu cầu rời Mỹ đã tham gia vào các hoạt động không phù hợp với trách nhiệm và nghĩa vụ của họ với tư cách là nhà ngoại giao".
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đóng cửa Đại sứ quán Mỹ tại Belarus và cho phép các nhân viên không thiết yếu của tòa Đại sứ Mỹ tại Nga rời khỏi đất nước.
Ngày 28-2, cuộc biểu tình trong ôn hòa ủng hộ Ukraine đã diễn ra ở Zurich, Thụy Sĩ với số lượng ước tính khoảng 10.000 người.
Canada, Phần Lan, Na Uy sẽ gửi thêm vũ khí hiện đại cho Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận