28/02/2018 07:52 GMT+7

Độc giả chung tay 'chẩn bệnh' xả rác vô tội vạ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Nhiều bạn đọc quan tâm đến vấn đề xả rác sau bài viết phản ánh tình trạng trên xe khách, chợ Đà Lạt đã nêu có những ý kiến đa chiều.

Nhiều độc giả cho rằng thói quen xả rác vô tội vạ xuất phát từ việc nhà trường không giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng giáo dục phải từ cả gia đình và nhà trường, không thể chỉ đổ lỗi cho giáo dục nhà trường.

Đừng quy kết ‘tại nhà trường’

Bạn đọc Kim Hồng kể, gia đình chị dạy con ngay từ lúc nhỏ mua đồ phải xếp hàng, ăn bất cứ vật gì thì bỏ ở giỏ xe của mẹ, hoặc tìm thùng rác để vứt. 

"Năm nay con 13 tuổi, khi mua đồ đều cúi chào cám ơn với người lớn hơn mình. Đừng chỉ đổ lỗi cho giáo dục nhà trường. Nếu cha mẹ cứ thoải mái cho con chen hàng, giành giựt đồ chơi thì ý thức ở đâu ra?", chị bình luận

Một ý kiến khác cũng cho rằng nơi giáo dục ý thức tốt nhất là gia đình và xã hội, bởi gia đình thiếu ý thức thì con cái cũng sẽ học theo, không hệ thống giáo dục nào dạy được.

Chị Nguyễn Thị Hà (31 tuổi, TP.HCM) cho biết con trai 4 tuổi của chị hàng tuần đều được thầy cô dẫn đi nhặt rác quanh trường và các con phố gần đó, để dạy trẻ thói quen giữ vệ sinh chung. Ở nhà chị cũng dạy con phải bỏ rác vào thùng, uống sữa xong tự bỏ vỏ hộp sữa. Bé còn nhỏ, đôi lúc cũng quên và mẹ phải nhắc. 

"Con cần được giáo dục về ý thức giữ gìn môi trường ngay từ lúc nhỏ, từ cả gia đình lẫn nhà trường. Tùy thuộc vào độ tuổi mà giáo dục từ cha mẹ hay nhà trường sẽ quan trọng hơn. 

Trẻ ở đội tuổi từ 0-6, người mẹ có kết nối chặt chẽ với con nhất thì những bài học từ mẹ sẽ dễ dàng được tiếp thu. Tôi hay đọc truyện thiếu nhi cho bé nghe trước khi ngủ, trong đó có những mẩu chuyện dạy trẻ về ý thức", chị cho biết.

Con trai chị vẫn đang học mầm non, nhưng đến nơi công cộng như sân bay, công viên luôn tìm thùng rác để bỏ rác. Bé thấy các bạn khác vứt rác ra ngoài còn tới nhặt bỏ vào thùng.

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng, một giáo viên đang giảng dạy tại TP.HCM, trong trường học, ngoài những bài học lồng ghép trong các môn học, thầy cô cũng thường xuyên rèn cho học trò thói quen giữ vệ sinh chung. 

"Những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa hay tiết chủ nhiệm, các em đều được nhắc nhở giữ vệ sinh trường lớp. Tôi bước vào lớp học có giấy có rác cũng yêu cầu học trò lượm sạch rách xung quanh rồi mới bắt đầu", cô Phượng cho biết.

Chẩn cho đúng bệnh xả rác

Một bạn đọc kể: "Ngay cả má mình về nói một câu mà mình buồn: "Bệnh viện nhận thuốc đông ơi là đông. Họ xếp hàng dài chờ, tới phiên má chắc tới chiều quá. Nhờ má lanh, lấn đại vô nhận mà được về trước.

Đây không phải là câu chuyện xả rác, nhưng liên quan đến ý thức cộng đồng, ý thức xã hội đáng suy ngẫm. Một độc giả bình luận thêm: "Nếu đây là má của quý vị thì quý vị muốn má lanh hay ngồi đợi tới chiều? Theo tôi, xả rác là hiện tượng phản ánh nhiều căn bệnh chứ không phải một: giáo dục, thói quen, dịch vụ công cộng chưa tổ chức tốt, quá tải… Phải chẩn cho đúng bệnh thì mới chữa được bệnh.

Một bạn đọc khác kể tìm mỏi mắt không có thùng rác ở chợ, quán ăn không có giỏ đựng rác, người buôn bán không có thùng rác. Ở TP.HCM ngoại trừ quận 1, quận 3 hoặc một số quận khác có đặt thùng rác khá đều, nhiều quận còn lại tìm một thùng rác công cộng cũng đỏ con mắt.

Phải chế tài nghiêm

Một bạn đọc nêu: "Nhiều người sống ở Việt Nam vô tư xả rác tràn lan dù băng rôn, biểu ngữ kêu gọi ý thức dán đầy đường. Nhưng ra nước ngoài du lịch, công tác đều tự giác tuân thủ. Phải chăng là do pháp luật quá mềm mỏng với những tội phá hoại môi trường đến mức khinh thường pháp luật?".

Bạn đọc Nguyễn Tấn Quang cũng đồng quan điểm: "Xả rác, ý thức kém là do các cấp quản lý luật pháp không nghiêm, không đủ sức răn đe. Hãy tăng mức xử phạt và xử phạt nghiêm minh".

Một bạn đọc khác cho rằng Việt Nam có đầy đủ luật từ cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm xả rác... "Nhưng người dân vẫn hút thuốc ở nơi có bảng cấm, xả rác đầy góc ngã tư. Bởi có luật nhưng không có người thực thi bảo vệ pháp luật, người thực thi bảo vệ pháp luật cũng vi phạm pháp luật nên không ai nghe, hoặc mức phạt quá thấp", bạn đọc bình luận.

Bạn đọc Năm An Nhất lại chỉ ra rằng phạt hành chính không đủ răn đe, chỉ giống như công nhận Tôi có tiền (để đóng phạt), tôi có quyền xả rác

Theo bạn, xả rác chính là coi thường lao động của người công nhân vệ sinh, và phải xử phạt nặng như ở Singapore. Ngoài phạt nặng về hành chính, người vi phạm phải lao động công ích (quét đường, gom rác...) tại chính nơi họ vứt rác trong khoảng thời gian một tuần lễ hay 15 ngày, để họ thấy sự vất vả của người công nhân vệ sinh, và là "gương" cho người khác.

Một bạn đọc khác bổ sung thêm, nếu không có tiền đóng phạt, sẽ phạt bằng hình thức lao động công ích đi thu rác, làm vệ sinh môi trường.

Theo bạn đọc Nguyễn Quốc Thắng, có quy định, nghị định là điều cần thiết, nhưng phài có biện pháp thực hiện triệt để khi thực thi. Đặc biệt, muốn người dân không xả rác thì nên có đủ thùng rác, giỏ rác thuận tiện và có biện pháp kiểm tra thực hiện.

Chợ Đà Lạt ngổn ngang rác sau tết, nhiều bạn trẻ sốc nặng Chợ Đà Lạt ngổn ngang rác sau tết, nhiều bạn trẻ sốc nặng

TTO - Hình ảnh các điểm tham quan tại thành phố Đà Lạt ngập tràn rác được nhiều người chia sẻ trên các nhóm du lịch và trang cá nhân với cảm giác sốc.

Xử phạt xả rác, tiểu bậy: Rối vì nhiều quy định Xử phạt xả rác, tiểu bậy: Rối vì nhiều quy định

TTO - Xả rác, tiểu bậy nơi công cộng - những hành vi này hiện đang được quy định ở rất nhiều nghị định của Chính phủ với mức xử phạt rất khác nhau. Việc này gây khó khi áp dụng thực tế.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên